10/03/2019 - 07:43

Phát triển Cần Thơ thành đô thị thịnh vượng 

Các thành phố thịnh vượng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đô thị hóa bền vững. Nói cách khác là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, năng động và hòa nhập. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Cần Thơ hiện là địa phương đi đầu và duy trì áp dụng đánh giá thành phố thông qua Bộ Chỉ số thành phố Thịnh vượng (CPI) do UN-Habitat (Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc) xây dựng. 

Kết quả khả quan 

Các chỉ số thành phần của CPI gồm có Năng suất, Phát triển cơ sở hạ tầng, Chất lượng cuộc sống, Bền vững môi trường, Bình đẳng kinh tế và hòa nhập xã hội, Quản trị và lập pháp đô thị. Sự cấu thành của 6 thành phần này giúp việc quản lý của thành phố đạt được các tiêu chí của một đô thị thịnh vượng.

Một góc đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Một góc đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, qua hơn một năm áp dụng, điểm CPI cơ bản của thành phố là 70,03 điểm; CPI mở rộng là 66,78 điểm; CPI trung bình là 68,41 điểm. Trong 6 chỉ số thành phần CPI, chỉ số Quản trị và lập pháp đô thị có điểm số cao nhất là 98,41 điểm, đứng thứ 2 là chỉ số Bền vững môi trường 93,19 điểm. 2 chỉ số có điểm thấp nhất là Năng suất 39,69 điểm và Phát triển cơ sở hạ tầng 49,07 điểm. Theo Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, đây là kết quả tương đối mạnh trong thang đo lường mức độ thịnh vượng đô thị. Cần Thơ đang có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu thịnh vượng. Việc đánh giá CPI cũng đặt ra yêu cầu cho thành phố trong việc củng cố hơn nữa các chính sách đô thị hiện có để thúc đẩy thịnh vượng hơn nữa trong tương lai.

Ứng dụng phương pháp CPI ở TP Cần Thơ là bước khởi đầu trong việc định hướng cho các đô thị Việt Nam hướng tới Mục tiêu thứ 11 về Phát triển bền vững. TP Cần Thơ sẽ sớm trở thành địa phương đi đầu trong khu vực và kinh nghiệm đánh giá thành phố thông qua áp dụng Bộ Chỉ số thành phố Thịnh vượng do UN-Habitat xây dựng. Cách tiếp cận CPI sẽ cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng của đô thị, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong việc xây dựng các chính sách dựa trên các căn cứ thực tế. Đây là một công cụ giám sát phản ánh được nhiều khía cạnh khác nhau của đô thị như: hình thái đô thị, trải nghiệm của người dân, đánh giá bộ máy chính quyền địa phương thông qua công tác quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công cộng.

Báo cáo CPI cho thấy Cần Thơ có kết quả tốt trong một số khía cạnh như Quản trị và lập pháp đô thị, Chất lượng sống và Công bằng, hòa nhập xã hội. Nhìn chung, Cần Thơ được xếp vào nhóm thịnh vượng cơ bản tương đối mạnh và cần củng cố hơn nữa các chính sách đô thị hiện có để thúc đẩy thịnh vượng hơn nữa. Các chuyên gia cho rằng, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng đã gây áp lực nặng nề lên hệ thống hạ tầng giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, chất lượng nhà ở tại nhiều thành phố trên thế giới. Cần Thơ đã và đang phải đối mặt với những thách thức tương tự Điều này đòi hỏi một hướng đi, một giải pháp mới để có thể hóa giải các vấn để nói trên như phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân. 

Nhiều cơ hội mới

Cần Thơ được đánh giá là một trong số các đô thị điều kiện thích hợp để áp dụng mô hình thành phố thông minh. Theo đó, cần có chính sách để xây dựng chiến lược phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam với các nội dung chính như: xây dựng lộ trình nâng cấp hạ tầng công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự hưởng ứng của người dân. Cần ứng dụng có chọn lựa để mô hình thành phố thông minh tạo ta thế mạnh phát triển cho từng đô thị. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Cần Thơ là thành phố chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nên cần ưu tiên thích ứng biến đổi khí hậu, giám sát triều cường để hạn chế ảnh hưởng đến người dân; cần khoanh vùng không gian ưu tiên phát triển để tập trung cho khu vực này trước khi mở rộng ra các khu vực khác. Cần lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với nội lực của thành phố và nên dựa trên nền tảng IoT đạt chuẩn để phát huy nội lực lẫn ngoại lực. Thực tế cho thấy phát triển đô thị thông minh, áp dụng Chỉ số đô thị Thịnh vượng phải lấy con người làm trung tâm để hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành động, chiến lược phát triển. Việc tập trung đề cao không gian công cộng cũng là một khía cạnh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. 

Các thành phố thịnh vượng có nhiều cơ hội hơn trong việc xây dựng và triển khai các quy trình có sự tích hợp, phát triển cùng lúc nhiều cấu phần khác nhau tạo nên sự thịnh vượng dựa trên nhu cầu cá nhân ở chính những thành phố đó. Ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, chia sẻ: Chỉ số thành phố thịnh vượng cung cấp một công cụ cho phép so sánh giữa các thành phố một cách dễ dàng. Đồng thời cũng là công cụ giám sát, đánh giá xác định khu vực đang làm tốt hoặc chưa tốt trong việc xây dựng và cung cấp lợi ích thịnh vượng. Bộ chỉ số này cũng giúp xác định những thành tố đóng góp cho sự thịnh vượng mà thành phố thực hiện tốt hoặc chưa tốt. Từ đó hỗ trợ xác định những lĩnh vực cần phải khắc phục và đưa ra giải pháp cụ thể cũng như đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng khẳng định: Phát triển đô thị hiện nay không chỉ dừng lại ở việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mà đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu về công năng lưu trú, tính hiện đại, chất lượng cuộc sống, môi trường bền vững, khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và quản lý đô thị. Đặc biệt là tính kết nối mạng lưới các đô thị trên toàn cầu. Qua nhiều năm đầu tư, TP Cần Thơ đã từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Thành phố đã tham gia vào Chương trình 100 thành phố có khả năng thích ứng do tổ chức Rockefeller tài trợ và mạng lưới đánh giá Thịnh vượng đô thị do tổ chức UN-Habitat thực hiện. Việc tham gia các mạng lưới Chương trình 100 thành phố có khả năng thích ứng và tổ chức xây dựng thử nghiệm, áp dụng Bộ Chỉ số đã giúp TP Cần Thơ từng bước gia nhập hàng ngũ các thành phố hiện đại.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết