02/07/2022 - 12:35

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - “Ngọn lửa luôn rừng rực” 

Nhà báo, nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh vừa ra mắt bạn đọc quyển “Giữ lửa” (tập 4, NXB Văn học ấn hành, quý II-2022). Tiếp nối 3 tập “Giữ lửa” đã ra mắt trước đó (2014, 2017, 2019), PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh mang đến cho người đọc những bài viết sắc sảo, thuyết phục, với sự tâm huyết, tình cảm của một nhà báo kỳ cựu.

Quyển “Giữ lửa” tập 4 rất dày dặn với 560 trang sách, được thiết kế trang nhã, ấn tượng. Như “Lời thưa” của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh ở đầu sách, đây là các bài chính luận, bút ký, ghi chép, bình thơ... được chọn lọc từ hàng trăm bài báo đã được đăng trên các báo ở Trung ương và địa phương, từ tháng 4-2019 đến nay. Về cấu trúc cuốn sách, để độc giả dễ tiếp cận, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã lồng ghép giữa các bài xã luận, bình luận với các bài bút ký, ghi chép và giới thiệu tác phẩm; bài ngắn xen giữa bài dài... Do vậy, các bài trong quyển sách này hầu như không theo trình tự thời gian.

Dù vậy, điều người đọc dễ dàng cảm nhận là các bài viết được xâu chuỗi chính bằng cảm xúc, sự tâm huyết và đam mê nghề nghiệp của tác giả. Mỗi bài viết, dù ngắn hay dài, đều thể hiện sự khúc chiết, mạch lạc, thuyết phục người đọc với giọng văn thấm đẫm nhân văn, cảm xúc. Dù viết về đề tài, thể loại gì, thì người đọc vẫn cảm nhận được nơi tác giả đằm sâu tình yêu đất nước, tự hào dân tộc, kiên trung trước lý tưởng của Đảng. Những bài viết “Mùa xuân và Đảng”, “Học tập phong cách viết báo của Bác Hồ”, “Ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc”, “Kiên cường Việt Nam!”, “Khát vọng Việt Nam”... đã minh chứng cho điều đó.

Trong “Giữ lửa” tập 4, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh có nhiều bài viết về nghề báo và người làm báo. Bên cạnh nhiều bài viết chia sẻ tình cảm, sự đồng điệu với các đồng nghiệp ở mọi miền đất nước, tác giả còn có nhiều bài nhận định sắc bén, mang tính học thuật cao về báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bài “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhà báo là chiến sĩ xung kích”, sau khi điểm qua những thực tiễn sinh động của chặng đường gần 1 thế kỷ báo chí cách mạng Việt Nam, ông viết: “Chúng ta càng thấm thía lời khẳng định của Bác Hồ: Báo chí là vũ khí sắc bén, nhà báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhiệm vụ “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, các nhà báo chúng ta chắc chắn sẽ “gặt hái” được nhiều thành tựu hơn nữa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân!”.

Hay nhân tọa đàm “Chuyện nghề - hai chữ Nhân Văn” trong khuôn khổ Hội Báo Xuân toàn quốc 2022 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh có bài “Vài cảm nhận từ một cuộc tọa đàm”. Tác giả điểm lại những tấm gương nhà báo giao lưu tại tọa đàm, như nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên - người góp công lớn trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung lặng thầm với công việc thiện nguyện suốt mấy mươi năm qua, nhà báo Hoàng Anh hết lòng giúp đỡ đồng bào trong đại dịch COVID-19... PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đúc kết: “Mỗi dòng chữ, mỗi đoạn phim cần làm sáng lên phẩm chất tốt đẹp của xã hội ta, của con người Việt Nam, thông minh, dũng cảm, sáng tạo, đang nuôi khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường. Theo tôi, đó chính là cốt lõi của hai chữ Nhân Văn, mà mỗi nhà báo cần tâm niệm!”.

Nói về PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nhà báo kỳ cựu Phan Quang đã dùng từ rất hay: Người giao hòa “lửa báo” với “hơi văn”. Quả vậy, ngoài là một nhà báo giỏi, giàu kinh nghiệm và thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh còn là một nhà thơ nổi tiếng, với những vần thơ thấm đẫm ân tình. Những câu thơ được ông viết từ trải nghiệm và tình yêu với quê hương, đất nước, sự trân trọng với những con người, cuộc đời đã chinh phục người đọc. Trong quyển sách này, một mảng đề tài cũng rất cuốn hút đó là chính là PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh viết về những vùng đất mà ông đã đến. Với sự cảm xúc và nhãn quan của một nhà báo, nhà thơ, những dòng văn lay động cứ tuôn trào. Một lần về với Cồn Sơn (Bình Thủy, Cần Thơ), tác giả đã bị cuốn hút bởi nét dân dã, thiệt thà của đất và người nơi đây và cảm tác bài bút ký “Sức hút Cồn Sơn”. Ông viết: “Vậy là trong dòng văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ, đã xuất hiện loại “văn hóa Cồn Sơn””.

Xin mượn đoạn kết “Lời giới thiệu” của nhà báo, nhà văn Phan Quang (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) viết cho “Giữ lửa” tập 4, để kết thúc bài viết này: “Đọc “Giữ lửa” tập I (2014), tôi mạo muội gọi tác giả Nguyễn Hồng Vinh là “Người giữ lửa”. Sang tập II (2017), tôi cảm nhận ông là “Ngọn lửa bền”. Đến tập III (2019) tôi tự tin khẳng định ông là “Ngọn lửa càng ấm nồng”. Lần này đọc xong tập IV, tôi vẫn muốn lặp lại suy nghĩ của mình và nhấn mạnh tại đề bài Đọc sách: “Ngọn lửa luôn rừng rực” - ngọn lửa trong tâm hồn nhà thơ, nhà báo lão thành, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (bút danh: Hồng Vinh, Duy Nguyễn, Song Nguyễn) quê quán: xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Ngoài 4 tập “Giữ lửa”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cũng đã ra mắt nhiều tác phẩm, như: “Đất nước qua những chặng đường làm báo”, “Thơ và dấu ấn cuộc đời”; các tập thơ: “Từ những nẻo đường”, “Thao thức dòng đời”, “Nhịp điệu thời gian”, “Miền Thương nhớ”, “Màu ký ức”, “Lãng quên thì thầm”, “Xanh  mãi”, “Thơ Nguyễn Hồng Vinh tuyển chọn”, “Tiếng quê”, “Chồi biếc”...

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết