16/08/2015 - 20:29

TP CẦN THƠ

Phát triển đồng bộ “tam nông”

* Tuyết Trinh - Mỹ Thanh

Giai đoạn 2010- 2015, ước giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp - thủy sản của TP Cần Thơ (giá so sánh 2010) tăng bình quân 3,73%/năm; thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 95,6 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 145 triệu đồng/ha (ước năm 2015). Kết quả này khẳng định sự đầu tư đúng đắn của thành phố trong xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất… gắn với xây dựng nông thôn mới để từng bước thúc đẩy "tam nông" (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) phát triển đồng bộ.

Bài 1: Gỡ "nút thắt" hạ tầng

Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) là yêu cầu cấp thiết, là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Xác định được điều đó, những năm qua, TP Cần Thơ tập trung nhiều giải pháp để kiện toàn mạng lưới GTNT. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng GTNT đã cơ bản thay đổi và đạt được những thành tựu to lớn phục vụ cho thành phố phát triển kinh tế-xã hội.

Dần thông suốt...

Xác định trước hết phải phát triển về cơ sở hạ tầng để làm nền tảng cho sự phát triển các lĩnh vực khác, thời gian qua, các địa phương ở TP Cần Thơ đã tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và sức mạnh toàn dân tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng GTNT đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo ghi nhận từ các địa phương, công tác xây dựng GTNT đã được sự hỗ trợ của Trung ương và sự quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các cấp cùng sự đóng góp thực hiện của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Các địa phương tích cực phát huy phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; có kế hoạch quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống GTNT theo tiêu chuẩn quy định. Nhiều tuyến giao thông được đầu tư, mở rộng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo ra dáng dấp bộ mặt nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thới Lai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất phải kể đến chuyển biến tích cực trong xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT. Nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng từ 2m lên 4m, kết hợp vừa làm lộ vừa làm cầu, từng bước tạo mạng lưới giao thông thông suốt, liên hoàn giữa các xã, ấp. Từ đó, không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T. TRINH

Trước sự thay đổi diện mạo ở những vùng nông thôn, người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi khi được đi trên những con đường bê tông mới trải dài khắp các xóm, ấp. Chỉ vào con đường trước nhà, cô Hà Thị Nhung ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, tâm đắc: "Tuyến đường này trước kia chật hẹp, toàn ổ gà, đi lại khá nguy hiểm. Vì vậy, khi xã họp bàn làm đường bê tông mở rộng 4m, cô và người dân vui lắm! Làm cầu, làm đường trước tiên là mình thụ hưởng, rồi sau này con cháu, bà con láng giềng mình đi chứ có làm cho ai đâu. Giờ đây, đường đã được mở rộng 4m, đổ bê tông phẳng phiu, xe 4 bánh chạy tới nhà, bà con ai nấy điều vui mừng. Có đường đẹp nên ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, sửa chữa nhà cửa, làm hàng rào, chăm chút cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp… làng xóm vui hẳn lên. Sáng sớm mới 4 giờ, già trẻ cùng nhau đi bộ tập thể dục, đông vui lắm! Không chỉ riêng nơi này, hầu hết đường sá trong xã đều được đổ bê tông, trải nhựa, cầu xây dựng kiên cố, đi lại an tâm hơn!".

Những con đường bê tông thẳng tắp, những cây cầu xi măng vững chắc trải dài trên các tuyến GTNT... mang lại sức sống mới cho những vùng quê. Anh Trương Minh Tâm ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Thạnh Thắng là xã cách xa trung tâm thành phố, đời sống người dân dựa vào nông nghiệp là chính nên còn nhiều khó khăn; đường sá đi lại khó khăn, đường nhỏ, hẹp, mưa đến lầy lội, nhiều nơi phải qua đò, mất nhiều thời gian. Những năm gần đây, giao thông ở xã được quan tâm đầu tư. Cụ thể, đường sá được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa, người dân đi lại dễ dàng. Bây giờ, đi đến trung tâm thành phố cũng gần hơn, nhìn con em đi học dễ dàng hơn tôi thấy thật hạnh phúc!". Theo anh Nguyễn Văn Sáu, ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, giao thông gần như thông suốt, muốn đi tới ấp nào hay xã nào thì đủ tuyến đường hết, hương lộ, đường liên xã, liên ấp ngày càng nhiều, tạo sự thuận tiện trong giao thương mua bán. Ở Mỹ Khánh hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn trái, đường sá thông suốt tới vụ thu hoạch trái cây, dân chuyên chở mua bán dễ dàng gấp bội!

Giải quyết "điểm nghẽn"

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thành phố, tính đến tháng 6-2015, có 14 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 38,89%. Trong đó, huyện Phong Điền có 4/6 xã đạt, huyện Cờ Đỏ 2/9 xã; huyện Thới Lai 3/12 xã và huyện Vĩnh Thạnh 5/9 xã. Đến nay, có 33/36 xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, còn 3 xã chưa có là Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) và Tân Thạnh, Trường Thắng (huyện Thới Lai). Hiện nay thành phố đang tập trung xây dựng các đường ô tô đến 3 xã này, phấn đấu hoàn thành trong năm 2015.

Tuy phát triển song xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT vẫn còn những tồn tại, bất cập. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong điền, cho biết: Mặc dù các xã đạt chỉ tiêu giao thông theo tiêu chí NTM; nhưng theo quy định, một số chỉ tiêu chỉ cần hoàn thành 50% là đạt. Do đó, vẫn còn nhiều tuyến đường rất cấp thiết cần xây dựng để phục vụ đi lại và sản xuất. Công tác vận động nhân dân đóng góp cũng còn nhiều bất cập bởi một bộ phận dân cư còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách nhà nước, sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân.

Trong đầu tư phát triển hạ tầng GTNT hiện nay, "điểm nghẽn" chung của hầu hết địa phương là nguồn vốn. Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn trong khi nguồn ngân sách có hạn, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, xã hội hóa chưa đáp ứng nhu cầu, chưa thu hút được các nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn ít, quy mô nhỏ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn gây khó cho công tác vận động xã hội hóa. Việc bố trí kinh phí quản lý, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức; công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn. Một số hộ dân chưa đồng tình với chính sách hỗ trợ của nhà nước quy định do đó làm ảnh hưởng tiến độ thi công các công trình. Với đặc thù là vùng sông nước có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt nên khi xây dựng các tuyến đường phải đồng thời xây dựng nhiều cầu, cống...

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung, mạng lưới giao thông nói riêng được xác định là công tác thường xuyên và thực hiện lâu dài. Đây là khâu đột phá để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, do vậy cần sự nỗ lực vào cuộc từ nhiều phía giải quyết bài toán GTNT. Từ thực trạng, các địa phương chủ động tìm giải pháp đẩy mạnh phòng trào xây dựng GTNT ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Hằng năm, huyện Phong Điền lồng ghép xây dựng giao thông, thủy lợi thông qua Chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô huy động toàn quân và dân cùng thực hiện. Qua đó, mỗi năm trên địa bàn các xã đã nâng cấp, sửa chữa, làm mới thêm hàng trăm km đường. Thời gian qua, Phong Điền thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ xi măng để các địa phương xây dựng giao thông. Sắp tới, UBND huyện dự kiến đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy bố trí một phần ngân sách mua xi măng hỗ trợ các xã xây dựng giao thông. Theo đó, các xã tiến hành rà soát, khảo sát và có kế hoạch cụ thể làm bao nhiêu mét đường và cần bao nhiêu bao xi măng để huyện phân bổ. Việc này góp phần việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ bảo đảm đúng mục đích, không thất thoát và có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, đa dạng hóa các hình thức huy động để đầu tư, phát triển hệ thống giao thông. Để phát huy sức mạnh của người dân, huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Quán triệt đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước; từ đó vận động người thân, hàng xóm và nhân dân. Công tác tuyên truyền thực hiện từ huyện đến từng xã, ấp và sự tham gia của cả các đoàn thể. Bên cạnh huy động trong dân, huyện tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, thành phố và các chương trình, dự án đầu tư xây dựng giao thông. Ngoài ra, địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất góp phần tăng thu nhập, đóng góp xây dựng giao thông.

Ông Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: Trong điều kiện hạn hẹp nguồn kinh phí, xã khảo sát, rà soát tiến hành sắp xếp các công trình theo thứ tự ưu tiên, bức xúc thực hiện trước, lập kế hoạch ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, tùy từng khu vực, phân loại từng hộ để tiến hành họp dân, bàn bạc, huy động người dân tham gia. Trong đó, chủ yếu lấy người dân vận động người dân. Phát huy tinh thần tham gia đóng góp của người dân, xã kịp thời đề xuất cấp trên khen thưởng, tuyên dương những tập thể, cá nhân điển hình, góp phần cho phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ…

* * *

Xây dựng, phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn thành phố thời gian qua đã mang lại những tín hiệu tích cực. Tạo bước đột phá, "đòn bẩy" góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện môi trường sống và từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Điều này chính là động lực để chính quyền và toàn dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào xây dựng GTNT trong thời gian tới.

(Còn tiếp)

Bài 2: Tái cơ cấu để thích ứng

Chia sẻ bài viết