* Ký: VÂN LÂM
Nhiều ngày qua, nông dân ở vùng đất Thất Sơn (tỉnh An Giang) cũng như ở khu vực Tây Nam bộ hăm hở đón chờ sự hiện diện của máy sấy lúa chạy bằng điện với nhiều tính năng ưu việt. Chủ nhân của công trình khoa học này là ông Hà Văn Hiền (thường gọi là Hai Hiền), 53 tuổi, ở ấp Tây Thạnh, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, một nông dân chất phác chân lấm tay bùn, chưa từng được kinh qua trường lớp...
SÁNG CHẾ MIỆT VƯỜN
 |
Ông Hai Hiền và máy sấy lúa chạy bằng điện với nhiều tính năng ưu việt. |
Từ quốc lộ 91, men theo con đường nông thôn uốn lượn, gập ghềnh cả giờ , tôi mới tìm được nhà ông Hai Hiền. Căn nhà tường cấp 4, rộng hơn 150m2 thoi loi giữa cánh đồng lúa xanh rì. Trong nhà, các thiết bị điện, đồ nghề, máy móc bày biện khắp nơi. “Ở đây yên tĩnh, mình mới mày mò thành công chiếc máy đó chú em!”. Rồi ông Hiền bắt đầu kể về quá trình nghiên cứu công trình của mình. Là một nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng, hơn ai hết ông hiểu rõ nỗi cơ cực của nông dân, nhất là thu hoạch lúa vào mùa mưa, lũ. Cách đây vài năm, lúa nhà ông thu hoạch đầy sân nhưng do mưa kéo dài nhiều ngày không phơi được. Thấy bà con trong xóm chở lúa đi sấy, ông Hai Hiền cũng đi theo. Vào vụ đông ken, ghe chở lúa đậu nối đua nhau dài hàng trăm mét ở lò sấy chờ đợi, số khác thì tự vác lúa của mình, chất sẵn trước lò sấy xí phần. Chờ mấy ngày vẫn chưa tới lượt mình, ông Hai Hiền lo sốt vó. Khi đưa lên được lò sấy, lúa đã nẩy mầm, khi bán bị thương lái ép giá, ông Hai Hiền thiệt hại cả chục triệu đồng. Cám cảnh lúa tới sân mà còn bị thiệt hại, ông Hai Hiền ao ước có được máy sấy lúa với dây chuyền tự động hóa, năng suất cao, giúp nông dân giảm bớt khó nhọc, rủi ro, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Từ đó, ý tưởng chế tạo chiếc máy sấy lúa tiện ích đã manh nha trong suy nghĩ của ông Hai Hiền. “Nghĩ thế chớ hình hài, cấu tạo chiếc máy như thế nào, tui cũng chưa hình dung”- ông Hai Hiền nói.
Nhiều năm ấp ủ, khi 3 người con yên bề gia thất, cuộc sống gia đình ổn định, năm 2010, ông Hai Hiền bắt tay nghiên cứu, chế tạo máy sấy điện. Quanh năm chỉ biết ruộng đồng, đụng đến lĩnh vực cơ khí chế tạo, khoa học công nghệ, đối với ông Hai Hiền thiệt khó hơn “mò kim đáy biển”. Công việc đầu tiên của ông là tìm đến những lò sấy lúa sử dụng trấu để tìm hiểu. Hết rong ruổi ở An Giang, ông Hai Hiền lại lặn lội đến các tỉnh miền Tây để tham khảo, học tập kinh nghiệm. Tuy đánh giá cao lò sấy lúa sử dụng chất đốt bằng trấu, nhưng ông Hai Hiền vẫn không ưng ý, vì theo ông, nó có nhiều nhược điểm. “Lò sấy lúa sử dụng chất đốt bằng trấu muốn điều chỉnh nhiệt độ rất khó khăn. Hơn nữa công đoạn đưa lúa từ ghe lên lò và ngược lại vẫn còn thực hiện thủ công, phải giải quyết bài toán chất thải rắn là tro trấu,...”- ông Hiền phân tích.
Qua hơn 2 năm mày mò, nghiên cứu, cuối cùng ông Hai Hiền cũng thu được “quả ngọt”. Đầu tháng 3-2012, chiếc máy sấy lúa chạy bằng điện với dây chuyền tự động hóa được trình diễn, khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi. Nhưng ít ai biết rằng ông Hai Hiền đã trải qua biết bao gian truân, khó nhọc. Để có tiền mua trang thiết bị, các tài sản quý giá của gia đình ông lần lượt “đội nón” ra đi. Chỉ tay về hướng 4 miếng gang đặt ở xó bếp, ông Hiền nói: “Chỉ lớn hơn nắp lu chút xíu, chớ trị giá trên 30 triệu đồng. Đó là một trong những chi tiết quan trọng của máy sấy lúa, được tôi đúc lần đầu nhưng vận hành không ưng ý, đành phải bỏ”. Có lúc tưởng như công việc của ông đi vào ngõ cụt, vì các bộ phận cấu tạo của máy quá phức tạp. Hàng tháng trời mà chưa chế tạo xong 1 vỉ nhôm làm thiết bị tỏa nhiệt. Thấy Hai Hiền đóng cửa nghiên cứu khoa học, hàng xóm láng giềng lắc đầu ngao ngán: “Có ai như Hai Hiền, nông dân chưa học hết lớp 5 mà muốn làm kỹ sư, học đòi chế tạo máy móc này nọ”. Nhưng sau khi ông chế tạo thành công máy sấy lúa, nhiều người lại có cách nhìn nhận khác. Họ hiểu và cảm động không chỉ vì sự kiên trì, đam mê sáng tạo mà còn là bước đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Hai Hiền.
NHIỀU TÍNH NĂNG ƯU VIỆT
Nghe tin ông Hai Hiền chế tạo thành công máy sấy lúa chạy bằng điện với dây chuyền tự động hóa, nhiều nông dân, doanh nghiệp tìm đến đặt hàng. Là chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, từ lâu ông Nguyên Văn Hoàng, ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang mong muốn có một dây chuyền tự động hóa trong công đoạn sấy lúa. “Không phải mình thấy “trăng quên đèn”, thật sự, lò sấy lúa sử dụng chất đốt bằng trấu hiện nay, tuy cơ bản giải quyết được bài toán lúa ướt vào mùa mưa, lũ, hạn chế thất thoát, nhưng vẫn còn thủ công lắm! Ngoài nỗi lo vệ sinh môi trường, nhiệt độ sấy vẫn là bài toán khó, bởi chưa có bộ phận điều chỉnh nhiệt độ tự động. Hơn nữa, việc vận chuyển lúa lên xuống xe, chủ yếu phải nhờ đến nhân công. Do đó, máy sấy lúa với dây chuyền tự động, không chỉ nâng cao năng suất sấy lúa, mà còn đảm bảo chất lượng hạt gạo”.
Máy sấy lúa của ông Hai Hiền được cấu tạo chính bởi hệ thống cung cấp nhiệt bằng điện năng, quạt hút luân chuyển nhiệt, bộ phận điều chỉnh nhiệt tự động, băng tải hai chiều hút lúa từ ghe lên lò và chuyển lúa, sau khi sấy từ lò xuống ghe, bộ phận trở lúa... Công suất hoạt động trung bình của một lò sấy trên 50 tấn/ngày. Tổng giá trị lắp ráp cho máy sấy lúa trên 400 triệu đồng. “Lúa tới bến, chỉ cần đặt băng tải thì mọi công việc gần như hoàn tất. Các công đoạn như: chuyển lúa từ ghe lên lò, từ lò xuống ghe, điều chỉnh nhiệt độ... chỉ cần nhấn nút... là xong. Ông Hoàng cho biết thêm: “Với dây chuyền này, chỉ cần 1 người điều khiển là mọi việc khỏe re. Điều làm tôi hài lòng nhất, chính là hạn chế tình trạng hạt gạo bạc bụng, do nhiệt độ sấy ổn định, mà giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại nhập”. Thêm một ưu điểm nữa là, máy sấy lúa này còn sử dụng cho nhiều loại nông sản như bắp, khoai mì, ớt...
Tuổi ngoài 50, nhưng với lòng đam mê, ông Hai Hiền đã không quản ngại gian khó, nỗ lực chế tạo thành công máy sấy lúa chạy bằng điện năng với dây chuyền tự động. Sáng chế này đã góp phần quan trọng, từng bước cơ giới hóa nền nông nghiệp, giúp hạn chế thất thoát lúa sau thu hoạch, nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Không chỉ thế, sáng chế của ông Hai Hiền đã thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học trong xã hội, nhất là trong lực lượng nông dân ham học hỏi, khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương.