28/05/2011 - 20:33

QUẬN Ô MÔN

Phát huy sáng kiến, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên

Cô Trần Thị Trúc Linh đã nghĩ ra nhiều hoạt động vui chơi thiết thực cho trẻ.

Trong hoạt động dạy học mỗi ngày có nhiều tình huống sư phạm nảy sinh, đòi hỏi người thầy phải có những cách xử lý phù hợp. Nhằm giúp các thầy cô giáo có điều kiện để chia sẻ cùng đồng nghiệp những sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung, vừa qua, ngành giáo dục quận Ô Môn đã tổ chức hội thi “Viết sáng kiến kinh nghiệm”. Qua hội thi, ngành giáo dục quận đã “thu hoạch” được nhiều sáng kiến hay, hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả khi triển khai trong thực tế...

Sau khi triển khai, hội thi “Viết sáng kiến kinh nghiệm” (gọi tắt là hội thi) đã thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường học trên địa bàn quận Ô Môn. Có 636 sáng kiến đạt giải cấp trường được chọn dự thi cấp quận. Ông Võ Hữu Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ô Môn, cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận các sáng kiến dự thi của giáo viên, chúng tôi đã tham mưu cho UBND quận ra quyết định thành lập Hội đồng khoa học nhằm lựa chọn những sáng kiến sát thực tế, hiệu quả và có thể triển khai đại trà... Kết quả, Hội đồng khoa học đã chọn được 57 sáng kiến để trao giải A, 213 sáng kiến giải B và 243 sản phẩm giải C. Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, các sáng kiến gửi đến hội thi đều xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý và hoạt động giáo dục của giáo viên nên mang tính ứng dụng cao”...

Tham gia hội thi năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương có 3 sáng kiến đạt giải A, 4 giải B và 16 sáng kiến đoạt giải C. Nói về phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm ở Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, ông Lê Hoàng Thông, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã đề nghị các thầy cô giáo, cán bộ nhà trường ghi nhận những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác và nghiên cứu hướng xử lý; từ đó lựa chọn ra những vấn đề tiêu biểu để viết sáng kiến kinh nghiệm dự thi. Rút kinh nghiệm những năm trước, một số giáo viên có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến hay, nhưng khi diễn đạt lại thiếu rõ ràng, mạch lạc, năm nay, trường tổ chức tập huấn phương pháp viết. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên đôn đốc và tạo điều kiện để các giáo viên tham gia hội thi, nên chất lượng các sản phẩm dự thi được nâng lên”.

Xác định việc tìm ra phương pháp, biện pháp rèn chữ viết rất quan trọng và cần thiết cho học sinh tiểu học nên cô Nguyễn Phú Minh Thi, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quyết tâm “nghiên cứu”. Từ thực tế quá trình đứng lớp, trực tiếp hướng dẫn học sinh rèn chữ viết, cô Thi rút ra nhiều kinh nghiệm, từ tư thế ngồi viết, cách cầm bút, sử dụng loại bút gì... Nhờ đó, đề tài “Một số phương pháp, biện pháp rèn chữ viết cho học sinh tiểu học” của cô Thi đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao, trao giải A. Cô Thi phấn khởi: “Tôi không chỉ vui vì đoạt giải mà còn vì kinh nghiệm của mình sẽ giúp học sinh viết chữ đúng mẫu và đẹp hơn”. Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương (phường Trường Lạc) khi chuyển từ xã lên phường, thầy Lưu Út Nhỏ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, đã thực hiện đề tài “Một số biện pháp chỉ đạo và thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học ở phường Trường Lạc”. Thầy Út Nhỏ chia sẻ: “Trong quá trình đô thị hóa ở địa phương có nhiều vấn đề xã hội mới phát sinh, các học sinh tiểu học còn nhỏ, khó phân biệt đúng sai nên dễ dàng bị cái xấu tiêm nhiễm. Vì vậy, học sinh rất cần sự định hướng của giáo viên từ những việc nhỏ nhất diễn ra chung quanh cuộc sống của các em”. Với đề tài “Một số biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học ở Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương”, thầy Lê Minh Thông, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, đã đánh giá lại thực trạng việc dạy và học trong trường và những giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục; cũng là một trong những đề tài đạt giải A của hội thi. Thầy Thông cho biết: “Viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là cách để chúng tôi nhìn lại phương pháp quản lý, chỉ đạo chuyên môn của bản thân, từ đó chủ động thay đổi những phương pháp chưa phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Là một trong những đơn vị đứng đầu bậc học mầm non ở quận Ô Môn, năm học này, Trường Mầm non Hướng Dương có đến 5 sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải A, 11 giải B và 4 giải C. Cô Trần Thị Trúc Linh, giáo viên dạy lớp Chồi 2, Trường Mầm non Hướng Dương, quận Ô Môn, tác giả đề tài “Một số biện pháp tổ chức hoạt động vui chơi theo hướng đổi mới” được Hội đồng khoa học quận Ô Môn trao giải A; cũng là một trong hai giáo viên đoạt giải Nhất tại hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi TP Cần Thơ năm học 2010-2011 do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức. Cô Linh chia sẻ: “Trong lúc hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi, tôi chợt nghĩ “Tại sao không thử cho trẻ chơi những đồ chơi từ thiên nhiên?”. Để “thử nghiệm” ý tưởng này, thay vì cho trẻ vẽ, cắt hình các chú cá từ giấy, tôi đổi sang các loại lá, lục bình... Không chỉ hào hứng và sáng tạo với các món đồ chơi mới, như: cho cá bơi, cá lặn, cá ngoi lên mặt nước, kết những cọng lục bình thành bè... trong quá trình chơi, các cháu đặt ra cho cô giáo rất nhiều câu hỏi về đời sống của các loại động, thực vật. Đó cũng là cơ hội để giáo dục các cháu ý thức bảo vệ môi trường”.

Không chỉ thúc đẩy phong trào nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, Hội thi do Phòng GD&ĐT quận Ô Môn tổ chức còn tạo điều kiện để ngành giáo dục tìm ra và phát huy những phương pháp giảng dạy, quản lý mới hiệu quả mà nếu được triển khai và nhân rộng, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn quận.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết