22/11/2017 - 16:13

Pháp muốn lấy lại vị thế ở Trung Đông 

Từ làm trung gian trong cuộc khủng hoảng ở Lebanon cho đến bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Emmanuel Macron đang muốn lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại để tăng cường sức ảnh hưởng của Pháp tại Trung Đông.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri (trái) gặp Tổng thống Macron tại Điện Élysée hôm 18-11. Ảnh: AP

Ông Macron trở thành chủ nhân Điện Élysée hồi đầu tháng 5 với cam kết khôi phục vị thế Pháp trên trường quốc tế sau nhiều năm nước này không can dự nhiều, đặc biệt ở khu vực Trung Đông. Pháp từng có quyền ủy thác đối với Lebanon lẫn Syria trong nửa đầu thế kỷ 20, nhưng tầm ảnh hưởng này đã phai mờ trong những năm gần đây, theo sau cuộc suy thoái suy kinh tế ở quốc gia hình lục giác.

Tuy nhiên cuối tuần rồi, Tổng thống Macron đã đón tiếp và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tại Điện Élysée nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nổ ra từ quyết định từ chức gây sốc của vị thủ tướng vốn thân Saudi Arabia, nhưng đối nghịch với phong trào Hezbollah.

Tuyên bố từ chức hồi đầu tháng của ông Hariri được xem là bước leo thang nghiêm trọng trong cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực giữa Saudi Arabia và Iran, mà “nạn nhân” là Syria, Iraq, Yemen, Lebanon và Bahrain.

Theo hãng tin AFP, bằng cách mời Thủ tướng Hariri đến Thủ đô Paris, điện đàm với những nhà lãnh đạo Mỹ, Saudi Arabia, Israel và Ai Cập cũng như thông báo chuyến thăm Iran vào năm tới, Tổng thống Macron hy vọng sẽ tái lập vai trò chủ chốt của Pháp tại Trung Đông.

“Macron thuộc kiểu người cơ hội và ông đang lấp vào khoảng trống mà Mỹ và Anh để lại ở Trung Đông, củng cố vị thế quyết định của Pháp trong khu vực cùng với Nga”, Olivier Guitta - giám đốc công ty tư vấn rủi ro địa chính trị GlobalStrat - nhận định.

Sau chuyến thăm bất ngờ đến Saudi Arabia hôm 10-11, Tổng thống Macron cho rằng điều quan trọng là phải “trao đổi với mọi người”. Theo đó, Tổng thống trẻ nhất nước Pháp đã nhận được những lời khen ngợi với cách tiếp cận tất cả các bên, không như Tổng thống Mỹ Donald Trump - người lên tiếng ủng hộ vô điều kiện đồng minh Saudi Arabia trong cuộc đối đầu với “kẻ thù lâu năm” Iran.

Chính ông Macron cũng lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Tehran với các cường quốc hồi năm 2015– điều mà ông Trump hoài nghi.

Dự kiến vào đầu tháng 12 tới, Tổng thống Macron cũng sẽ đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Paris để thảo luận về “những ý tưởng giúp ổn định tình hình ở Lebanon”.

Thành công ở Lebanon được cho sẽ giúp ông Macron trở thành nhà hòa giải tài giỏi, 4 tháng sau khi ông thuyết phục các lãnh đạo đối nghịch ở Libya đồng ý về lệnh ngừng bắn trong cuộc hòa đàm diễn ra ở Paris.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết