04/10/2009 - 10:21

Ông Pierre Mayet, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục quy hoạch Phát triển đô thị Pháp, Chủ tịch Hiệp hội URBA 2000:

Phát triển đô thị theo hướng bền vững gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện với môi trường...

 

Đoàn chuyên gia Pháp về quy hoạch đô thị vừa có chuyến khảo sát và tham quan thực tế tại nhiều khu vực đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ. Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ (ngày 1-10-2009) về kết quả của chuyến khảo sát này, ông Pierre Mayet, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quy hoạch phát triển đô thị Pháp, Chủ tịch Hiệp hội URBA 2000 (tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch đô thị, môi trường…) đã có nhiều ý kiến đóng góp cho định hướng quy hoạch phát triển đô thị của thành phố. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Pierre Mayet nhận định:

- Qua kết quả khảo sát và tham quan thực tế tại nhiều khu vực đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho tôi về thành phố trẻ này. Tôi đánh giá cao về vai trò và tầm ảnh hưởng của TP Cần Thơ đối với sự phát triển chung của ĐBSCL và thành phố đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Những kiến trúc xây dựng nhà ở hiện có đang hình thành tại TP Cần Thơ là xây dựng nhà với diện tích vừa phải (trên dưới 80m2) kết hợp mở các cửa hàng mua bán, vừa tạo được công ăn việc làm, hạn chế đi lại của người dân góp phần giảm sử dụng năng lượng (xe cộ không phải di chuyển xa) – theo tôi, đây là cách khai thác khá đặc biệt mà nhiều nước trên thế giới có thể học tập, nhân rộng. Với hệ thống cửa hàng, chợ dù rất đơn giản nhưng sẽ là con đường ngắn nhất để tiếp cận đến công nghệ cao, điều này có nghĩa là quy hoạch phát triển công nghiệp (tập trung việc làm tại một vài nơi, gây ô nhiễm môi trường, đi lại nhiều...) không phải là định hướng cho tương lai. Dự đoán, khoảng 10 năm nữa xu hướng công nghiệp hóa sẽ được xem xét lại, đương nhiên, ở những nước đang phát triển sẽ có thể kéo dài hơn.

Tuy nhiên, quy hoạch phát triển đô thị TP Cần Thơ cần quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững gắn với thay đổi khí hậu và sử dụng năng lượng tiết kiệm.

TP Cần Thơ đang thể hiện và khẳng định vai trò trung tâm của khu vực ĐBSCL, thành phố cũng tham vọng phát triển hệ thống giao thông công cộng với quy mô lớn và đồng bộ. Thành phố cũng sở hữu hệ thống giao thông thủy rất lý tưởng để phục vụ phát triển. Nhưng đối với giao thông bộ, cần khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông bằng xe buýt, xe điện, xe đạp điện, xe đạp thay cho các phương tiện ô tô, xe 2 bánh để hạn chế sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường. Một nét đặc trưng nữa là lối sống sinh hoạt của cư dân TP Cần Thơ rất hài hòa, gần gũi, nhẹ nhàng, đơn giản; họ trao đổi với nhau trong không gian đô thị rất thoải mái, có sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Quy hoạch đô thị để phục vụ con người và phải đặt yếu tố con người lên hàng đầu.

Trong quy hoạch xây dựng nhà ở, cần hạn chế xây dựng các khu nhà cao tầng, các khu đô thị phát triển theo hướng bê tông hóa dễ gây hiệu ứng nhà kính và phải sử dụng nhiều năng lượng... Biện pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường là xu thế chung của các đô thị hiện đại. Đồng thời, chúng ta có thể tái chế lại năng lượng từ việc thu hồi chất thải đô thị. Hiện nay, người dân TP Cần Thơ đã thực hiện được một phần (ít sử dụng phương tiện ô tô, đi lại sinh hoạt bằng phương tiện đơn giản, ít nhà cao tầng giảm tiêu thụ năng lượng...). Ngoài ra, thành phố cũng cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức được mục tiêu, ý nghĩa của việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đây sẽ là chiến lược phát triển đô thị bền vững trong tương lai mà hiện nay TP Cần Thơ hoàn toàn có thể làm được.

Vấn đề kế tiếp, để phát triển bền vững như đã nói là hạn chế phát triển công nghiệp. Cần xem xét và hạn chế tình trạng đất nông nghiệp bị “xâm lấn” bởi đất công nghiệp, vì khi đã chuyển sang đất công nghiệp thì không thể chuyển trở lại thành đất sản xuất nông nghiệp – một thực tế mà nhiều nước châu Âu đang phải gánh chịu và bất lực trước công cuộc chuyển đổi này. Đó là chưa kể đến khả năng xâm nhập mặn, sạt lở, gây biến đổi khí hậu... Theo kinh nghiệm, ở nhiều khu vực đô thị mà chúng tôi từng tham gia quy hoạch, phát triển công nghiệp, nhưng công nhân lại không đến, ngược lại những nơi không quy hoạch công nghiệp họ đến rất đông để hình thành nơi mua sắm, sinh hoạt, nên số lượng người tham gia lao động trong lĩnh vực công nghiệp sẽ không nhiều như chúng ta mong muốn. Bởi không phải ai cũng muốn làm công nhân, lại còn bị hạn chế về tuổi tác, chỗ ở... Theo khảo sát của chúng tôi, ngành công nghiệp ở TP Cần Thơ chưa thể thu hút bằng các dịch vụ phát triển đô thị đa ngành nghề như hiện nay mà TP Cần Thơ đang có được...

THIỆN KHIÊM (lược ghi)

Chia sẻ bài viết