09/11/2008 - 19:41

Phát huy vai trò của đoàn thể trong vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Để người nông dân thay đổi thói quen, tập quán sản xuất cũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, đổi mới phương pháp vận động, nhiều đoàn thể nông dân, phụ nữ thuộc các quận Bình Thủy, Ô Môn, huyện Phong Điền… đã thành công trong việc vận động đoàn viên, hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng những mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng quê hương…

Năm nay, gia đình ông Phan Văn Luốc (Tư Luốc) ở ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, trồng khoảng 1.000 giỏ hoa với các loại cúc, vạn thọ, hoa giấy, xương rồng bát tiên... chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009. Ông Tư Luốc nói: “Làm nghề này phải chịu khó, nắm vững kỹ thuật để xử lý cho hoa ra đúng vụ, tạo dáng cây đẹp, tưới phân, nước sao cho hợp lý... mới thành công”.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Phong Điền và xã Tân Thới tham quan mô hình trồng hoa kiểng
của hội viên CLB trồng hoa kiểng ấp Tân Long A.  

Là một trong những người tiên phong trồng hoa kiểng ở ấp Tân Long A, ông Tư kể lại: Quê vợ ông ở làng Bà Bộ, vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa kiểng. Trong những lần về thăm quê, ông tìm hiểu nghề trồng hoa từ cha vợ mình. Lúc đó, mô hình trồng chanh ở Tân Thới không còn phát huy hiệu quả kinh tế, các cán bộ Hội Nông dân xã cũng ráo riết tìm một mô hình kinh tế mới hiệu quả để triển khai trong các hội viên. Trong một lần sinh hoạt Hội, ông Tư mạnh dạn giới thiệu về mô hình trồng hoa kiểng. Sau khi nghe ý kiến của ông, các đồng chí cán bộ Hội Nông dân, Ban Nhân dân ấp đã đến Bà Bộ tìm hiểu, đồng thời học thêm kỹ thuật trồng hoa kiểng. Thấy việc trồng hoa kiểng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Hội Nông dân xã quyết định xây dựng mô hình trồng hoa kiểng, do gia đình ông Tư và một số cán bộ Hội làm thí điểm. Lúc đầu, bà con chỉ trồng hoa vạn thọ bán vào những ngày rằm, 30 hàng tháng. Sau đó, Hội Nông dân triển khai thêm kỹ thuật trồng các loại hoa kiểng khác nên mô hình ngày càng được mở rộng. Hiện giờ, người trồng hoa ở Tân Long A trồng được nhiều loại hoa như các loại cúc, hoa giấy, mai dạ thảo, thược dược... Nhất là vào dịp tết, mỗi nhà đều trồng từ 1.000 đến 3.000 giỏ hoa, lãi từ 4 đến hơn 10 triệu đồng.

Cùng ông Lê Tấn Kiệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thới, đi dọc theo con rạch Xẻo Tre, Rạch Miễu ở ấp Tân Long A, chúng tôi nhìn thấy nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên nhờ nghề trồng hoa kiểng. Ông Kiệt kể, mặc dù phong trào trồng hoa kiểng đã được nhiều hội viên tích cực hưởng ứng, nhưng do sản xuất còn mang tính cá nhân, kỹ thuật hạn chế, chủng loại quá ít chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đầu ra còn bấp bênh, nông dân chưa mạnh dạn tập trung đầu tư sản xuất với quy mô lớn, nên vào tháng 5-2008, Hội Nông dân xã đã vận động bà con thành lập Câu lạc bộ (CLB) trồng hoa kiểng và chọn ấp Tân Long A làm điểm. Ông Kiệt bộc bạch: “Vận động bà con chuyển sang mô hình trồng hoa đã khó, vận động bà con gia nhập CLB trồng hoa kiểng còn khó hơn, vì bà con còn ngán ngại, không biết vào CLB sẽ được những quyền lợi gì hay phải đóng góp nhiều...”. Thế là bên cạnh việc động viên, phân tích cho bà con hiểu những quyền lợi khi tham gia vào CLB như chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giới thiệu những giống mới, tìm đầu ra cho sản phẩm... Hội Nông dân xã đã thành lập Ban Chủ nhiệm CLB gồm những nông dân kỳ cựu trong nghề trồng hoa kiểng. Trong mỗi kỳ sinh hoạt, các thành viên được giới thiệu những giống mới, kỹ thuật chăm sóc, ươm cây giống... Từ 12 hộ ban đầu, số thành viên trong CLB giờ đã lên 30 người, với diện tích sản xuất 11,50 ha. So với trồng lúa trên cùng một diện tích và thời gian sản xuất thì 1 ha trồng hoa kiểng lãi trung bình từ 60 đến 80 triệu đồng, còn trồng lúa thì tối đa 15 triệu đồng. Nhằm thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, nhiều cán bộ, đảng viên ở ấp Tân Long A đã cần cù lao động sản xuất, trở thành tấm gương tiêu biểu cho quần chúng noi theo. Điển hình như vụ hoa Tết năm rồi, gia đình anh Nguyễn Văn Tâm, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, trồng khoảng 2.500 giỏ hoa các loại và lãi hơn 10 triệu đồng. Anh Tâm bộc bạch: “Mình cùng tham gia thực hiện mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Là cán bộ, đảng viên, cuộc sống gia đình mình phải khá lên thì mới vận động được bà con làm theo”.

Mặc dù mô hình CLB trồng hoa kiểng đã phát huy hiệu quả, nhưng hiện nay, các cán bộ Hội Nông dân xã Tân Thới vẫn còn trăn trở vì bà con chỉ sản xuất những loại hoa truyền thống nên thu nhập chưa cao. Để bà con trồng được những loại kiểng mới có hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân đang tích cực học tập tìm hiểu kỹ thuật trồng những loại hoa kiểng mới, đồng thời nghiên cứu tìm biện pháp hỗ trợ người dân về vốn để đầu tư lâu dài. Có như thế làng nghề trồng hoa kiểng đặc trưng của xã Tân Thới sẽ ngày càng phát triển.

***

Mô hình trồng rau màu trên ruộng tại khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, được các cán bộ Hội Nông dân quận đánh giá là một mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều nông dân nơi đây. Anh Phạm Văn Tường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hòa, cho biết: “Trước đây, Đảng ủy phường chủ trương vận động nhân dân chuyển từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa – 1 vụ màu. Sau thời gian vận động, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể khảo sát tình hình, thấy có một số cánh đồng đã được đê bao khép kín diện tích đất nông nghiệp, phù hợp với sản xuất cây màu nên tiếp tục vận động bà con chuyển từ lúa sang chuyên canh cây màu. Ban đầu, chỉ một vài hộ tham gia thấy hiệu quả và mô hình này được nhân rộng trên hơn 80 ha với 22 hộ tham gia. Anh Phạm Văn Thiện, khu vực Bình Yên A, nói: “Khi cán bộ phường vận động chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu, bà con ai cũng lo, không biết vùng đất này có phù hợp không. Nhưng sau những lần tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình do Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông tổ chức, chúng tôi yên tâm phần nào”. Thời gian đầu, anh Thiện và một số bà con xung quanh chỉ trồng thử bắp, các loại đậu, dưa leo... Sau những lần tham quan đi các mô hình, các anh Nguyễn Văn Đừng, Ngô Minh Luân và Phạm Văn Thiện bắt đầu trồng thử dưa hấu bằng màng phủ nông nghiệp. Khi thử nghiệm đạt hiệu quả, các anh giới thiệu cách làm cho các thành viên trong CLB rau màu Bình Yên A. Giờ đây, đa số bà con đều áp dụng trồng dưa hấu trên màng phủ cho năng suất cao.

Anh Phạm Văn Tường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hòa, cho biết: “Xác định nhu cầu liên kết để kịp thời làm ra sản phẩm cung cấp cho thị trường là điều rất cần thiết, trên cơ sở CLB rau màu Bình Yên A, Hội Nông dân phường đã khảo sát và vận động các hội viên trồng màu thành lập HTX rau màu Bình Yên nhằm xây dựng khu vực thành một vùng chuyên canh rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân”. Anh Lê Văn Tám, một trong những thành viên hợp tác xã rau màu Bình Yên, bộc bạch: “Khi tham gia vào Hội Nông dân, được các cán bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật và thấy anh em trong khu vực trồng màu đạt hiệu quả nên tôi làm theo. Lúc đầu tôi trồng dưa hấu trên 3 ngàn m2 đất ruộng, mỗi năm lãi khoảng 40 triệu đồng. Thấy đạt hiệu quả nên tôi thuê thêm đất, trồng hết diện tích 10 ngàn m2 đất ruộng”. Hiện nay, các thành viên của HTX đang chuẩn bị xuống vụ dưa hấu mới, hy vọng với ước vọng đổi đời của các anh sẽ thành hiện thực, góp phần làm cho quê hương Long Hòa ngày càng đổi mới.

