28/10/2022 - 23:31

Ô Môn đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số 

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh mới, quận Ô Môn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin ở các ngành, lĩnh vực. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn quận.

Cửa hàng Bách Hóa Xanh gia tăng ứng dụng số trong các giao dịch với khách hàng.

Cửa hàng Bách Hóa Xanh gia tăng ứng dụng số trong các giao dịch với khách hàng.

Theo ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, năm 2022, quận đã triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn với công tác cải cách hành chính. Theo đó, quận đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các phường tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Đặc biệt, tại bộ phận một cửa ở UBND các phường, cán bộ công chức sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến như đăng ký khai tử, khai sinh, kết hôn, cấp giấy xác nhận khuyết tật… Qua đó, đã làm gia tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến trên địa bàn quận ngày càng gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, toàn quận đã có trên 3.990 hồ sơ, thủ tục hành chính được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Điểm đáng chú ý trong công tác chuyển đổi số ở lĩnh vực hành chính, đó là UBND quận đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015, giải quyết 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND quận và gắn kết với việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”... Từ đó, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và người dân trong các giao dịch hành chính, từng bước nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trên địa bàn quận.

Một trong những khâu quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi số của Ô Môn là hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp... từng bước thích nghi và gia tăng thực hiện các giao dịch thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh. Theo đó, quận đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các phường thực hiện thu phí, lệ phí và giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố; phân công công chức ở các phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đối soát việc thanh toán trực tuyến. Cùng với đó, các ngân hàng trên địa bàn quận đã và đang phối hợp với các phòng chuyên môn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh… từng bước ứng dụng số hóa vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Với sự chung tay, vào cuộc quyết liệt trong công tác đẩy mạnh ứng dụng số của các cấp chính quyền quận, đến nay Ô Môn đã có nhiều đơn vị kinh doanh như chuỗi các cửa hàng tiện ích Vinmart, Bách Hóa Xanh, Thế giới sữa… đã gia tăng ứng dụng số hóa vào hoạt động kinh doanh, từng bước hỗ trợ người dân  tiếp cận và thích nghi với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Mỹ Tú, Cửa hàng trưởng cửa hàng Thế giới sữa Ô Môn, phường Châu Văn Liêm, cho biết: Cửa hàng Thế giới sữa Ô Môn chuyên doanh các loại sữa bột, tã cùng các loại đồ dùng cho bé và đã trở thành thương hiệu quen thuộc đối với người dân ở quận Ô Môn. Hiện, cửa hàng Thế giới sữa đang ứng dụng số hóa ở nhiều khâu như sử dụng phần mềm quét mã vạch sản phẩm khi thanh toán; kết hợp ứng dụng phần mềm quản lý xuất và nhập hàng hóa. Không chỉ vậy, Thế giới sữa còn gia tăng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điển hình như liên kết với các ngân hàng, trang bị mã QR tại quầy giao dịch nhằm hỗ trợ khách hàng thanh toán hóa đơn qua app của ngân hàng. Ngoài hình thức thanh toán này, Thế giới sữa còn hỗ trợ khách hàng trả tiền bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Theo chị Mỹ Tú, hiện tỷ lệ khách hàng thực hiện thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt tại cửa hàng gia tăng đáng kể so với trước đây, ước tính mỗi tháng có trên 100 lượt khách hàng trả tiền mua hàng bằng hình thức thanh toán trực tuyến.  

Với sự trợ giúp của ngành chức năng quận Ô Môn, hiện cửa hàng Quốc Nhi, chuyên doanh mặt hàng trà và cà phê ở phường Châu Văn Liêm đã đưa vào ứng dụng phần mềm tính tiền bằng mã vạch và quản lý việc xuất, nhập hàng hóa bằng phần mềm. Chị Lương Thị Thu Thảo, Chủ cửa hàng Quốc Nhi, cho biết: Cửa hàng Quốc Nhi chuyên mua bán cà phê và trà, với thâm niên trên 25 năm và gần như đã quen với cách mua bán, quản lý hàng hóa theo kiểu truyền thống. Nhưng từ khi được ngành chức năng quận Ô Môn vận động và hướng dẫn cửa hàng sử dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý và bán hàng đã giúp cửa hàng thanh toán tiền hay kiểm soát số lượng hàng hóa thu vào và bán ra dễ dàng. Ngoài ra, cửa hàng Quốc Nhi còn được ngân hàng cung cấp mã QR, hỗ trợ thanh toán hóa đơn bằng app ngân hàng và hướng tới cửa hàng sẽ áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt này.

Để làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống người dân cũng như tạo sự chuyển biến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh số hóa, ông Lê Việt Sĩ, cho biết: Hướng tới, quận Ô Môn tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, gắn với chương trình cải cách hành chính của quận. Theo đó, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp, quận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính hằng năm tại các cơ quan, đơn vị; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép công tác chuyển đổi số vào các phong trào thi đua cải cách hành chính trên địa bàn quận, từ đó, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường số, mà còn giúp cho việc chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo được thuận lợi hơn. Cùng với đó, để gia tăng tính minh mạch trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, quận tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đồng bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, quận còn huy động nguồn lực ưu tiên triển khai chuyển đổi số trong một ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp… Qua đó, từng bước đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh  số hóa.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết