07/06/2020 - 06:49

Ô nhiễm ánh sáng tăng nguy cơ ung thư vú 

Một nghiên cứu kéo dài 16 năm đã so sánh tỷ lệ ung thư vú ở gần 200.000 phụ nữ với hình ảnh chụp qua vệ tinh về mật độ ánh sáng ngoài trời quanh nơi họ sống. Kết quả, phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 10% nếu họ tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ngoài trời ở mức cao vào ban đêm.

Ảnh: AFP

Các nhà khoa học tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ chỉ đánh giá mối quan hệ giữa ô nhiễm ánh sáng với nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh, vì trước đây có rất ít nghiên cứu xem xét khía cạnh nhân khẩu học này. Hơn nữa, những nghiên cứu đó thường chỉ dựa vào dữ liệu chủ quan do người tham gia cung cấp, nên kết quả không nhất quán. “Chúng tôi sử dụng một biện pháp đánh giá khách quan hơn, đó là ước tính mức độ tiếp xúc ánh đèn ngoài trời vào ban đêm từ dữ liệu vệ tinh” – Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Rena Jones, công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế.

Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng ánh sáng nhân tạo có thể cản trở việc sản xuất melatonin, hoóc-môn ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư. Vì melatonin liên quan đến khả năng hồi phục cơ thể, các nhà khoa học tin rằng ánh sáng nhân tạo có lẽ đã làm gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, từ đó làm giảm lượng melatonin mà cơ thể tạo ra.

Nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ giữa tiếp xúc với ánh sáng đèn vào ban đêm và nguy cơ ung thư vú có thể khác nhau tùy thuộc một số yếu tố khác, như thói quen hút thuốc, uống rượu, thời gian ngủ, BMI và môi trường sống. Mặc dù có nhiều điều chúng ta không thể thay đổi, nhưng phụ nữ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giữ cân nặng khỏe mạnh, siêng vận động và uống ít rượu. 

HOÀNG ĐIỂU (Theo iNews, AFP)

Chia sẻ bài viết