***

Phường Thới An, quận Ô Môn, nổi tiếng với nghề truyền thống làm nhang. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sản xuất nhang bán không lời làm cho đời sống của người dân ngày càng khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy phường chỉ đạo các đoàn thể tìm mô hình phù hợp để vận động bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường cùng Chi bộ, Ban Nhân dân, Chi hội LHPN khu vực Thới Bình A đi tham quan các nơi và thấy mô hình nuôi lươn là phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, nhất là những hộ có diện tích đất ít, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ốc, cá, tép...

Với suy nghĩ “muốn vận động chị em hưởng ứng thực hiện mô hình thì mình phải làm trước”, - chị Lâm Tuyết Loan, Chi hội Trưởng Hội LHPN khu vực Thới Bình A, cùng với gia đình 3 hội viên khác đến tận Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), Thới Lai (huyện Cờ Đỏ)... mua con giống về nuôi thử. Chị Tuyết Loan kể lại: Lúc mới nuôi, chưa có kinh nghiệm về chọn con giống và nắm vững kỹ thuật nên khoảng 80% số lươn bị chết. Quyết tâm thực hiện cho bằng được, các chị nhiều lần đến học tập cách xử lý nước trong bồn, cho ăn, xay thức ăn, chọn lươn giống... từ các mô hình nuôi hiệu quả, tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Chị Loan nói: “Năm 2007, với 3.800 con lươn giống, sau khi thu hoạch, trừ chi phí, gia đình tôi còn lãi khoảng 22 triệu đồng. Thấy đạt hiệu quả, tôi đã tuyên truyền, vận động trong hội viên nhân rộng mô hình này”. Để nhân rộng mô hình nuôi lươn, Hội cũng gặp trở ngại do đa số bà con trong khu vực đời sống còn khó khăn, không có vốn đầu tư thực hiện mô hình. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Hội LHPN phường đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ vay từ 10 đến 20 triệu đồng. Và từ 4 hộ ban đầu, giờ đây mô hình được nhân rộng lên đến 15 hộ, nuôi khoảng 22 ngàn con lươn giống; ước tính với giá 100 ngàn/kg lươn loại 1 thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ còn lãi khoảng 11 triệu đồng/1 ngàn con lươn giống. Chị Bùi Thị Kim Phượng, khu vực Thới Bình A, cho biết: “Nhờ Hội LHPN tạo điều kiện được vay vốn mà tôi có điều kiện thực hiện mô hình nuôi lươn, góp phần tăng thu nhập gia đình. Khi vay vốn, Hội đều tổ chức bình xét những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu vay để phát triển kinh tế thì mới được hỗ trợ”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng, khu vực Thới Bình A, tâm sự: “Thấy các chị nuôi hiệu quả, nên tháng 9-2008, tôi nuôi thử khoảng 1.400 con lươn và được các cán bộ khu vực nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật từ cách xử lý nguồn nước, cho ăn, đất đắp mô... Khi tham gia vào mô hình, mỗi tháng các chị còn sinh hoạt về cách nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc...”. Tuy nhiên, hiện nay, điều mà chị em còn lo lắng là nguồn lươn giống chủ yếu mua từ bà con ở địa phương đặt lọp, thả dớn... dễ bị nhiễm bệnh từ nguồn nước trên các đồng ruộng xử lý thuốc trừ sâu, dịch bệnh nên khi mua về tỷ lệ hao hụt. Chị em mong muốn các ngành chức năng quan tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật, cách điều trị khi lươn bị bệnh, các trung tâm giống cung cấp con giống khỏe mạnh để chị em an tâm mở rộng quy mô, nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập gia đình.

***

Không chỉ ở ấp Tân Long A, Bình Yên A và Thới Bình A, hiện nay, các đoàn thể ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang ra sức vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất với những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy chính tinh thần tiên phong, gương mẫu, chịu khó, tác phong gần gũi, sâu sát quần chúng của cán bộ, đảng viên là động lực tạo niềm tin trong nhân dân giúp công tác vận động quần chúng thành công.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết