Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Ninh bảo với tôi là hai vợ chồng đi bụi. Tôi hỏi đi đâu? Anh nói Phan Rang. Dù bất chợt thấy hẫng một nhịp khi nghe nơi sẽ đến, tôi vẫn gật đầu, bởi đi với anh thì tôi đến bất cứ nơi nào cũng được.
Hai vợ chồng đi bụi là chuyện rất thường ngày, vì anh làm du lịch, thiết kế tour rất giỏi. Tôi và Ninh luôn có những chuyến đi đầy thú vị và cũng có nhiều lần xê dịch đầy bão táp theo cách của anh "Thích là lên đường". Tỉ dụ như có lần tôi bảo anh là mùa này hoa cà phê đang nở, tôi thích Ðắk Lắk. Mới nói buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau anh đã lo mọi thứ, kêu tôi cứ xếp quần áo vào túi xách và leo lên xe máy để cùng anh đi ngắm hoa cà phê. Thật lòng chuyến đi đó cực kỳ thú vị. Xe của hai vợ chồng bon bon qua các cung đường, ngang qua các nông trại cà phê, hoa nở khắp nơi tỏa hương thơm lừng. Cơ man là bướm trắng bay lả lơi tạo nên không gian kỳ ảo. Rồi cái lần anh chở tôi lên Kon Tum, lý do đơn giản là thành phố cao nguyên tổng cộng có mấy chục ngàn dân này ít người biết đến. Ðó là chuyến đi thật sự ấn tượng, tôi giống như đang lạc vào một thế giới khác. Lần đó, hai đứa gọi taxi vào tận buôn làng xa lắc, khi đi ra, không đón được xe, đành đi bộ về.
Ninh đã cho tôi tận hưởng nhiều chuyến đi mà nếu không lấy anh, chắc tôi chỉ biết địa danh. Những chuyến khiến lòng tôi mở rộng theo anh, đôi mắt luôn no tròn và trái tim luôn căng đầy vì những gì anh đã tạo ra. Khi đến Tuy Hòa, anh nhất quyết tìm đường đền Gành Ðá Ðĩa, dù cứ phải hỏi đường liên tục. Ðể rồi dẫu chỉ có hai vợ chồng ở giữa thênh thang biển, ở giữa những tảng đá được thiên nhiên khéo léo gọt giũa giống như vô số chiếc đĩa xếp chồng lên nhau, cảm giác tuyệt vời đó tôi không quên được. Anh đưa tôi lên tận Sa Pa khi cơn bão rớt đang về, sau đó thì dứt khoát phải tìm ra bãi đá cổ, bởi theo anh nói là đến một nơi nào đó phải đi đến tận cùng, còn tới để ăn nhậu thì thật là vô vị. Tôi từng cùng anh đi bộ gần hai cây số xuống con dốc ở Tả Van chỉ để tìm cây cầu mây huyền thoại. Rồi có lần anh đi công tác ở Sài Gòn, anh thuê nguyên chiếc ô tô để đưa tôi tới Củ Chi, chui vào địa đạo, ăn khoai mì chấm muối mè, xong lại lên xe về.
Tôi hạnh phúc bên Ninh, tôi không hề băn khoăn tại sao tôi lại chọn anh. Hình như ai đó đã triết lý rằng trên đời có ba kiểu tình yêu. Thứ nhất là yêu người mà không duyên nợ. Thứ hai là người yêu mình nhưng mình lại không hề rung động dù người đó có thể cho mình tất cả. Và tôi tự nhận tình yêu của tôi và Ninh là kiểu thứ ba: sinh ra để về ở với nhau.
Nhưng cuộc sống này có cái khó là không ai lại không hoài nhớ đến một cuộc tình dang dở, vừa ngọt ngào vừa đắng cay do hai người không đến được với nhau. Hay nói đúng hơn là chỉ ở bên nhau và nhận lấy niềm vui trong một đoạn đời. Tôi không là ngoại lệ, tôi từng yêu đến kiệt sức mình trước khi nắm tay Ninh. Ðôi lần Ninh hỏi: "Em có điều gì bí mật kể cho anh nghe không?". Tôi lắc đầu, bởi tôi nhận từ nơi anh một tình yêu hoàn hảo, tôi không thể mạo hiểm phơi bày mọi ngóc ngách trái tim mình để thử thách trái tim anh.
Từng có một người con trai khác làm cho tôi choáng ngợp hạnh phúc, giờ người đó đã rất xa, nhưng đôi lúc anh ấy cũng len vào giấc mơ của tôi. Hay thỉnh thoảng đi trên đường gặp một dáng gầy như anh, hoặc một người có nụ cười ngạo nghễ như anh, là tôi hoảng hốt. Tôi cũng như tất cả những người con gái khác, giữ bí mật tình yêu đó trong lòng mình, không hé răng kể cho bất cứ ai, kể cả những người bạn thân.
Bởi vậy khi Ninh nói "Mình đi Phan Rang", tôi giật mình thật sự. Bao nhiêu lần tôi đã né tránh thành phố đó, vì bí mật của tôi ở đó. Tôi e dè "Phan Rang có gì không mà tới?". Anh cười "Ði Vịnh Vĩnh Hy". Chỉ bao nhiêu đó thôi mà tôi loay hoay suy nghĩ cả ngày dài. Vì Hiển đang ở đó.
Hiển là dân Phan Rang. Ðó là thành phố nhỏ, tôi vẫn chắc chắn thế. Dăm ba lần tôi ghé, con đường Ngô Gia Tự ôm trọn một vòng cung phố, gần như nơi đó tập hợp các quán ăn, quán cà phê đông đúc nhất. Phan Rang có hai loại cây mà tôi gọi là cây khát nước: xoan và xương rồng. Chuyện cây xoan thì nghe nói do vùng đất này khô hạn thường xuyên, vì thế các nhà khoa học mới chọn giống cây chịu hạn này trồng trên đường phố. Còn xương rồng thì có mặt ở mọi nơi, hoa rất đẹp và tôi cũng đã tò mò ăn thử trái xương rồng.
Lúc đầu gặp Hiển, tôi hỏi: "Anh người dân tộc Chăm phải không?". Hiển trả lời: "Anh là người Việt Nam". Năm đó tôi 21 tuổi, cũng là năm cuối học đại học, đến Vĩnh Hy đi thực tế để viết bài luận cuối khóa. Nhiều năm sau này nhớ lại, tôi vẫn có cảm giác Hiển dường như đã ở sẵn nơi đó chờ đợi tôi.
Vịnh Vĩnh Hy giống như một túi nước, bao quanh là núi, cứ đi thuyền tiếp thì núi dạt ra để nhìn thấy trước mặt là biển cả. Khi tôi lớ ngớ một mình nơi cầu cảng thì Hiển xuất hiện: "Mùa này không có khách, em muốn ra vịnh thì thuê nguyên một chiếc tàu". Tôi vẫn còn lơ ngơ. Hiển nói tiếp: "Hay là anh chở em đi bằng cái thuyền câu cá của anh?".
Tôi đã vui bất tận với Hiển khi chông chênh trên con thuyền nhỏ của anh. Anh câu được ít cá, rồi tấp thuyền vào một bãi cát, nướng cá lên và tôi được anh đãi món cá nướng tươi ngon nhất. Tình yêu giữa tôi và Hiển len nhẹ vào trong những ngày tôi ở lại Phan Rang lúc nào không hay. Một tháng ở Phan Rang của tôi đầy kỷ niệm. Có khi tôi ở lì tận Vĩnh Hy, theo Hiển ra khơi, còn Hiển thì cứ thả thuyền giăng câu tại vịnh biển. Ðể rồi trong một đêm trăng đẹp hơn bất cứ đêm trăng nào, Hiển ngỏ lời với tôi trên bãi cát ngoài khơi, giữa những tiếng sóng vỗ và ánh màu nhạt nhòa của đêm. Ðó là khoảnh khắc tôi hạnh phúc nhất đời.
Nhưng rồi sau đó, tôi đã trở lại thành phố, tôi có một đời sống khác và Hiển có một cuộc đời khác. Tôi loay hoay giữa cuộc sống, còn Hiển không đi tìm tôi có thể do điều kiện kinh tế, cũng có thể là mặc cảm. Tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ trở thành vợ một người hằng ngày ra biển giăng câu…
Cuối cùng sau bao nhiêu năm tôi đã tới Phan Rang. Nơi này đã thành khu du lịch với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn nhiều vô cùng, có cả một khu du lịch sang trọng. Ninh bảo: "Mình thuê một chiếc thuyền, tự do hơn em nhé". Chiếc thuyền nhỏ chỉ chở hai vợ chồng ra khơi trong cái nắng mai mềm. Người lái thuyền nói: "Lát nữa gặp mấy thuyền câu cá, mình mua cá sau đó ghé bãi cát nướng ăn ngon lắm anh chị".
Cảm giác của tôi đi trong biển thênh thang trên con thuyền êm ái khác với ngày nào tôi đi chiếc thuyền câu cá. Ninh nhắm máy ảnh vào tôi, anh vui vẻ như bao lần dẫn tôi đi khắp nơi. Bỗng dưng anh lái tàu nép sát vào một chiếc thuyền câu cá ở giữa biển khơi, anh nói: "Anh Hiển, có cá câu bán không?".
Trong nắng lóa tôi xoay người nhìn. Hiển đó. Hiển nhìn phong trần hơn xưa. Hiển bảo: "Hôm nay không câu được con cá nào". Hình như anh không kịp nhìn tôi hay anh không thấy tôi.
Chiếc thuyền câu của Hiển đã xa, lấp lóa trên biển là nỗi buồn tôi đang trôi.