14/11/2021 - 11:32

Phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, dịch bệnh 

Mới đây, Bộ Xây dựng, Diễn đàn đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Ðô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh”. Các nhà quản lý, đại diện các hiệp hội, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển đô thị thích ứng với những thách thức mới từ biến đổi khí hậu (BÐKH), thiên tai, nhất là vùng ÐBSCL đang đối mặt với những thách thức to lớn của BÐKH. 

TP Cần Thơ đang thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng trước tác động của BĐKH, dịch bệnh.

Nhiều thách thức

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng: Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tương đối nhanh, đã đạt được khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đều trên cả nước. Ðô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình CNH, HÐH; là một trong những nhân tố then chốt để quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong cả nước. Chỉ khoảng 40% dân số sống ở khu vực đô thị, nhưng đã tạo nên xấp xỉ khoảng 70% GDP của hoạt động phát triển, là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.

Song, theo ông Lê Quang Hùng, phát triển đô thị tại Việt Nam còn những hạn chế. Ðó là số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ, quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả. Hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của BÐKH và đại dịch COVID-19. Ðây là những thách thức lớn đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay. 

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BÐKH. Thực tế những năm gần đây, BÐKH đã tác động đến Việt Nam rất lớn; bão, lũ lụt đã ảnh hưởng đến phát triển đô thị, đời sống người dân. Ðặc biệt là vùng ÐBSCL, BÐKH còn có vấn đề nước biển dâng, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất và cuộc sống người dân trong vùng. Trong thời đại toàn cầu hóa, một thách thức lớn khác đang đe dọa đến phát triển đô thị là đại dịch COVID-19, biểu hiện nhất là diễn biến của dịch bệnh đều tập trung ở các đô thị của Việt Nam trong năm 2021; nhất là đối với các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Long An, Biên Hòa, Cần Thơ... Ðại dịch COVID-19 phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân, các địa phương cần xem xét, phát huy công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý phát triển đô thị cho phù hợp trong thời gian tới. Chính quyền đô thị phải luôn quan tâm đến quy hoạch và nắm rõ chiến lược phát triển đô thị của mình, để tạo cơ sở pháp lý quản lý, phát triển đô thị. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và dịch bệnh hiện nay, các địa phương cũng cần phải nghiên cứu phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh.

Ông Nguyễn Ðức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Một số vấn đề đặt ra cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị hiện nay là sự bùng phát COVID-19 ở khu vực đô thị đã làm dấy lên những lo ngại về việc phát triển của các đô thị lớn với mật độ dân cư cao. Dịch bệnh cũng làm nổi lên vấn đề bất bình đẳng xã hội tại các đô thị, đặc biệt các vấn đề về nhà ổ chuột, khu ở không chính thức, lao động phi chính thức, người vô gia cư… Dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở khu vực đô thị cũng đặt ra yêu cầu về tái tổ chức không gian đô thị, đặc biệt là các không gian công cộng nhằm đảm bảo người dân vẫn được hưởng thụ các không gian công cộng, không gian xanh tại các đô thị nhưng không tụ tập đông người, mật độ cao khi không cần thiết; tái tổ chức hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng và các loại hình giao thông thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người dân...

Theo ông Nguyễn Ðức Hiển, COVID-19 đã mang đến cơ hội tốt kiểm tra khả năng của các giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề xã hội ở quy mô đô thị, cũng như tạo thêm động lực thúc đẩy cho sự phát triển của đô thị thông minh. Trong cuộc chiến với đại dịch, rất nhiều công nghệ thông minh đã được sử dụng thay thế cho phương thức thực hiện thông thường. Việc giám sát theo thời gian thực và phân tích dữ liệu lớn đã đem lại kết quả ấn tượng, dự báo và đưa ra các quyết định phản ứng hiệu quả với các tình huống xảy ra. Dịch bệnh COVID-19 nói riêng và dịch bệnh trong tương lai nói chung cũng đòi hỏi cấp thiết phải phát triển các đô thị theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và bảo vệ môi trường… Các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với BÐKH, giảm bất bình đẳng xã hội, tăng cường tính liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị trong mạng lưới đô thị vùng và đô thị quốc gia...

Nỗ lực thích ứng 

Theo TS Tim McGrath, Giám đốc Chương trình chống chịu BÐKH của ÐBSCL, Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Ðức (GIZ), ÐBSCL của Việt Nam đang đứng trước thách thức của BÐKH, nhất là nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1m thì 39% diện tích ÐBSCL sẽ bị ngập vào năm 2050. Trong những thập kỷ qua, ngập lụt tại ÐBSCL ngày càng tăng thêm về tần suất và cường độ do những nguyên nhân liên quan đến BÐKH và phát triển hạ tầng. Do đó, tăng cường thích ứng với BÐKH và phát triển đô thị bền vững tại ÐBSCL là một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Với Dự án Thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL (do Chính phủ Ðức, Thụy Sĩ và Việt Nam đồng tài trợ) đang thực hiện, dự án hỗ trợ 13 tỉnh, thành trong vùng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về đô thị thích ứng với BÐKH; áp dụng mô hình thành phố bọt biển; xây dựng giá dịch vụ thoát nước và lộ trình thực hiện, hướng đến thu hồi chi phí; xây dựng định hướng thoát nước và xử lý nước thải tại ÐBSCL; áp dụng mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững và nghiên cứu khả thi công trình hạ tầng chống ngập úng.

TP Cần Thơ hướng đến trở thành đô thị hạt nhân, là trung tâm của vùng ÐBSCL và là một trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Ðề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 76% và đến năm 2030 đạt 80% theo Nghị quyết số 59/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Thi công kè bờ sông Cần Thơ, bảo vệ đô thị thành phố trước tác động của BĐKH.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: Cùng với các tỉnh trong vùng ÐBSCL, thời gian qua, Cần Thơ không tránh khỏi sự tác động của BÐKH, thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, sạt lở bờ sông, sụt lún đất... Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. TP Cần Thơ đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó, cũng như là thích ứng trước các tác động. Nhất là quan tâm thực hiện khâu quy hoạch, dành nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự phát triển ổn định cho thành phố và tạo sự kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh và miền Ðông Nam Bộ. Chủ động thực hiện liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL để thực hiện các giải pháp ứng phó, thích ứng BÐKH theo Nghị quyết 120 của Chính phủ; gắn với thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong vùng.

Thời gian qua, TP Cần Thơ cũng đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm ứng phó, thích ứng BÐKH như Dự án kè sông Cần Thơ - Thích ứng BÐKH sử dụng vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); các dự án nâng cấp đô thị (dự án 1, dự án 2), Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) do Ngân hàng Thế giới tài trợ; các dự án kè chống sạt lở các tuyến sông trọng điểm và các dự án về môi trường...

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, triển khai nhiều đề án, chương trình cho giai đoạn 2021-2030 như: Kế hoạch phát triển đô thị thông minh bền vững; Ðề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BÐKH; Kế hoạch nâng loại đô thị toàn quốc. Hiện Chính phủ cũng đang dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về “Ðô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từ Nghị quyết, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho công tác phát triển đô thị. Ðây là động lực để phát triển bền vững đô thị thời gian tới.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết