30/03/2019 - 08:31

Phát triển nông nghiệp bền vững từ nguồn vốn tài trợ 

Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Trung ương, trong 3 năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đạt được kết quả tích cực. Qua 3 năm thực hiện dự án, Cần Thơ có hàng chục ngàn nông dân thành phố được tập huấn, hướng dẫn và có điều kiện áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, góp phần tăng lợi nhuận và đảm bảo sản xuất lúa theo hướng bền vững. Dự án còn hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, nhà kho cho các nhóm nông dân sản xuất lúa hiệu quả. 

Ruộng lúa nông dân huyện Vĩnh Thạnh tăng cường áp dụng kỹ thuật canh tác mới “1 phải, 5 giảm”. 

Thay đổi thói quen canh tác   

Dự án VnSAT được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA/WB) và Chính phủ Việt Nam ký ngày 9-7-2015, có hiệu lực từ ngày 3-12-2015, với tổng số vốn 301 triệu USD (trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 238 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam 28 triệu USD và vốn tư nhân 35 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án 2015-2020 trên phạm vi 13 tỉnh, thành; trong đó có 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) với mặt hàng cà phê và 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang) với mặt hàng lúa gạo.

Dự án VnSAT gồm 4 hợp phần: tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành (hợp phần A), phát triển lúa gạo bền vững (hợp phần B), phát triển cà phê bền vững (hợp phần C) và quản lý dự án (hợp phần D). Dự án nhằm góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức quản lý canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê. Trong đó, mục tiêu kinh tế mà dự án hướng đến ở hợp phần lúa gạo với 200.000ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân tăng 30%/ha, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm.

Nông dân TP Cần Thơ đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu. 

TP Cần Thơ có gần 85.000ha sản xuất lúa, sản lượng hằng năm đạt trên 1,3 triệu tấn; trong đó 80% diện tích là lúa chất lượng cao. Thành phố rất quan tâm thực hiện Dự án VnSAT nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giúp nông dân giảm chi phí và tăng thu nhập trong sản xuất lúa. Đây cũng là dự án của ngành nông nghiệp với quy mô và nguồn kinh phí lớn nhất từ trước đến nay, thành phố đã tranh thủ nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế - Ngân hàng Thế giới.

Dự án VnSAT được thực hiện tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai; với tổng diện tích 29.962ha và 25.000 nông hộ tham gia trên tổng số 34 xã/thị trấn khoảng 70.000ha diện tích sản xuất lúa chung của 3 huyện. Riêng năm 2017, dự án còn mở rộng địa bàn thực hiện sang 3 phường của quận Thốt Nốt để thực hiện mục tiêu tăng cường sản xuất nhân giống lúa xác nhận phục vụ cho việc ứng dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, đồng thời mở rộng 2 xã thuộc huyện Vĩnh Thạnh nâng tổng diện tích thực hiện lên 38.863ha và 32.231 hộ nông dân tham gia. Dự án chủ yếu tập trung tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ chức nông dân và HTX.

Sau khoảng 3 năm triển khai thực hiện Dự án VnSAT, TP Cần Thơ đang hướng đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho người nông dân và góp phần làm thay đổi tập quán canh tác lúa của nông dân, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tổng mức đầu tư của dự án tại TP Cần Thơ hơn 323,66 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đầu tư 209,69 tỉ đồng: thực hiện đào tạo nông dân về “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”; xây dựng năng lực cho các tổ chức nông dân và hợp tác xã (HTX); hỗ trợ liên kết bao tiêu với doanh nghiệp; xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân và HTX... Vốn ngân sách địa phương hơn 39,51 tỉ đồng: thực hiện đào tạo nông dân về “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”; chuẩn bị đầu tư cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng cho tổ chức nông dân và HTX. Vốn tư nhân hơn 74,45 tỉ đồng: xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân và HTX. 

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ, tính đến vụ đông xuân 2018-2019, dự án đã thực hiện được 487 lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng” với tổng số 22.685 nông dân tham dự, tổng diện tích 27.674ha, ngoài ra đã thực hiện 123 điểm trình diễn bao gồm điểm trình diễn 2ha và 1.000m2. Về đào tạo “1 phải, 5 giảm”, đã thực hiện được 273 lớp tập huấn, với tổng số 11.833 nông dân tham dự, tổng diện tích 14.665ha, thực hiện 116 điểm trình diễn bao gồm điểm trình diễn 2ha và 1.000m2. Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ còn tổ chức 25 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông của hệ thống khuyến nông và bảo vệ thực vật, với 580 học viên tham dự, giúp cán bộ khuyến nông nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc theo nhóm, nông dân tích lũy thêm kinh nghiệm đồng ruộng.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ chức nông dân và HTX, Dự án VnSAT TP Cần Thơ đang thực hiện hỗ trợ đợt 1 cho 6 tiểu dự án (6 hợp tác xã và tổ chức nông dân) gồm: trạm bơm điện, nhà kho, lò sấy… với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 44,12 tỉ đồng (gồm vốn IDA, vốn đối ứng ngân sách và HTX). Một số tiểu dự án cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng, dự kiến tháng 6-2019 hoàn thành.

Ông Nguyễn Cao Khải, Chủ tịch HĐQT-Giám đốc HTX Hiếu Bình (ở huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: Dự án VnSAT hỗ trợ cho HTX xây dựng nhà kho diện tích 800m2, lò sấy công suất 40 tấn/mẻ, trạm bơm diện tích phục vụ khoảng 1.200ha và máy tách hạt. Khi có được nhà kho, lò sấy, trạm bơm và máy tách hạt mà dự án hỗ trợ, nông dân HTX và khu vực gần như áp dụng cơ giới hóa hết tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch cho đến bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, HTX sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất lúa gạo an toàn cung ứng cho các đối tác.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ, cho biết: Dự án VnSAT triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố đã cho hiệu quả về mặt kinh tế là áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” trên một cánh đồng, góp phần giảm chi phí và giá thành sản xuất, tạo sản phẩm đồng nhất về chất lượng để liên kết tiêu thụ, hạn chế dịch hại lúa.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, đến nay, dự án cũng đã tập huấn cho nông dân đạt khoảng 90% diện tích tham gia dự án, số nông dân áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” đạt khoảng 66%, giúp nông dân giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1,8-2,5 triệu đồng/ha. Dự án VnSAT cũng chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho 6 HTX trong đợt 2, dự kiến quý III-2019 triển khai xây dựng… Dự án đạt hiệu quả sẽ tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và nông dân sẽ tham gia nhiều hơn, đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết