02/06/2014 - 20:49

TP Cần Thơ

Phát triển sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn

TP Cần Thơ đang xác định lại sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn cho phù hợp với tình hình địa phương. Từ đó xây dựng chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển trong thời gian tới…

* Xác định sản phẩm chủ lực, kinh tế mũi nhọn

Theo đánh giá của ngành công thương thành phố, công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2014 tuy còn nhiều khó khăn do hệ quả của quá trình suy giảm kinh tế những năm trước, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn có sự gia tăng. Nếu như giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố năm 2011 đạt 68.686 tỉ đồng (theo giá so sánh năm 2010) thì đến năm 2013 đã đạt 86.750 tỉ đồng và dự kiến đến năm 2015 đạt 111.150 tỉ đồng (mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2013 là 12,38%/năm; dự kiến giai đoạn 2011-2015 là 12,79%/năm). Đến năm 2014, trên địa bàn thành phố có 7.234 cơ sở sản xuất công nghiệp (trong đó có 1.015 doanh nghiệp), với 89.200 lao động. Hoạt động công nghiệp phân theo ngành; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao và ổn định nhất so với các ngành khác và chiếm tỷ trọng lớn nhất (đạt khoảng 97,5% giá trị toàn ngành công nghiệp thành phố); kế đến là công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước, khí đốt…

TP Cần Thơ sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn. Trong ảnh: Chế biến thủy sản là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên của TP Cần Thơ. 

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thực hiện theo Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 9-4-2013 của UBND TP Cần Thơ về phê duyệt Đề án xây dựng danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của TP Cần Thơ giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020 xác định ngành công nghiệp ưu tiên gồm: chế biến nông - thủy sản; dệt may, da giày, nhựa, hóa chất. Các ngành công nghiệp mũi nhọn gồm: thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; công nghiệp sản xuất sản phẩm từ công nghệ mới (bao gồm năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ phần mềm)...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, Sở NN&PTNT xác định sản phẩm chủ lực và có ưu thế cạnh tranh để đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp thành phố gồm: lúa, cá tra và một số loại cây ăn trái đặc trưng của thành phố... Mặc dù là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng Cần Thơ còn diện tích sản xuất lúa lớn với hơn 88.000 ha và đứng thứ 6 ở vùng ĐBSCL. Ngành nông nghiệp và nông dân đã áp dụng các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. Thành phố cũng chọn những giống lúa có giá trị kinh tế cao, nhất là lúa Jasmine để đẩy mạnh sản xuất. Hiện mỗi năm, thành phố đạt sản lượng khoảng 400.000 tấn và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đánh giá lúa có chất lượng cao hơn lúa nhiều địa phương khác. Diện tích thủy sản của thành phố hiện nay khoảng 14.000 ha, trong đó cá tra trên dưới 1.000 ha, ngành nông nghiệp thành phố đang định hướng phát triển sản xuất cá tra an toàn thực phẩm, trên địa bàn thành phố có 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản và đây cũng là lợi thế lớn phát triển nuôi cá tra… Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, du lịch Cần Thơ còn yếu, trong thời gian tới có thể chọn phát triển du lịch kết hợp với hội nghị là sản phẩm chủ lực. Bởi thành phố có nhiều khách sạn có thể thu hút khách trong và ngoài nước đến tổ chức hội nghị để bán các sản phẩm du lịch khác. Ngoài ra, phát triển mô hình du lịch gắn với các khu văn hóa di tích lịch sử cấp thành phố và quốc gia mà Cần Thơ đang có nhiều.

Ông Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: Sản phẩm chủ lực của thành phố không chỉ là ở lĩnh vực công nghiệp mà nông nghiệp, du lịch cũng cần được quan tâm đầu tư phát triển. Đối với lĩnh vực công nghiệp, sản phẩm chủ lực nhiều nên cần lựa chọn bớt lại để có chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển hiệu quả. Cần có chương trình đánh giá sản phẩm công nghiệp chủ lực theo giai đoạn 2-5 năm một lần để lựa chọn ngành công nghiệp chủ lực của thành phố; tiêu chí đánh giá về tăng trưởng sản xuất, quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, bảo vệ môi trường... Sản phẩm chủ lực của nông nghiệp có thể chọn ra như: giống cây con, lúa, một số loại cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, mô hình phát triển các loại nấm đang rất hiệu quả... Về du lịch có thể tập trung phát triển du lịch sinh thái và các khu nghỉ dưỡng cao cấp…

* Xây dựng chính sách phát triển

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của TP Cần Thơ được hỗ trợ phát triển theo quy định tại Quyết định 55/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách khuyến khích phát triển như: hỗ trợ giới thiệu sản phẩm miễn phí cho doanh nghiệp (trên website của Bộ Công thương); hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm miễn phí tại các hội chợ, triển lãm của quốc gia và địa phương; hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ... Sở Công thương đề xuất: Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố được quy định tại Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của TP Cần Thơ giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến năm 2020 hưởng thêm các hỗ trợ, ưu đãi từ vốn ngân sách để đầu tư phát triển. Đối với nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ đổi mới thiết bị, hỗ trợ tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu… Nhóm công nghiệp mũi nhọn, được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi như nhóm ngành công nghiệp ưu tiên và bổ sung thêm: hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuế xuất, nhập khẩu…

Tại cuộc họp bàn về việc xây dựng chính sách phát triển sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố do UBND TP Cần Thơ tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Trương Quang Hoài Nam yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tiến hành rà soát lại từng nhóm ngành kinh tế, sản phẩm chủ lực của thành phố. Sở Công thương cần thực hiện sơ kết sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ để đánh giá lại ngành công nghiệp mũi nhọn xem còn phù hợp với tình hình hiện nay. Phó Chủ tịch giao Viện Kinh tế-Xã hội thành phố nghiên cứu các chính sách phát triển kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của các địa phương khác, vận dụng vào chính sách của thành phố. Cần có các giải pháp về quy hoạch, giải pháp về thị trường (tạo lập và mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm chủ lực), giải pháp tiếp cận các nguồn lực (vốn, áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…).

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết