Tác giả sách là Thạc sĩ Thái Ngọc Anh, người có thâm niên công tác lĩnh vực văn hóa ở TP Cần Thơ, hiện là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian TP Cần Thơ. Ông cũng tham gia nhiều công trình nghiên cứu như “Địa chí Cần Thơ”, “Cuộc đời, sự nghiệp soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền”, “Cuộc đời, sự nghiệp 5 văn nghệ sĩ Cần Thơ: Tám Danh, Bảy Nhiêu, Điêu Huyền, Quốc Thanh, Chí Sinh”, “Nhạc lễ Triều Châu ở Thiên Hòa Miếu TP Cần Thơ”, “Nghiên cứu, phục dựng Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer TP Cần Thơ”… Ông còn là tác giả quyển “Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Cần Thơ”. Chính kinh nghiệm, trải nghiệm và tâm huyết với văn hóa Cần Thơ đã tạo nên bề dày trong các bài biên khảo của tác giả Thái Ngọc Anh. Quyển “Biên khảo văn hóa dân gian Cần Thơ” là điển hình.
22 bài biên khảo trong sách chia làm 2 nhóm chủ đề chính là “Văn hóa vật chất” và “Văn hóa tinh thần”. Ở nhóm chủ đề “Văn hóa vật chất”, tác giả đưa người đọc vào một miền ký ức Cần Thơ với “Thương nhớ lúa mùa”, “100 năm đường sá & xe cộ Cần Thơ”, “Vườn cò Bằng Lăng”… hay là nghề gói bánh tét, làm bánh đa, dệt chiếu kinh E nức tiếng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Cần Thơ. Mỗi bài viết, tác giả kỳ công nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng, giá trị văn hóa… của từng loại hình di sản, qua đó đúc kết những kiến giải trong bảo tồn, phát huy. Ví như trong bài “Bánh đa Vĩnh Thạnh”, tác giả Thái Ngọc Anh đã kể về hành trình chiếc bánh có nguồn gốc từ miền Bắc xuôi về phương Nam, trụ vững ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, với những khảo tả về nguồn gốc, quy trình làm bánh, ăn bánh…
Còn ở mảng chủ đề “Văn hóa tinh thần”, tác giả mang đến những câu chuyện thú vị về chuyện dân gian Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chuyện cúng Tổ nghề hát Nam Bộ, trò chơi đánh đườn ở Vĩnh Thạnh hay là địa văn hóa và bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử… Một vùng đất Cần Thơ “địa linh sinh nhân kiệt” được tác giả kể sinh động. Đó là Vàm Xáng - Xà No, quê hương làm rạng danh những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Trương Duy Toản, Phan Văn Trị, Tám Danh, Điêu Huyền… Đó là quê hương Ô Môn, nơi hun đúc thiên tài âm nhạc Lưu Hữu Phước…
22 bài viết trong cuốn biên khảo này được tác giả tuyển chọn từ hàng trăm bài biên khảo về vùng đất, con người Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, đã đăng tải trên các báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo… Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc, Chủ nhiệm Khoa Xã hội Nhân văn và Truyền thông, Trường Đại học Tây Đô, cho rằng trên nền tảng triết học, sử học và văn hóa học, cộng với sự khảo sát tỉ mỉ, trải nghiệm thực tế, tác giả Thái Ngọc Anh đã nghiên cứu, bóc tách sâu sắc các hiện tượng văn hóa dân gian. Từ đó, cung cấp những thông tin, tư liệu giá trị, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa. “Tuy chưa phản ánh một cách đầy đủ và bao quát, song bấy nhiêu trong cuốn sách này cũng có thể khái quát phần nào về bức tranh văn hóa dân gian Cần Thơ thật sinh động, phong phú và độc đáo”, Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc chia sẻ.
ÐĂNG HUỲNH