01/06/2023 - 11:39

Phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo cả lượng và chất 

Bài, ảnh: L. MẪN

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai từ năm 2018, đã tạo sức lan tỏa, giúp nâng giá trị sản phẩm cho người sản xuất. Các địa phương đang tiếp tục phát triển, đưa các sản phẩm chất lượng trên địa bàn tham gia vào chương trình OCOP để khai thác các nguồn lực sẵn có, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm…

Chuối ngào đường (góc trái) là 1 trong 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2023 của huyện Vĩnh Thạnh.

Lan tỏa

Ðến cuối năm 2022, TP Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP cấp thành phố; trong đó có 58 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao. Ðây đều là sản phẩm tiêu biểu của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân, hợp tác xã. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.

Ðến nay, cơ sở Thuận Hòa Food ở quận Ninh Kiều đã có 10 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao. Theo ông Lý Tiền Nghĩa, chủ Cơ sở Thuận Hòa Food, từ khi tham gia chương trình OCOP, cơ sở được quận và các ngành chức năng thành phố tạo điều kiện tham gia kết nối thị trường, khai thác sản phẩm làm quà tặng tại các điểm du lịch. Qua đó, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn và tin tưởng sử dụng, sản lượng tăng khoảng 30%. Bên cạnh đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, chú trọng vào yếu tố chất lượng, các sản phẩm của cơ sở cũng dần hoàn thiện về mặt bao bì, nhãn mác...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Theo Văn phòng Ðiều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, nguồn kinh phí thực hiện chương trình OCOP còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của các sở, ngành thành phố nên chưa thực sự hiệu quả. Sản phẩm OCOP chưa được nhiều về số lượng, chưa có sản phẩm quốc gia (5 sao). Các chủ thể chưa mạnh dạn tham gia vào các hội chợ OCOP, lồng ghép không gian văn hóa, trải nghiệm ẩm thực để giới thiệu sản phẩm OCOP để mọi người có thể mua sắm, quảng bá thương hiệu sản phẩm rộng rãi. Bên cạnh đó, chưa chủ động được vùng nguyên liệu và công nghệ sản xuất, chế biến - đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm phát triển bền vững và mang lại giá trị cao. Việc này dẫn đến sản phẩm có sản lượng thấp và không ổn định…

Đồng hành cùng chủ thể OCOP

Trong năm 2023, bên cạnh tiêu chuẩn hóa 92 sản phẩm OCOP hiện có, thành phố đề ra mục tiêu phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao và phấn đấu có 2 sản phẩm đạt 5 sao. Từ đầu năm đến nay, Văn phòng Ðiều phối chương trình xây dựng nông thôn mới đã phối hợp với các quận huyện, hỗ trợ 28 chủ thể làm hồ sơ cho 60 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 16 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá và xếp hạng lại do hết hạn công nhận và 44 sản phẩm OCOP tham gia mới.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm cũng như hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình OCOP. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân hiểu về lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP. Cùng đó, phối hợp các ngành liên quan vận động các chủ thể có sản phẩm tiềm năng mạnh dạn tham gia chương trình OCOP. Huyện đăng ký 3 sản phẩm của 3 chủ thể đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Hiện đang hướng dẫn xã và chủ thể thực hiện quy trình thủ tục để chuẩn bị ra hội đồng đánh giá xếp hạng…

Là cơ quan thường trực Hội đồng OCOP thành phố, ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới thành phố cho biết: Văn phòng tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu và đăng ký tham gia chương trình OCOP. Ðồng thời, rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ chương trình OCOP theo từng hạng sao; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các chủ thể sản phẩm OCOP. Văn phòng cũng phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP trong công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm được rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ khác như kỷ yếu về câu chuyện sản phẩm cho những sản phẩm đặc trưng địa phương; xây dựng các khẩu hiệu quảng bá, hay pano và phướn để quảng bá; xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng tại các điểm du lịch tại thành phố... Mặt khác, kịp thời cung cấp, cập nhật các kiến thức, quy định mới cho các chủ thể nhằm thực hiện đúng theo quy định...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới thành phố cùng các sở, ban ngành liên quan, UBND quận huyện quan tâm chăm bồi, hướng dẫn, thậm chí là “cầm tay chỉ việc” giúp các chủ thể của sản phẩm OCOP mới tham gia năm 2023 thực hiện đúng các tiêu chuẩn quy định. Ðồng thời quan tâm công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, rà soát sản phẩm tiêu biểu, độc đáo, có tiềm năng để phát triển thành các sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, kịp thời hướng dẫn để nâng lên về chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm đúng với tinh thần của chương trình OCOP. Riêng với những sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận, hỗ trợ các chủ thể thực hiện quy trình hồ sơ, thủ tục tái công nhận theo quy định...

Chia sẻ bài viết