Thanh Long
Bài 1: Vị thế của người lính trên mặt trận kinh tế
Sau khi đất nước giải phóng, các thế hệ doanh nhân đầu tiên là giám đốc các doanh nghiệp nhà nước. Khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, chuyển sang cơ chế thị trường, cùng với việc gia nhập WTO, một đội ngũ doanh nhân mới nhạy bén, tiếp thu tri thức kinh doanh toàn cầu xuất hiện. Đội ngũ này có khả năng vận dụng sáng tạo những phương thức quản trị, học hỏi được qua quá trình mở cửa của nền kinh tế vào thực tế hoạt động doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay, cùng bối cảnh hội nhập của Việt Nam với thế giới đã tạo ra những thế hệ doanh nhân mới, đáp ứng nhu cầu của thời cuộc... Dù trong bối cảnh nào, đội ngũ doanh nhân cũng có điểm chung: Thực hiện vai trò của người lính trên mặt trận kinh tế - "chiến đấu" để giữ vững doanh nghiệp, duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, được xã hội tôn vinh!...
NÂNG TẦM VỊ THẾ DOANH NHÂN
 |
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (thứ 2 bên phải) cùng các ngành hữu quan đi tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Xưởng cơ khí Ba Quang (Công ty TNHHTMDV Ba Quang). Ảnh: N. HƯƠNG |
Ðảng và Nhà nước thời gian qua có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12- 1986), đã khẳng định việc xây dựng cơ chế mới về quản lý kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Tiếp sau đó, năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, tiếp sức thêm cơ hội cho đội ngũ những người kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thị Hồng Điệp, Đại học Quốc gia Hà Nội (đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 4 - 2012), từ Đại hội VI đến Đại hội IX, Đảng vẫn chưa có tên gọi chính thức cho lực lượng xã hội ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước: những người trực tiếp lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu lợi nhuận và các mục tiêu xã hội khác.
Sự kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân mới được khẳng định từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định chọn ngày 13-10 là "Ngày Doanh nhân Việt Nam". Cùng với đó là hàng loạt hoạt động tôn vinh vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong tiến trình phát triển. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thị Hồng Điệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011), điểm mới đáng chú ý là việc sử dụng thuật ngữ "đội ngũ doanh nhân". Từ đây tạo nên sự thống nhất hơn nữa trong cách gọi về lực lượng doanh nhân (trong bối cảnh có rất nhiều thuật ngữ khác được sử dụng như: giới doanh nhân, tầng lớp doanh nhân, lực lượng doanh nhân, bộ phận doanh nhân
). Với việc sử dụng thuật ngữ này, Đảng ta chính thức thừa nhận "đội ngũ doanh nhân" là một trong 4 lực lượng xã hội cơ bản trong cơ cấu giai tầng xã hội của Việt Nam. Bao gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông nhân, đội ngũ trí thức và đội ngũ doanh nhân. Đây là một chuyển biến quan trọng trong nhận thức của Đảng về vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh hiện nay. Ông Trần Bình Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ, tâm đắc: Khi kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đội ngũ doanh nhân ngày càng bộc lộ rõ những đóng góp tích cực, luôn thể hiện tính tiên phong trong quá trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Những đóng góp tích cực của đội ngũ doanh nhân cũng được các ngành, các cấp ghi nhận. Điều này chứng tỏ Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện có thể cho doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động, ra sức đóng góp cho sự phát triển của địa phương và cả nước.
VAI TRÒ DOANH NHÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Tại Hội thảo "CEO 3.0 - Khác biệt hay là chết" do Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức vào thượng tuần tháng 9, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Giám đốc Berjaya Việt Nam, diễn giả - người điều phối Hội thảo, cho rằng: Sau khi đất nước giải phóng, các thế hệ CEO (giám đốc) đầu tiên (CEO 1.0) là giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, nắm hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành sản xuất, thực hiện sứ mệnh đảm bảo cung - cầu nền kinh tế, giúp Nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội. Khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, chuyển sang cơ chế thị trường, cùng với việc gia nhập WTO, những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia, những doanh nhân Việt uy tín đã xuất hiện. Đây có thể gọi là thế hệ CEO 2.0. Điểm nổi bật của thế hệ CEO 2.0 chính là sự chăm chỉ và khả năng vận dụng sáng tạo những phương thức quản trị, học hỏi được qua quá trình mở cửa của nền kinh tế vào thực tế hoạt động doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay, cùng bối cảnh hội nhập của Việt Nam với thế giới, CEO cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thời cuộc. Đây cũng là thời điểm thực tế đòi hỏi hình thành một thế hệ CEO mới. Thế hệ CEO với khát vọng và năng lực cạnh tranh tốt trong "thế giới phẳng", được hiện thực hóa trên nền tảng kế thừa những gì thế hệ CEO 2.0 đã tạo dựng. Đó chính là thế hệ CEO 3.0!
Cùng với cả nước, thời gian qua, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Khu vực doanh nghiệp đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
10 năm trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ - đô thị loại I có những bước chuyển mình phát triển và dần khẳng định là trung tâm động lực phát triển của cả vùng ĐBSCL. Thành quả này có sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân - ngày càng thể hiện rõ bản lĩnh, tính năng động, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần khẳng định vị thế, năng lực cạnh tranh hàng hóa của TP Cần Thơ ở thị trường trong và ngoài nước. Tìm giải pháp hạn chế những yếu kém đồng thời xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân; hướng hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cấp bách.
|
Trong tình hình mới, đội ngũ doanh nhân, thế hệ CEO 3.0 có vai trò gì? Ông Phạm Đắc Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, khẳng định: Vai trò then chốt, hàng đầu của đội ngũ doanh nhân hiện nay là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa đất nước hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời tạo ra công ăn việc làm, của cải, vật chất cho xã hội, tham gia phát triển văn hóa xã hội. Song song với quá trình kinh doanh, phát triển kinh tế, doanh nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài các vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho rằng: Thực tiễn của quá trình phát triển, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong quá trình thu hút nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; góp phần cùng địa phương thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, đội ngũ này là tác nhân của xã hội, thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước; giúp nhà nước hoàn thiện hơn việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp xu thế của đất nước và hòa nhập thế giới. Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cũng có vai trò thúc đẩy việc tái đầu tư vào hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực... cho xã hội.
TÍNH TẤT YẾU CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời tạo lập môi trường kinh doanh phù hợp và thông thoáng nên đã khơi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tinh thần lập nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy hình thành một thế hệ doanh nhân đầy tiềm năng, khuyến khích tính sáng tạo và tự chủ trong kinh doanh, làm cho cộng đồng doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư và kinh doanh.
Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi bàn về vai trò của doanh nhân thành phố, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tiếp tăng, năm sau cao hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người không ngừng nâng lên. Đạt được những kết quả này là có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân thành phố đã nỗ lực khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, chủ động điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh để không ngừng đưa doanh nghiệp phát triển, đứng vững trên thị trường trước tác động bất lợi của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và trong nước. Lực lượng này hàng năm đóng góp rất lớn vào GDP và nguồn thu ngân sách của thành phố; tạo việc làm mới cho trên 50.000 lao động. Bên cạnh, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội; xây dựng trên 1.600 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Riêng năm 2012, kế hoạch xây dựng trên 3.350 căn và nhiều trường mẫu giáo,
góp phần cùng thành phố giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội". Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: Qua số liệu thống kê, so với năm 2005, thì năm 2010, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố tăng 2,4 lần; vốn đăng ký tăng khoảng 5,76%... Sự phát triển nhanh về số lượng lẫn nguồn vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện sự lớn mạnh, tiềm lực kinh tế của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn thành phố; đồng thời thể hiện môi trường đầu tư của thành phố có sự chuyển biến tích cực.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, lũy kế đến cuối năm 2011, thành phố có 11.023 đơn vị doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó gồm 8.869 doanh nghiệp và 2.154 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp), vốn đăng ký là 29.096 tỉ đồng, vốn bình quân 3,28 tỉ đồng. So với năm 2010, số doanh nghiệp tăng 12,6% và vốn đăng ký mới tăng 22,5%, vốn bình quân tăng 8,6%. Riêng 9 tháng đầu năm 2012, dù tình hình kinh tế rất nhiều khó khăn nhưng thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 610 doanh nghiệp và 169 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 5.284,529 tỉ đồng. Kết quả điều tra của Cục Thống kê TP Cần Thơ, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giải quyết việc làm cho gần 100.500 lao động; đóng góp khoảng 40,8% vào GDP của thành phố. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, cho rằng: Sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Cần Thơ là tất yếu trong sự phát triển của TP Cần Thơ - trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Ngoài việc thành lập mới các công ty, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng mở rộng việc sản xuất kinh doanh về chất cũng như về lượng, mở rộng đầu tư sang các tỉnh thành khác.
Các doanh nhân Cần Thơ ngày nay đã thực sự thể hiện vai trò là "người lính trong thời bình". Họ năng động, thích nghi nhanh chóng với nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời tiếp nhận nhanh xu hướng và các trào lưu quốc tế về thương mại, sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm. Quan trọng hơn cả là quyết tâm và lòng say mê kinh doanh, theo đuổi sự nghiệp đến cùng dù khó khăn vẫn chưa bao giờ chấm dứt. Họ xứng đáng là vốn quý của TP Cần Thơ trong phát triển kinh tế!
(Còn tiếp)
Bài 2: VẪN CÒN NHỮNG "HẠT SẠN"