26/04/2021 - 19:45

Phát triển kỹ năng làm việc cho lao động nông nghiệp

(CT) - Ngày 26-4, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn Chiến lược kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục đích Chiến lược kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp nhằm xác định một số giải pháp phát triển năng lực làm việc cho lực lượng lao động ngành nông lâm thủy sản. Từ đó, thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu lao động hiện tại và tương lai của ngành; thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh và bền vững; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần 14% tổng giá trị sản phẩm quốc gia và sử dụng nhiều lao động. Năm 2019, lao động ngành nông lâm thủy sản chiếm 34,5% tổng lực lượng lao động xã hội nhưng nhiều lao động lĩnh vực này vẫn sống trong điều kiện nghèo hoặc cận nghèo. Nguyên nhân là do đa số lao động nông lâm thủy sản làm việc tại các hộ gia đình, canh tác nhỏ lẻ (chiếm 98% lực lượng lao động toàn ngành), có trình độ, kỹ năng thấp; lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỉ lệ lớn; xu hướng lao động nông lâm thủy sản đang phải đối mặt với xu hướng già hóa nhanh. Những hạn chế trên làm cho năng suất lao động trong ngành Nông nghiệp thấp nhất trong các nhóm ngành kinh tế Việt Nam và thấp hơn nhiều các nước trong khu vực.

Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chiến lược kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp ngoài việc đảm bảo số lượng cần rèn luyện cho lao động các kỹ năng cơ bản, nền tảng như: đàm phám, quản trị, làm việc nhóm,... Song song đó, tạo mọi điều kiện để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận với thành tựu khoa học mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết