30/11/2019 - 18:59

Phấn đấu cuối năm 2019 đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD 

(CT)- Ngày 30-11-2019, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị phát triển ngành thủy sản bền vững, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội cá tra Việt Nam, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam và đại diện các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển và vùng ĐBSCL.

Diện tích ao nuôi cá tra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) phát triển tốt và được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. 

Theo Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm đến hết tháng 10-2019, kết quả sản xuất, nuôi trồng thủy sản tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 82,6% kế hoạch năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác trên 3,2 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng là 3,469 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7.086,4 triệu USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ. Trong tháng 12 này và năm 2020, ngành thủy sản sẽ còn đối mặt những thách thức mới: tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ sụt giảm dẫn đến lượng tiêu thụ thủy sản có thể sẽ giảm; biến đổi khí hậu và thời tiết đang có những diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất; yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe; người sản xuất thủy sản chưa sẵn sàng với các quy định mới của Luật Thủy sản; quy định về “thẻ vàng” của EC đối với hải sản khai thác của Việt Nam chưa được gỡ bỏ…

Để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất thủy sản tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi và công tác kiểm dịch trong xuất nhập khẩu tôm nguyên liệu, tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, góp phần đảm bảo uy tín của ngành tôm Việt Nam. Khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản theo hướng liên kết chuỗi và áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC…

H.VĂN

Chia sẻ bài viết