|
Phụ gia phẩm màu này được bày bán ở chợ, với giá chỉ 1.000 đồng/ống. |
Hầu như tất cả loại thực phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay đều được nhuộm phẩm màu nhằm tăng sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải phẩm màu nào dùng trong chế biến thực phẩm cũng an toàn. Lạm dụng phẩm màu không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng có thể tác hại sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Cần Thơ, cho biết: phẩm màu thực phẩm có hai loại chính: tự nhiên và tổng hợp. Màu tự nhiên là các chất màu được chiết xuất từ thực vật, do các sắc tố chứa trong lá, hoa, củ, quả... Ví dụ, để có màu đỏ có thể dùng quả gấc, rau dền, cà chua...; màu xanh thì dùng lá dứa, màu vàng dùng củ nghệ, màu tím có thể dùng lá cẩm... Các loại màu có nguồn gốc tự nhiên thường không gây hại, mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, vì vậy được khuyến khích sử dụng.
Phẩm màu tổng hợp là các phẩm màu được tạo ra bằng các phản ứng tổng hợp hóa học, thường được dùng trong công nghiệp nhuộm vải, làm mực in..., rất ít khi dùng cho thực phẩm. Đối với loại phẩm màu tổng hợp, loại nào được nghiên cứu, thử nghiệm không có khả năng gây độc hại về lâu dài mới được phép sản xuất, lưu thông và sử dụng. So với màu tự nhiên, phẩm màu tổng hợp được người sản xuất ưa dùng hơn vì cho màu sắc đẹp, giá thành rẻ, độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, nếu lạm dụng có thể gây ngộ độc.
Hiện phẩm màu tổng hợp được dùng phổ biến trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như: bánh, kẹo, mứt, kem, nước giải khát, thạch rau câu, nước sốt, tương ớt... Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), phẩm màu tổng hợp hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng, chỉ giúp cải thiện màu sắc cho sản phẩm trở nên "bắt mắt" hơn. Nghiên cứu của FDA và Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) còn cho thấy, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm có chứa phẩm màu tổng hợp có thể làm tăng hành vi hiếu động thái quá ở trẻ em.
Tại Việt Nam, trong "Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm" ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ - BYT, ngày 4-4-1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế, quy định cho phép sử dụng 10 loại phẩm màu tổng hợp dùng trong thực phẩm như: phẩm vàng tartrazine, phẩm xanh brillant, phẩm đỏ erythrosine, amaranth, ponceau, carmoisine... và phải sử dụng dưới giới hạn cho phép, để không gây độc hại cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, thực tế đáng lo ngại là hiện nay, việc mua bán, sử dụng phẩm màu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng, còn phổ biến ở một số nơi, nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chế biến thủ công... Báo động là tình trạng sử dụng phẩm màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, phụ gia phẩm màu dễ dàng được mua ở các cửa hàng tạp hóa trong chợ, dưới dạng ống, đủ màu sắc đựng trong túi ni lông không có nhãn tên được bán với giá rẻ (1.000 đồng/ống). Khi chúng tôi hỏi chủ cửa hàng tạp hóa về thành phần trong ống màu làm bằng gì, họ đều lắc đầu không biết. "Khách hàng có nhu cầu sử dụng thì mình bán, chớ chưa quan tâm đến điều này", một chủ cửa hàng nói. Mượn xem 1 túi ni lông gồm 5 ống màu còn nguyên (chưa khui ra), chúng tôi thấy trên bao bì chỉ ghi địa chỉ sản xuất nhưng không ghi thành phần, hướng dẫn sử dụng cũng như không có chứng nhận của cơ quan y tế cho phép dùng để chế biến thực phẩm.
Theo ông Đàm Hồng Hải, thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều loại phẩm màu độc hại dùng trong thực phẩm như: màu malachit green trong bánh cốm, diaminoazobenzen hydrochloride, dùng tạo màu vàng hấp dẫn cho thịt gà làm sẵn; hạt dưa, tương ớt nhuộm màu đỏ Rhodamine B... Nói chung, các loại phẩm màu tổng hợp hóa học thuộc diện cấm, có thể gây chứng chậm phát triển trí não, làm nghiêm trọng hơn chứng bệnh tăng hiếu động ở trẻ em hoặc biểu hiện bất thường về hành vi, một số loại có thể gây dị ứng. Nếu con người sử dụng thường xuyên, liều cao loại phẩm màu công nghiệp, lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, suy gan, suy thận, thậm chí là gây ung thư.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe, ông Đàm Hồng Hải khuyên, người tiêu dùng nên dùng các loại thực phẩm sử dụng phẩm màu có nguồn gốc tự nhiên. Nếu sản phẩm có sử dụng phẩm màu tổng hợp phải là loại trong danh mục Bộ Y tế cho phép (thường được nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì). Ngoài ra, bà con cũng nên "tẩy chay" đối với các thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, bóng bẩy, thực phẩm nguồn gốc chế biến không rõ ràng, nhãn mác không đăng ký chất lượng, không ghi tên loại phẩm màu sử dụng. Các cơ sở chế biến thực phẩm, nước giải khát, không mua chất tạo màu ngoài thị trường tự do, khi không nắm rõ chủng loại, nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG