10/09/2021 - 19:10

Phát triển đội ngũ sáng tác cổ nhạc ở Cần Thơ 

Cần Thơ vốn có truyền thống văn hóa, nghệ thuật với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có các soạn giả trứ danh. Nối tiếp truyền thống đó, lực lượng sáng tác cổ nhạc ở Cần Thơ đang phát triển mạnh, đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.

Tác giả Trần Nguyễn (phải) trong lần gặp gỡ NSND Minh Vương. Ảnh: NVCC

Lịch sử hình thành và phát triển âm nhạc dân tộc nói chung, sân khấu cải lương nói riêng, ghi nhận những đóng góp đáng kể của người Cần Thơ. Tiêu biểu là soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, được tôn vinh là “Hậu Tổ cải lương”, với rất nhiều vở tuồng kinh điển. Ông cũng là người có công đem bản “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương, tạo tiền đề để hình thành nên bài vọng cổ sau này. Và cũng không quên nhắc đến soạn giả Ðiêu Huyền, người con của sông nước Phong Ðiền, “cha đẻ” của những vở tuồng đã đi vào lòng bao thế hệ người mộ điệu như “Tiếng hò sông Hậu”, “Khách sạn Hào Hoa”...

Thời kháng chiến, những soạn giả của Ðoàn Văn Công Cần Thơ như Quốc Thanh, Chí Sinh... đã viết nên những tác phẩm ngay trong cảnh “mưa bom lửa đạn”, góp phần cổ vũ cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Tay súng tay bút, “tiếng hát át tiếng bom”, những vở diễn của các soạn giả giai đoạn này đến nay vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và lịch sử.

Thời hiện đại, Cần Thơ cũng có nhiều tác giả nổi bật, đóng góp vào làng cổ nhạc Nam Bộ. Ðiển hình như cố soạn giả Nguyễn Hoài Vân, soạn giả Nhâm Hùng, Minh Thơ, Lý Việt Hùng, Nguyễn Thành Kiên, Trương Huy Hoàng... Những tác phẩm của họ, từ bài vọng cổ, lời mới cho bài bản tài tử đến kịch bản cải lương, đều tạo dấu ấn và được khán giả đón nhận.

Ðạo diễn Kiều Mỹ Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cho biết Hội Sân khấu thành phố hiện có khoảng 120 hội viên, trong đó có khoảng 30 hội viên thuộc chuyên ngành sáng tác. Các soạn giả ở Cần Thơ hiện nay thế mạnh ở sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử và chặp cải lương, tiểu phẩm. Lực lượng sáng tác cổ nhạc đang phát triển mạnh, với những ngòi bút giàu kinh nghiệm như Nguyễn Trung Nguyên, Võ Hiếu Hòa, Thanh Trang, Hoài Minh, Trọng Huỳnh... Ðạo diễn Kiều Mỹ Dung cũng thông tin, tạo động lực cho các tác giả cổ nhạc hằng năm là trại sáng tác và cuộc thi sáng tác cổ nhạc chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua các hoạt động này, các tác giả có dịp giới thiệu tác phẩm, giao lưu, học kinh nghiệm sáng tác.

Ðiều đáng ghi nhận là làng cổ nhạc ở Cần Thơ đang sở hữu lực lượng soạn giả tuổi trung niên, rất đam mê với nghề như Trần Tuấn Kiệt, Huỳnh Văn Vũ... Có những tác giả “ngoài hội” nhưng vẫn say sưa sáng tác, tạo dấu ấn khá tốt. Ðơn cử là anh Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Tây Ðô, được biết đến với bút danh Trần Nguyễn. Yêu thích cổ nhạc, tác giả Trần Nguyễn đã tự học hỏi, trau dồi và sáng tác khoảng 50 bài vọng cổ, được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng chọn trình bày. Xuyên suốt trong các tác phẩm của anh là cảm hứng ngợi ca quê hương đất nước, truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, những con người kiên trung của xứ sở... Các tác phẩm của tác giả Trần Nguyễn vì vậy mà có chiều sâu, cảm xúc, dễ đi vào lòng người. Tác giả Trần Nguyễn chia sẻ: “Tôi đến với việc sáng tác bài vọng cổ bằng đam mê, để trải lòng, thể hiện những nghĩ suy, tình cảm của mình. Tôi rất vui khi tác phẩm được đón nhận”.

Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, trong đó có cổ nhạc Nam Bộ, rất được chú trọng, được cụ thể hóa bằng những đề án, chương trình sát hợp. Trong đó, việc phát triển đội ngũ soạn giả, tác giả cổ nhạc là giải pháp quan trọng. Sự phát triển của đội ngũ tác giả cổ nhạc ở Cần Thơ thời gian qua là tín hiệu đáng mừng. Ðạo diễn Kiều Mỹ Dung cho biết: Sắp tới, hội sẽ chú trọng tìm kiếm, đào tạo lực lượng trẻ sáng tác cổ nhạc, bên cạnh tổ chức các chuyến thực tế sáng tác ngoài thành phố, tăng cường các hoạt động giao lưu, biểu diễn. Ðó sẽ là những động lực để các tác giả vững tâm với ngòi bút.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết