21/10/2021 - 20:15

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển vùng ÐBSCL

(CT) - Sáng 21-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết các nhiệm vụ của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-1-2003 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ÐBSCL thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020. Dự hội nghị có đại diện các Bộ, ban ngành liên quan và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chủ trì tại điểm cầu của TP Cần Thơ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã quán triệt đến các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai và đã hoàn thành nhiều công trình đầu tư giao thông quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng cho vùng ÐBSCL. Giai đoạn năm 2002 đến nay, đã cơ bản hình thành các tuyến trục dọc nối ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Ðông Nam Bộ, các tuyến trục ngang kết nối nội vùng. Ðến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002. Một số công trình trọng điểm đường thủy nội địa đã được đầu tư đưa vào khai thác, như: kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), âu Rạch Chanh... Hoạt động thủy nội địa đảm nhận gần 80% khối lượng hàng hóa luân chuyển. Vùng ÐBSCL đã phát triển hệ thống gồm 13 cảng biển với 37 bến cảng. Bên cạnh đó, đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không trong khu vực: Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng Hàng không Quốc tế Cà Mau và Cảng Hàng không Quốc tế Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm. Hiện nay, các phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đang khai thác trong vùng ÐBSCL đều kết nối quốc tế, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển du lịch...

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được của vùng trong lĩnh vực GTVT cũng như những mặt hạn chế, tồn tại. Phân tích những khó khăn, thách thức vùng đang và sẽ đối mặt trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT phát triển hạ tầng giao thông vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như: đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến cao tốc; cải tạo, nâng cấp các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính; xây dựng bến tàu khách quốc tế; nâng cấp và mở rộng các cảng hàng không theo nhu cầu khai thác; quan tâm đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; cần có cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng giao thông cho vùng...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Việc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị để đánh giá kết quả đạt được của ngành GTVT là cơ sở quan trọng giúp Ban Kinh tế Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong lĩnh vực GTVT nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ ghi nhận góp ý của các đại biểu và đề nghị các địa phương nỗ lực cùng ngành GTVT thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để hình thành một số hạ tầng giao thông trọng yếu thúc đẩy vùng ÐBSCL phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới...

T. TRINH

Chia sẻ bài viết