17/10/2017 - 09:31

Phân luồng, hướng nghiệp: Chuyển biến chậm 

Chọn đúng trường, ngành yêu thích, phù hợp với năng lực là nền tảng để học sinh, sinh viên phát huy thế mạnh cũng như có hướng phát triển đúng cho nghề nghiệp tương lai, đóng góp vào xã hội. Các trường phổ thông ở thành phố Cần Thơ nỗ lực thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp; nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm…

Nỗ lực chung

Có thể nói, so với trước kia, nhiều học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo đã chủ động hơn trong xác định nghề nghiệp tương lai cho học sinh ngay từ những năm còn trên ghế trường phổ thông.

Nguyễn Thị Hằng, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em định đăng ký xét tuyển đại học ngành Quản trị nhà hàng khách sạn vì đây là ngành học yêu thích, phù hợp với việc em học khá môn Toán, Văn".

"Hiện nay, ngoài việc dồn sức học tập để thi tốt kỳ thi THPT Quốc gia, em ôn luyện thêm các môn chuẩn bị dự tuyển đại học cho ngành học trên”. Nguyễn Huỳnh Trang, cùng lớp với Hằng, xác định mục tiêu là ngành Nhật Bản học. Huỳnh Trang nỗ lực cho kỳ thi THPT và học thêm ngoại ngữ".

Huỳnh Trang nói: “Em cố gắng học thêm tiếng Nhật để cơ hội trúng tuyển và tìm việc sau tốt nghiệp cao hơn”.

Giờ hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, Trường THCS Bình Thủy. Ảnh: B.KIÊN

Ghi nhận tại các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ, công tác hướng nghiệp được nhà trường, thầy, cô quan tâm và tư vấn học sinh chọn lựa ngành nghề phù hợp với bản thân, gia cảnh và nhu cầu của thị trường lao động.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, cho biết: Theo quy định trong chương trình học, có 2 tiết mỗi tháng cho giờ học hướng nghiệp. Trường chỉ đạo, phân công giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; nhất là giáo viên chủ nhiệm.

Đồng thời, trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh toàn trường, tham quan các trường đại học, cao đẳng; tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, giúp các em định hướng chọn ngành nghề yêu thích, phù hợp năng lực.

Ngay cả các trường THCS cũng nỗ lực thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Tùy theo đặc thù, mỗi trường sẽ có cách làm khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế.

Theo thầy Lê Thanh Tân, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thủy (quận Bình Thủy)- phụ trách công tác phân luồng, hướng nghiệp của trường: Học sinh THCS còn mơ hồ về chọn nghề trong tương lai, vì các em còn nhỏ tuổi, nên công tác này của trường chủ yếu giúp học sinh dần dần hiểu, hình dung được một số nghề trong xã hội.

Trường tập trung hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, năm học chuẩn bị chuyển tiếp lên THPT. Bắt đầu sau kết thúc học kỳ I của năm học lớp 9, dựa trên kết quả học tập của học sinh, trường đẩy mạnh hơn nữa phân luồng, hướng nghiệp. Đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh để hỗ trợ giúp các em học tốt hơn.

Thầy Tân nói: “Hôm nào học sinh chỉ học 4 tiết một buổi, tôi tranh thủ tiết cuối để trò chuyện, trao đổi với các em về tình hình học tập, chọn trường, nghề trong tương lai...; từ đó tư vấn, giúp các em chọn trường, nghề phù hợp”.

Năm học 2016-2017, Trường THCS Bình Thủy có trên 90% học sinh lớp 9 vào học các trường THPT. Năm học 2017-2018, trường có 1.270 học sinh ở 31 lớp, trong đó có 320 học sinh lớp 9 được đặc biệt chú trọng công tác hướng nghiệp.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Những năm gần đây, công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh rất được các trường phổ thông, kể cả đại học, cao đẳng quan tâm. Bằng nhiều cách khác nhau, các trường lồng ghép tổ chức tư vấn hướng nghiệp trong sinh hoạt dưới cờ, giờ dạy và học hướng nghiệp, sinh hoạt chủ nhiệm; tọa đàm… nhằm giúp học sinh có cài nhìn bao quát hơn khi chọn ngành nghề.

Thế nhưng, cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường thừa nhận thực tế, dù nỗ lực phân luồng nhưng tâm lý chung của học sinh, phụ huynh chỉ có một luồng để chọn: Học xong lớp 9, vào lớp 10 THPT, sau đó là đại học.

Theo quy định, năm học 2017-2018, thành phố đảm bảo tuyển từ 70% đến 85% học sinh đã tốt nghiệp THCS tại TP Cần Thơ và trong độ tuổi quy định vào lớp 10. Nhưng qua khảo sát thực tế các quận, huyện, học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT chiếm từ 90% trở trên.

Theo lãnh đạo của trường THPT, một số quận, huyện có đến 90% học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT. Khoảng 10% học sinh còn lại thì không mặn mà lựa chọn các trường nghề hay giáo dục thường xuyên, nguy cơ bỏ học cao.

Bên cạnh đó, giờ hướng nghiệp ở trường phổ thông là môn học điều kiện, không phải bắt buộc nên một số trường ít chú trọng. Việc hướng nghiệp chủ yếu tập trung nhiều khối lớp 12. Đó là chưa kể thời gian dạy môn hướng nghiệp ít, nội dung chương trình chưa thật sự hấp dẫn, cán bộ phụ trách hướng nghiệp đa phần là kiêm nhiệm… nên công tác này còn nhiều hạn chế.

Thầy Lê Thanh Tân, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thủy, cho biết: “Chương trình học môn hướng nghiệp cần thay đổi, cập nhật thêm, phù hợp với tình hình thực tế, tạo hứng thú cho giờ học. Các trường có điều kiện có thể tổ chức cho học sinh lớp 9 tham quan thực tế ở các nhà máy, xí nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức chọn ngành nghề phù hợp của học sinh”.

Một khía cạnh khác, nhìn tổng thể việc chọn ngành nghề của học sinh năm nay, sự chuyển biến còn chậm. Minh chứng có nhiều học sinh tuy học lực thuộc trung bình vẫn tìm mọi cách vào đại học. Thậm chỉ có trường hợp trúng tuyển, đóng học phí vào trường cao đẳng nhưng vẫn bỏ để học đại học ngoài công lập, bởi các trường này có nhiều phương án tuyển sinh, trong đó có trường chỉ xét học bạ THPT.

Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, 2 năm trở lại đây, tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của TP Cần Thơ rất khó khăn. Riêng trường, năm 2017 chỉ tuyển được khoảng 65% chỉ tiêu (trong đó bậc trung cấp tuyển được trên 160 học sinh, trong số 1.200 chỉ tiêu).

Nguyên nhân là vì tâm lý chung của học sinh, phụ huynh vẫn thích chọn vào đại học. Đó là chưa kể trường hợp học sinh chưa định hướng đúng ngành nghề phù hợp, chọn theo số đông, cảm tính. Trong khi đó, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông vẫn còn hạn chế.

Tiến sĩ Tâm nói: “Để công tác phân luồng, hướng nghiệp thật sự hiệu quả, đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ về nguồn lực. Nhất là sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ từ gia đình và xã hội trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với học sinh”. 

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết