28/12/2020 - 08:11

Nuôi trùn quế công nghệ cao 

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (Trường ÐH An Giang) và có việc làm với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng ở TP Hồ Chí Minh nhưng anh Nguyễn Công Vinh (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn quyết tâm về miền Tây khởi nghiệp. Ý chí cùng với những tính toán khoa học đã giúp anh thành công với mô hình nuôi trùn quế công nghệ cao.

Phân trùn ép viên.

Bỏ phố về đồng

Anh Vinh kể, là dân miền Tây nên trong quá trình làm việc, anh luôn suy nghĩ tìm hướng trở về đồng bằng lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu, anh thấy nghề nuôi trùn quế đã có từ nhiều năm nay nhưng đại đa số người nuôi đều thất bại hoặc không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nguyên nhân chính là do phân trùn kém chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của người mua, trại nuôi không liên kết bao tiêu dẫn đến đầu ra gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trùn quế là vật nuôi cải tạo môi trường tốt, nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu. “Ðể khắc phục vấn đề này, tôi cùng bạn bè nghiên cứu kỹ lưỡng, lập dự án nuôi trùn quế sạch, áp dụng công nghệ cao và liên kết để có hướng bao tiêu đầu ra mới tiến hành triển khai” - anh Vinh nói.

Theo phân tích của anh Vinh, trước đây khi nuôi trùn quế, bà con thường cho ăn chất thải hữu cơ như phân bò, một vài trại có kết hợp men vi sinh nhưng trong 3 tuần nuôi chỉ đạt khoảng 1kg/m2 trùn thương phẩm. “Tôi không chỉ sử dụng phân bò mà có cả phế phẩm thực vật như rau quả giập hư, phân động vật, phế phẩm sau biogas… qua xử lý bằng công nghệ lignin sẽ thu được đạm thực vật và lấy đạm này nuôi trùn quế” - anh Vinh cho biết. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, anh Vinh còn sử dụng thêm men vi sinh nhập khẩu từ Israel cộng với mật mía đường ủ trong hơn 3 tuần. Ăn sản phẩm này sẽ giúp trùn khỏe mạnh. Với công nghệ chăn nuôi của anh Vinh, hiệu suất trùn sinh khối đạt đến 2kg/m2, gấp 2 lần phương pháp nuôi thông thường. Chỉ tính riêng trang trại ở Tiền Giang với 3.000m2 nuôi đã cho gần 6 tấn trùn thương phẩm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng loại men này giúp phân trùn quế có chứa các chất đa trung vi lượng, axit amin, đặc biệt là hệ vi sinh vật qua ruột trùn giúp cải tạo đất rất tốt; phân trùn quế không chứa hàm lượng kim loại nặng cao như phân gà nên phù hợp cho nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Từ khi triển khai nuôi trùn quế theo công nghệ cao này thành công, sản phẩm từ trang trại của anh Vinh được rất nhiều bà con nông dân đến đặt mua, hàng sản xuất ra không đủ bán. Ðể đáp ứng nhu cầu, anh Vinh đã liên kết với hơn 200 hộ nông dân nuôi trùn quế ở các tỉnh, thành miền Tây, đồng thời mở thêm chi nhánh ở Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre với quy mô hàng chục héc-ta mỗi trang trại.

Xây dựng mô hình khép kín

Với quyết tâm làm nông nghiệp sạch, anh Vinh đang xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch dựa trên những thành quả đạt được từ nuôi trùn quế. Trước mắt, vườn dừa 2ha và vườn rau được anh Vinh bón bằng phân trùn nên không tốn chi phí; dưới mương anh thả nuôi cá tai tượng, cá điêu hồng, lấy trùn thịt làm thức ăn cho cá. Vừa qua, anh xuất bán trên 3 tấn cá tai tượng với giá bán 86.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thương lái mua cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Anh Vinh nói: “Mình lấy chất thải hữu cơ nuôi trùn quế, rồi lấy trùn bán, nuôi cá, nuôi gà, vịt. Phân trùn bán thương phẩm, trồng cây, chất thải trong các hoạt động đó lại tiếp tục nuôi trùn, không có thứ gì bỏ ra khỏi vòng khép kín này”.

Chia sẻ về bí quyết thành công của mô hình, anh Vinh cho biết, điều quan trọng nhất là phải hướng dẫn bà con chăn nuôi một cách khoa học để có sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian đầu, anh làm hết cho bà con thấy, học theo. Giá cả, con giống anh cũng bán rẻ hơn để bà con dễ tiếp cận. Cái gì bà con tự làm được thì anh chỉ hết, không giấu nghề. “Bà con trong chuỗi liên kết thành công là tôi thành công. Do đó, tôi chỉ có mong ước làm sao tất cả bà con đã liên kết đều sống khỏe với nghề nuôi trùn quế. Vì chỉ cần 100m2 mỗi tháng, bà con có hơn 100kg trùn sinh khối và thịt, vài tấn phân trùn thì thu nhập đã lên đến chục triệu đồng. Hoặc bà con lấy nuôi gà vịt, trồng cây trái cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao” - anh Vinh chia sẻ.

Hiện mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán trên 300 tấn phân trùn quế với giá từ 3.000-4.500 đồng/kg, trên 50 tấn trùn sinh khối với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, 6 tấn trùn thịt với giá bán từ 50.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời trên 500 triệu đồng.

Bài, ảnh: BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết