17/06/2024 - 20:36

Ong mật có thể “đánh hơi” bệnh ung thư phổi 

Thử nghiệm robot siêu nhỏ đưa thuốc hóa trị đến phổi

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư phổi và chiếm 80% trường hợp tử vong vì bệnh này. Việc phát hiện sớm bệnh có thể giúp bệnh nhân giảm 20% nguy cơ tử vong.

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công một phương pháp tầm soát ung thư phổi bằng cách sử dụng ong mật để nhận diện các hóa chất ung thư phổi từ hơi thở của bệnh nhân, với tỷ lệ chính xác 82%.

Đầu tiên, các chuyên gia tại Đại học Bang Michigan đã tạo ra một hỗn hợp mùi hơi thở có chứa 6 hợp chất hiện diện trong hơi thở của người bệnh và một hỗn hợp mùi hơi thở ở người khỏe mạnh. Sau đó, họ cho những con ong mật (vốn có khứu giác rất nhạy và từng được dùng để dò tìm mùi chất nổ) mang “áo giáp” được in 3D và gắn thêm một điện cực rất nhỏ vào não chúng để đo hoạt động. Kế đến, họ để ong mật tiếp xúc 2 mùi hơi thở nói trên và ghi lại các tín hiệu thần kinh từ não chúng.

Nhóm nghiên cứu phát hiện có sự thay đổi trong phản ứng kích thích thần kinh của ong mật đối với hơi thở của bệnh nhân ung thư. Chúng thậm chí có thể nhận ra các hợp chất gây ung thư với nồng độ thấp. Điều này chứng tỏ ong mật có thể phân biệt giữa hơi thở ung thư phổi và hơi thở khỏe mạnh. Các tác giả hy vọng nghiên cứu sẽ dẫn đến việc phát triển một cảm biến sinh học mới dựa trên não ong mật, có thể dùng để kiểm tra hơi thở của con người để phát hiện dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.

* Trong nỗ lực khác nhằm chữa trị ung thư phổi, các chuyên gia tại Đại học California, San Diego (Mỹ) đã phát triển những robot siêu nhỏ có khả năng mang thuốc hóa trị trực tiếp đến tế bào ung thư.

Cụ thể, các robot siêu nhỏ này mang theo các hạt nano chứa thuốc và được gắn trên bề mặt tế bào tảo xanh. Trong đó, các hạt nano được tạo thành từ những quả cầu polymer nhỏ có khả năng phân hủy sinh học. Chúng được nạp thuốc hóa trị doxorubicin, sau đó bao bọc bằng màng tế bào hồng cầu. Theo các nhà nghiên cứu, biện pháp “ngụy trang” bằng màng tế bào hồng cầu này giúp các hạt nano chứa thuốc tránh bị hệ miễn dịch phát hiện và loại bỏ. Còn tảo sẽ cho phép các hạt nano “bơi” bên trong phổi, tìm kiếm và cung cấp thuốc hóa trị đến khối u.

Kết quả thử nghiệm ban đầu trên chuột cho thấy, robot siêu nhỏ đã giúp kéo dài đáng kể thời gian sống sót của những con chuột mắc khối u ác tính đã di căn đến phổi. Cụ thể, nhóm chuột được điều trị với robot mang thuốc có thời gian sống sót trung bình là 37 ngày, dài hơn so với thời gian sống trung bình là 27 ngày của nhóm chuột không được điều trị.

HƯƠNG THẢO (Theo Fox News, UPI)

Chia sẻ bài viết