04/06/2024 - 21:58

Pakistan nỗ lực hồi sinh CPEC 

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 4-6 bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Islamabad ngày càng dựa vào liên minh giữa nước này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gặp các  kỹ sư Trung Quốc tại dự án đập thủy điện Dasu thuộc tỉnh Khyber Pakhyunkhwa ngày 1-4.  Ảnh: Xinhua

Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, Thủ tướng Sharif sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Lý Cường. Ngoài thủ đô Bắc Kinh, ông Sharif cũng đến thăm thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Ðông), nơi được Trung Quốc coi là điển hình cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ kể từ những năm 1980.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Sharif diễn ra trong bối cảnh Pakistan tìm cách khôi phục nền kinh tế ảm đạm giữa lúc lạm phát tăng cao và khủng hoảng nợ chưa có lối ra. Theo giới phân tích, mục đích chính của ông Sharif trong chuyến thăm là tìm cách làm “hồi sinh” Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Dự án trị giá 62 tỉ USD này được Pakistan và Trung Quốc chính thức triển khai vào năm 2015, được chính phủ và giới phân tích ở cả 2 nước đánh giá là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” cho nền kinh tế Pakistan.

CPEC là thành phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng mạng lưới đường, cầu và cảng trải rộng trên gần 100 nước mà Bắc Kinh hy vọng sẽ tái tạo “Con đường Tơ lụa” - mạng lưới các tuyến đường thương mại cổ xưa nối châu Âu với châu Á. Song, giới phê bình cho rằng BRI là phương tiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và khiến các nước nghèo như Pakistan phải “gánh” thêm
nợ nần.

Tuy nhiên, sau gần một thập niên, tương lai của CPEC vẫn tồn tại nhiều nghi vấn trong bối cảnh Pakistan thường xuyên xảy ra các cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và an ninh. Trên thực tế, dự án này đang phải tạm ngừng.

Hiện chính quyền mới ở Pakistan đang ra sức giúp CPEC “hồi sinh”, gồm nỗ lực tăng cường an ninh xung quanh 2 thành phố Dasu và Chilas, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào công dân Trung Quốc khiến hoạt động đầu tư gặp nhiều rủi ro. Theo tờ Nikkei Asia, Chính phủ Pakistan đã cho lắp đặt camera giám sát, trạm kiểm soát, rào chắn ở cả Dasu và Chilas. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chuyển động của tất cả các phương tiện và du khách có thể được theo dõi để các tay súng không thể lẻn vào và tấn công người Trung Quốc ở những khu vực này” - một quan chức an ninh Pakistan giấu tên cho biết.

Lâu nay, công dân Trung Quốc là mục tiêu thường xuyên của các vụ tấn công tại Pakistan và Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Islamabad làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công dân và các khoản đầu tư của quốc gia Ðông Á, thậm chí yêu cầu Pakistan cho phép các nhà thầu an ninh tư nhân Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ nước này nhưng Islamabad từ chối. Hồi tháng 3 vừa qua, 5 kỹ sư Trung Quốc đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết gần dự án thủy điện Dasu. Pakistan đã phải trả tổng cộng 2,5 triệu USD tiền bồi thường cho gia đình các kỹ sư Trung Quốc và bắt giữ 11 phiến quân bị tình nghi trong vụ tấn công. Trước đó, 9 kỹ sư Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công tương tự hồi năm 2021 gần Dasu.

Năm 2015 khi CPEC được khởi xướng, Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện, cản trở sự phát triển công nghiệp của nước này. Islamabad khi đó đã sử dụng CPEC để phát triển một loạt dự án điện bất chấp cảnh báo về việc gánh thêm nợ. Trong khi đó, Gwadar được chọn làm nơi xây dựng cảng biển nước sâu, có thể biến thành phố này thành một trung tâm kinh tế nhộn nhịp.

Tuy nhiên, CPEC đã gặp khó trong việc mang lại lợi ích cho nền kinh tế Pakistan. Trong số 21 dự án điện thuộc CPEC, cho đến nay chỉ 14 dự án được hoàn thành với tổng công suất 8.500MW trong khi 2 dự án khác đang được xây dựng và 5 dự án khác vẫn chưa được khởi công. Tương tự, trong số 24 dự án liên quan đến giao thông, chỉ có 6 dự án đã hoàn thành và 13 dự án vẫn “bất động”. Theo kế hoạch năm 2015, CPEC sẽ tạo ra 9 Ðặc khu kinh tế (SEZ) nhưng đến nay vẫn chưa có SEZ nào được hoàn thành. Mặt khác, CPEC được ước tính sẽ tạo ra hơn 2 triệu việc làm cho người Pakistan nhưng đến nay chưa tới 250.000 việc làm được tạo ra. Trong khi đó, nợ của Pakistan tiếp tục gia tăng, hiện ở mức 124 tỉ USD, 30 tỉ USD trong số này là từ Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết