NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành bộ đôi tác phẩm rất đặc biệt, đó là 2 tập thơ: “Tâm sự người lính” và “Gửi tình thương nhớ”. Một tập thơ của người ông từng khoác áo lính thời chiến tranh; một tập thơ chất chứa những trải nghiệm rất đời của cháu nội sinh năm 1986. Hai ông cháu gặp nhau bằng tình yêu với những vần thơ.
Nguyễn Duy Tuấn bên tập thơ vừa ra mắt.
Người cháu là anh Nguyễn Duy Tuấn, giảng viên Trường Ðại học Nam Cần Thơ. Vốn quê Vĩnh Phúc, nhưng anh Tuấn theo gia đình vào Cà Mau sinh sống và học tập, rồi lập nghiệp ở Cần Thơ. Anh Duy Tuấn tâm đắc khi kể về tập thơ “Tâm sự người lính” của ông nội. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, anh Tuấn có về Vĩnh Phúc thăm ông bà. Dọn dẹp nhà để đón Tết, anh tình cờ phát hiện một tập thơ chép tay, bìa có ghi dòng chữ “Tâm sự người lính”. Anh lần giở từng trang và bị cuốn hút bởi những câu thơ rất đời, hiện thực và cảm xúc. Hỏi ra mới hay, đó là những bài thơ do ông nội anh - cụ Nguyễn Duy Chừ sáng tác hồi còn mặc áo lính thời chiến tranh. Anh nghĩ đến xuất bản tập thơ này, để như là một kỷ niệm của ông và kỷ vật của gia đình. Ngoài những bài thơ cụ Chừ viết thời chiến, còn có những bài thơ cụ viết sau này, dành tặng gia đình, con cháu cũng rất thú vị.
Với cụ Chừ, cụ chọn thơ làm bạn để khuây khỏa nỗi nhớ nhà thời chiến chinh và ghi lại những cảm xúc đời thường. Vậy nên trong “Ðề thơ” đầu tuyển tập, cụ khiêm tốn rằng:
“Vần thơ ta biết ghi chi
Thôi đành ghi lại những gì đã qua”
Thơ của cụ Nguyễn Duy Chừ ít rơi vào kể lể mà nhiều triết lý, mang hơi hướng cổ thi nên giúp người đọc chiêm nghiệm những điều rất hay. Năm 1964, cụ lên đường làm nghĩa vụ người trai, để lại vợ trẻ và con thơ. Trong bài “Nhìn lại quê hương” viết tại Việt Yên - Hà Bắc tháng 4-1964, cụ viết:
“Tiễn đưa không có một bước chân
Lệ vẫn tuôn rơi biết bao lần
Con khóc, phải chăng tình phụ tử?
Giọt lệ em rơi, nghĩa tào khang”
Ở tuổi gần 80, cụ Chừ nghĩ nhiều đến thế thái nhân tình, nghĩ về nhân sinh đã đi qua. Một thoáng ngắm ảnh cũ phai màu thời gian, cụ xúc cảm:
“Xuân đến rồi xuân lại trôi qua
Cái thọ thanh xuân lại nhận già
Mình ngồi trong ảnh xưa kia vậy
Ta vẫn là mình, sao khác xa?”
Với Duy Tuấn, chàng trai 34 tuổi chỉ dám tự nhận mình là người yêu thơ và chạm ngõ văn chương như một nét chấm phá thanh xuân. Thơ anh nhiều cung bậc cảm xúc, đượm nét trữ tình. Vậy nhưng phía sau những câu thơ ấy, người đọc mường tượng ra chân dung một chàng trai thích ngao du, lãng mạn. Anh nhìn cuộc đời bằng những lẽ thường rất “Tự nhiên”:
“Tự nhiên anh đến tìm em
Tự nhiên em lại say men tình đầu
Tự nhiên chẳng hiểu vì đâu
Tự nhiên ta thuộc về nhau lúc nào”
Và rồi qua những bôn ba thời tuổi trẻ, chàng giảng viên trẻ nghĩ đến sự tự tại, ung dung, không vướng bận những lẽ thường tình. Anh nghĩ đến “Kiếp lang thang” của đời mình:
“Lang thang cho hết tháng ngày
Cho mau qua hết men cay cuộc đời”
Duy Tuấn hiền hòa rằng, tập thơ đầu tay “Gửi tình thương nhớ” cũng là một hành trình thử sức, khám phá và trải nghiệm. Thơ anh có lẽ chưa thật xuất sắc, thủ pháp chưa thật nhuần nhuyễn nhưng chan hòa cảm xúc và tình yêu dành cho thơ.
Ðọc “Tâm sự người lính” của ông rồi “Gửi tình thương nhớ” của cháu, dường như có một sợi dây khắng khít nào đó phía sau những vần thơ. Một dấu ấn đẹp của hai ông cháu yêu thơ!
Bài, ảnh: DUY LỮ