12/06/2021 - 09:34

Phát triển chương trình đào tạo chuẩn quốc tế 

Chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục đại học (ÐH), cao đẳng (CÐ) trên địa bàn TP Cần Thơ luôn đề cao hợp tác quốc tế. Trong đó, việc xây dựng chương trình đào tạo (CTÐT) chuẩn quốc tế được chú trọng, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước.

Xây dựng CTĐT chuẩn quốc tế

Mới đây, Trường ÐH Cần Thơ có thêm 4 CTÐT đạt tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance, là bộ tiêu chuẩn đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục ÐH của mạng lưới các trường khu vực Ðông Nam Á). Ðó là các ngành Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu của Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT); Kỹ thuật cơ điện tử của Khoa Công nghệ; Sư phạm Toán học của Khoa Sư phạm. Theo TS Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng Khoa CNTT&TT, Trường ÐH Cần Thơ, kiểm định AUN giúp trường từng bước xác định vị thế quốc tế, biết CTÐT đã đạt cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực, từ đó phát hiện những tồn tại cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng trong tương quan với các CTÐT cùng lĩnh vực trong khu vực. TS Nguyễn Hữu Hòa cho biết: "Kết quả đánh giá AUN-QA mô tả chi biết chất lượng của chương trình. Từ đó, khoa và nhà trường có những kế hoạch hành động cụ thể để từng bước cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo".

Lễ tốt nghiệp của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ theo CTĐT của Úc. 

Ðể đạt được chuẩn AUN-QA, Trường ÐH Cần Thơ phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực vì quy trình kiểm định AUN-QA chặt chẽ, minh bạch, đánh giá toàn diện CTÐT: chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp. TS Nguyễn Hữu Hòa cho biết đợt đánh giá chuẩn AUN-QA vừa qua, khoa có 2 CTÐT đạt chuẩn và đoàn đánh giá góp ý cần nâng cao đội ngũ nhân viên văn phòng; phát huy điểm mạnh về tính thực tiễn, kết nối giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp. TS Nguyễn Hữu Hòa cho biết thêm: Ðể đáp ứng thị trường lao động ngoài nước, sinh viên CNTT phải rèn luyện ngoại ngữ qua hoạt động học thuật tại trường, trao đổi sinh viên quốc tế, học tập nghiên cứu tại không gian sáng chế… Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động quốc tế tạm dừng, nhưng khoa linh động tổ chức giao lưu online với sinh viên nước bạn; đồng thời mở hội thảo, hội nghị quốc tế trực tuyến.

Nhiều năm qua, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên thông qua chương trình "Life" của nhà xuất bản Cengate Learning; ban hành các chuẩn đầu ra ngoại ngữ (TOEIC 450 và tương đương) và tin học; đảm bảo sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế. TS Nguyễn Ðăng Hoa Nghiêm, phụ trách Phòng Nghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tế - Thanh tra - Pháp chế của trường, cho biết nhà trường thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan thực tế, kiến tập tại các doanh nghiệp đầu ngành nhằm giúp sinh viên có cơ hội nhìn thấy lý thuyết được ứng dụng trong thực tiễn, cọ xát môi trường làm việc và tạo dựng mối quan hệ với các nhà tuyển dụng tương lai. Trường luôn tạo điều kiện cho viên chức, giảng viên học tập, nâng cao trình độ tại các cơ sở ngoài nước…

Các trường ÐH như Tây Ðô, Nam Cần Thơ, FPT phân hiệu Cần Thơ… có chiến lược xây dựng CTÐT theo chuẩn quốc tế. Ðơn cử như Trường ÐH Tây Ðô đang thực hiện Ðề án liên kết đào tạo Quản trị Du lịch (bậc thạc sĩ) với Trường ÐH Nanhua, Ðài Loan; hợp tác với Tập đoàn TSUKUI tuyển sinh và đào tạo Ðiều dưỡng viên làm việc tại Nhật Bản (đã có 18 sinh viên tốt nghiệp). Còn Trường ÐH Nam Cần Thơ liên kết với Trường ÐH Khoa học - Công nghệ Malaysia đào tạo Cử nhân quốc tế ngành Quản trị kinh doanh; hợp tác hiệu quả với các đối tác quốc tế trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên, phấn đấu đưa 30% giáo trình, tập bài giảng vào giảng dạy bằng tiếng Anh ở một số ngành…

Nỗ lực nâng tầm

Trên địa bàn TP Cần Thơ có 5 trường ÐH, 2 phân hiệu ÐH và nhiều trường cao đẳng đã và đang đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp thực tế đơn vị. Ðơn cử, Trường Ðại học Cần Thơ từ nhiều năm qua đã chuẩn bị chu đáo về cả cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng viên. Trong 1.180 cán bộ giảng dạy của trường hiện nay, có khoảng 600 tiến sĩ, còn lại đều là thạc sĩ. Hiện trường có khoảng 150 nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Phần lớn thầy cô của trường được học tập và đào tạo thông qua mối quan hệ hợp tác giữa trường với hơn 150 tổ chức, trường ÐH trên thế giới. CTÐT cùng cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư và cải tiến không những đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên ÐBSCL, mà còn thu hút du học sinh các nước. Ðó là lý do giúp trường trở thành một trong số thành viên của AUN vào năm 2013. Trường phấn đấu vào nhóm các trường ÐH hàng đầu khu vực châu Á và thế giới ở một số lĩnh vực vào năm 2025.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ tự học tại không gian sáng chế của khoa.

Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ định hướng từ nay đến năm 2025 nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế. Ðể thực hiện mục tiêu này, trường đã phát triển cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học; mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và khu vực. Giai đoạn 2013-2020, trường ký kết 14 bản thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ với các nước trên thế giới, trong đó tập trung các đối tác chiến lược tại khu vực châu Á. Ðẩy mạnh các chương trình giao lưu, trao đổi giảng viên và sinh viên với các nước Ðông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản… TS Nguyễn Ðăng Hoa Nghiêm cho biết, trường đang rà soát, đánh giá lại các văn bản thỏa thuận hợp tác với đối tác ngoài nước; tập trung xây dựng website của trường bản tiếng Anh. Củng cố các hoạt động câu lạc bộ học thuật, nâng cao trình độ ngoại ngữ để giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ sau tốt nghiệp.

Các trường CÐ cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó xây dựng một số CTÐT theo chuẩn quốc tế. Nổi bật có Trường CÐ Nghề Cần Thơ có các CTÐT thí điểm nghề đạt chuẩn quốc tế: Quản trị máy tính và Ứng dụng phần mềm (phối hợp đào tạo với Học viện Chilshom, Úc); Công nghệ ô tô (phối hợp đào tạo với Cộng hòa Liên bang Ðức)… Theo Ths Lê Hoàng Phúc, Trưởng Khoa CNTT của trường, 2 lớp thí điểm CTÐT chuẩn của Úc đã có 25 sinh viên ra trường với tỷ lệ có việc làm trên 90%; đủ năng lực làm việc thị trường lao động nước ngoài. Sắp tới, khoa tiếp tục xây dựng CTÐT chất lượng cao trên nền tảng của CTÐT của Úc, để sinh viên có thể tiệm cận được môi trường giáo dục các nước tiên tiến. Ths Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết thêm: “Ðịnh hướng đến năm 2025 trường thuộc nhóm 40 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước ASEAN hoặc quốc tế công nhận”.

*

* *

Theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Một số giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu trên: Phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, chú trọng đào tạo các nghề trọng điểm đạt trình độ các nước khu vực ASEAN và thế giới; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế… Do vậy, bên cạnh đầu tư nguồn lực từ Trung ương và địa phương, thì việc chủ động đa dạng các hoạt động hợp tác quốc tế, nỗ lực xây dựng CTÐT chuẩn quốc tế ở các trường là hướng đi phù hợp; tạo nền tảng phát triển bền vững cũng như giúp sinh viên thụ hưởng được CTÐT tiên tiến tại Việt Nam.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết