04/10/2009 - 21:15

NUÔI TRỒNG THỦY SẢN Ở VÙNG U MINH THƯỢNG (KIÊN GIANG)

Phát triển mô hình con tôm "ôm" cây lúa

Một cơ sở sản xuất tôm giống An Minh
(Kiên Giang).

Sau đợt dịch bệnh khiến 2/3 diện tích tôm nuôi của vùng U Minh Thượng thiệt hại vào cuối năm 2008, đến thời điểm này tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi được 78.426/85.000ha (trong đó có 14.400ha tôm nuôi theo phương thức thâm canh và quảng canh cải tiến, 600ha tôm thẻ chân trắng).

Sau 10 năm hình thành và phát triển, mô hình tôm-lúa ở tỉnh Kiên Giang đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Với 65.000ha tôm-lúa, hằng năm vùng sinh thái U Minh Thượng thu hoạch 20.000 tấn tôm, chiếm 2/3 tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh này. Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch UBND huyện An Biên, cho biết: Trước đây, nguồn thu nhập chính của nông dân toàn vùng là từ cây lúa, năng suất thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, An Biên xác định muốn đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân vùng ven biển, góp phần tăng trưởng GDP, trước tiên phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phá vỡ thế độc canh cây lúa. Theo đó, huyện đã quy hoạch và chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn sản xuất lúa hè thu kém hiệu quả sang thực hiện mô hình tôm-lúa. Kết quả từ năm 2001-2005, diện tích tăng bình quân mỗi năm là178%, sản lượng tăng bình quân 407%/năm; giai đoạn 2006-2008, diện tích tăng không đáng kể do toàn huyện có 2.825/8.303ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh đỏ thân đốm trắng, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Mặc dù vậy, tính trên bình diện chung, ở An Biên vẫn có 80% số hộ nuôi tôm có lời 20-30 triệu đồng/ha...

Trong khi đó, tại huyện Vĩnh Thuận, mô hình tôm-lúa đang góp phần vào ổn định và tăng trưởng GDP của huyện từ 6,7-6,8%/năm. Hiện nay, toàn huyện có gần 20.000ha đất nuôi tôm, trong đó mô hình tôm-lúa chiếm 15.000ha. Nếu như năm 2001 trở về trước, trên cùng diện tích canh tác, năng suất tôm thu hoạch được 120kg/ha và năng suất lúa là 3,5 tấn/ha, thì hiện nay năng suất bình quân đối với vụ tôm tăng lên 320-340 kg/ha, vụ lúa là 4,3-4,5 tấn/ha. Từ khi chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang làm tôm-lúa, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 0,70-0,85%/năm.

Kỹ sư Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Minh, cho rằng: Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, con tôm “ôm” cây lúa là bước đột phá phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và tập quán canh tác của nhà nông. Nhờ vậy, hiện nay, toàn vùng U Minh Thượng còn có 2.000ha ruộng nuôi cua biển theo phương thức chuyên canh và kết hợp với nuôi tôm, sản lượng thu hoạch 3.000 tấn/năm. Điều đáng nói là từ khi mô hình tôm-lúa mở ra, điều kiện đi lại, học tập, khám chữa bệnh, đời sống tinh thần, khả năng tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân vùng quê này ngày càng căn cơ, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống dân cư và xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch UBND huyện An Biên, cho biết thêm: Trước khi chuyển dịch nuôi tôm, toàn vùng có 5 kênh trục chính nối với sông Cái Lớn, 36 kênh cấp II và hàng trăm kênh cấp III, với tổng chiều dài 458km. Thế nhưng, qua nhiều năm sử dụng hiện đa số các kênh này đã bị bồi lắng, nước trong lòng kênh chỉ đạt độ sâu trung bình 0,5-1m. Để phục vụ nhu cầu cấp thoát nước cho sản xuất và sinh hoạt, trong 9 năm qua bằng nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, đã có 85 công trình thủy lợi được nạo vét với tổng chiều dài hơn 350km, tổng khối lượng 5.840.672m3. Ông Nguyễn Ngọc Út, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận, khẳng định: Tiềm năng NTTS của vùng U Minh Thượng là rất lớn, điều kiện sinh thái-thổ nhưỡng cũng thuận lợi. Bên cạnh tôm-lúa, nhà nông còn phát triển nuôi sò huyết, cua biển, cá nước lợ và ngọt dưới tán rừng. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được phát huy đúng mức. Do hệ thống thủy lợi chỉ mới đáp ứng được 50-60% nhu cầu cấp thoát nước trong nuôi tôm cũng như rửa mặn, xả phèn cho việc sạ lúa lấp vụ. Đầu tư hệ thống thủy lợi trên cơ sở kết hợp với bảo vệ môi trường nước tại các vùng nuôi, thì năng suất, sản lượng tôm-lúa vùng U Minh Thượng sẽ đạt hiệu quả cao hơn...

Bài, ảnh: MẠNH CHUNG

Một cơ sở sản xuất tôm giống An Minh (Kiên Giang).

Chia sẻ bài viết