01/07/2021 - 09:20

Phân bón không ngừng tăng giá, thêm khó cho nhà nông 

Trong khi giá cả đầu ra nhiều loại nông sản sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì giá các loại phân bón tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi giá nhân công, xăng dầu cũng tăng và đứng ở mức cao, nhà nông khó càng thêm khó ...

Giá phân bón tăng liên tục

Theo nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, do giá tăng cao, sức tiêu thụ nhiều loại phân bón đang giảm hơn 30% so với trước đây.

Theo nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, do giá tăng cao, sức tiêu thụ nhiều loại phân bón đang giảm hơn 30% so với trước đây.

So với cách nay khoảng 1 tháng, giá nhiều loại phân bón tại vùng ĐBSCL như Urê, DAP, Kali… tăng thêm 20.000-50.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Ngày 28-6, giá đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang... ở mức 600.000-610.000 đồng/bao. Còn Urê Phú Mỹ có giá 580.000-590.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng ít nhất từ 260.000-280.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020 và cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá nhiều loại DAP nhập khẩu từ Philippines và Hàn Quốc và DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) đang ở mức từ 800.000-850.000 đồng/bao, tăng ít nhất từ 150.000-200.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm trước. Giá NPK Cò Bay 20-20-15, NPK Đầu Trâu 20-20-15 và NPK Đầu Trâu 20-20-15 +TE đang ở mức từ 740.000-770.000 đồng/bao. Phân bón Kali (Israel, Canada, Nga…) có giá từ 480.000- 520.000 đồng/bao. Giá phân bón tăng mạnh do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất phân bón trong nước tăng. Đồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu và vận chuyển phân bón có phần gặp khó, khiến giá thành bị đội lên.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phượng, chủ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Phượng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá nhiều loại phân bón không chỉ liên tục tăng cao mà việc lấy hàng cũng gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng như do nhiều đầu mối kinh doanh báo không có sẵn nguồn hàng số lượng lớn để giao ngay cho cửa hàng bán lẻ”.

Theo doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, tới đây giá nhiều loại phân bón có khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao. Nguyên nhân do giá phân bón trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, chi phí sản xuất nhiều loại phân bón trong nước tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng bởi giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu và giá xăng dầu, điện các chi phí vận chuyển có xu hướng tăng. Mặt khác, chi phí vận chuyển phân bón và các loại hàng hóa nói chung cũng tăng do giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt, hiện việc vận chuyển phân bón từ các nhà máy và các đầu mối kinh doanh đến các cửa hàng bán lẻ tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và lập các chốt kiểm tra người và phương tiện đi lại. Vận chuyển phân bón từ địa phương này sang địa phương khác khó có thể thực hiện một cách nhanh chóng như trước đây và các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ vận chuyển hàng buộc phải điều chỉnh tăng giá nhằm bù vào các chi phí phát sinh.

Thấp thỏm vụ thu đông

Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL bắt tay vào vụ sản xuất thu đông 2021. Với việc giá nhiều loại phân bón đã liên tục “leo thang” khiến nông dân không khỏi lo lắng về gánh nặng chi phí sản xuất sẽ tăng cao, dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro, đe dọa đến hiệu quả sản xuất. Đặc biệt là khi giá lúa có chiều hướng giảm mạnh trở lại, do vậy nếu lúa vụ thu đông không đạt năng suất cao, nông dân rất khó kiếm lời.

Ông Ngô Văn Trung ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ lúa hè thu 2021, lúa không chỉ đạt năng suất thấp mà giá lúa cũng đã giảm hơn 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân nên nông dân có lời rất thấp, có người bị lỗ vốn. 14 công lúa của tôi trong vụ hè thu đạt năng suất hơn 600kg lúa tươi/công và bán với giá 5.300 đồng/kg, tính ra tôi chỉ có lời khoảng 1 triệu đồng/công. Dù vậy, sau khi thu hoạch lúa hè thu, tôi vẫn gieo sạ tiếp lúa vụ thu đông chứ không thể chuyển sang các loại cây trồng vật nuôi khác vì không rành kỹ thuật và sợ đầu ra gặp khó hơn so với lúa. Khi thấy giá phân bón tiếp tục tăng mạnh tôi rất lo chi phí sản xuất vụ thu đông sẽ tăng cao, khó kiếm lời”.

Bà Lê Thị Kiều ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, lo lắng nói: “Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng cao như năm nay. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân Urê đã tăng gần gấp đôi, vậy mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, nông dân thường phải mua chịu phân bón đến cuối vụ mới trả nên phải chịu thêm khoản tiền lãi vài chục ngàn đồng trên mỗi bao phân bón. Giá thuê mướn nhân công và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất cũng tăng, nhất là khi gần đây giá xăng dầu liên tục nhích lên. Thế nhưng giá lúa lại đang giảm. Do vậy, để có lời, nông dân rất mong lúa trong vụ thu đông được trúng mùa”.

Phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng, muốn đảm bảo được hiệu quả sản xuất, nông dân phải nỗ lực đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, đặc biệt là áp dụng các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và các biện pháp chủ động phòng tránh sâu bệnh… để tiết kiệm tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế cho thấy, giá phân bón tăng cao đang ít nhiều có tác động làm giảm sức mua. Nông dân đã buộc phải cân nhắc trong bón phân cho lúa ở mức phù hợp để tiết kiệm chi phí và tạm thời hạn chế bón phân đối với những loại cây trồng đang có giá cả đầu ra sản phẩm ở mức thấp, nhất là đối với các loại rau màu và cây ăn trái.

Tuy nhiên, về lâu dài nông dân vẫn buộc phải mua và sử dụng phân bón mới đảm bảo năng suất và sản lượng cho cây trồng. Do vậy, nông dân mong ngành chức năng có giải pháp hiệu quả bình ổn giá phân bón và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và có giá cả hợp lý. Hiện nay, nhiều loại phân bón được sản xuất trong nước, nhất là phân Urê đã có dư để xuất khẩu nhưng hầu như nông dân không thể mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất mà phải mua hàng qua các trung gian với giá bị đội lên rất nhiều lần. Ngành chức năng cần kịp thời có giải pháp phù hợp để bình ổn thị trường.

 Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết