28/11/2022 - 13:12

Phát huy lợi thế, tiềm năng thúc đẩy phát triển quận Thốt Nốt 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Năm 2022, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã có nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Thốt Nốt đã khởi sắc...

Đa dạng các mặt hàng phục vụ người dân tại Siêu thị Co.opmart Thốt Nốt.

Đa dạng các mặt hàng phục vụ người dân tại Siêu thị Co.opmart Thốt Nốt.

Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, khẳng định: "Đến nay, ngành Công nghiệp của quận Thốt Nốt đã phục hồi hoàn toàn, các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Các biện pháp sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng tại các doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2022 tăng so với năm 2021 do doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, tích cực tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa".

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng năm 2022 của quận được  trên 37.900 tỉ đồng, đạt 110% so với kế hoạch năm, tăng 13,54% so với năm 2021. Đến nay, Thốt Nốt phát triển mới 3 doanh nghiệp và 18 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nâng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn là 1.357 cơ sở (trong đó có 145 doanh nghiệp), giải quyết việc làm  cho 16.699 lao động tại địa phương và khu vực lân cận. Bên cạnh đó, toàn quận hiện có 29 doanh nghiệp xay xát và 50 doanh nghiệp lau bóng gạo với tổng sản lượng xay xát từ đầu năm đến nay đạt 1.165.000 tấn, tăng 11,9% so với năm 2021. Tổng sản lượng gạo lau bóng từ đầu năm đến nay đạt 1.508.000 tấn, tăng 15,2% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng gạo xuất khẩu cả năm ước được 376.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 189 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2021. Quận Thốt Nốt còn có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng sản lượng cá tra nguyên liệu chế biến trong năm đạt 171.000 tấn, tăng 10,8% so với năm 2021; trong đó, sản lượng cá tra phi - lê xuất khẩu năm 2022 ước được 87.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 240 triệu USD, tăng 11,3% so với năm 2021.

Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng thu được kết quả khả quan. Năm 2022, quận Thốt Nốt phát triển mới 190 hộ thương mại - dịch vụ và 14 doanh nghiệp thương mại, nâng tổng số cơ sở thương mại - dịch vụ đến nay là 5.749 hộ, thu hút được khoảng 15.092 lao động. Giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận năm 2022 ước được 15.468,39 tỉ đồng, đạt 113,6% kế hoạch năm, tăng 22,12% so với năm 2021. Hoạt động thương mại - dịch vụ đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng mạnh so với năm 2021, sức mua cũng tăng trở lại. Nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu dồi dào, đảm bảo nhu cầu cho người dân mua sắm và tiêu dùng; siêu thị Co.opmart Thốt Nốt, hệ thống cửa hàng tiện lợi phát huy tốt vai trò dự trữ hàng hóa phục vụ người dân; đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu luôn được bình ổn và kiểm tra thường xuyên…

Bên cạnh những thuận lợi, quận Thốt Nốt cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tuy đã phục hồi nhưng các chi phí về nguyên liệu phục vụ sản xuất, xăng dầu, chi phí logistics… tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tuy đã phục hồi, sức mua tăng nhưng vẫn bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút nên người dân chủ yếu chi tiêu mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Công tác mời gọi đầu tư, khai thác các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư khai thác các chợ thuộc đất công do nhà nước quản lý còn rườm rà, gây khó khăn và chậm trễ tiến độ cho các nhà đầu tư...

Năm 2023, quận Thốt Nốt tập trung khắc phục khó khăn, đồng thời đưa ra chỉ tiêu phát triển chủ yếu, như giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 40.500 tỉ đồng, tăng 6,85% so năm 2022; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt 18.200 tỉ đồng, tăng 17,66% so năm 2022. Ngoài ra, Thốt Nốt tăng cường phối hợp với Sở Công Thương thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, nắm sát tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra xuất khẩu nông sản. Nắm tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy cho sản xuất công nghiệp phát triển. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp chất lượng cao. Triển khai các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường theo các chính sách hỗ trợ của thành phố; phối hợp với các ngành đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống gắn kết du lịch, hỗ trợ làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm cải tiến trang thiết bị, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu... trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Tân, Phó Bí thư Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, nhấn mạnh: "Bên cạnh giải pháp trên, quận Thốt Nốt sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Nhất là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, xây dựng hệ thống mạng lưới bán buôn, bán lẻ đa dạng và phong phú các ngành hàng. Đồng thời, thu hút đầu tư xây dựng các chợ truyền thống trên địa bàn các phường; hỗ trợ cho các nhà đầu tư khai thác chợ hoàn thành các thủ tục về đất đai và đấu giá đất theo quy định để tiến hành đầu tư khai thác; tăng cường công tác kiểm tra và quản lý thị trường dịp cuối năm, khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu...".

 

Chia sẻ bài viết