24/02/2020 - 10:58

Nuôi dưỡng, khai thác hiệu quả thuế công thương nghiệp- ngoài quốc doanh 

Thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh (CTN - NQD) là một trong những nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn và mang tính bền vững. Nhưng đây cũng là sắc thuế khó thu và khó hoàn thành. Xác định được điều đó, ngay từ đầu năm ngành thuế TP Cần Thơ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả nguồn thu này.

Nhiều khó khăn!

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Phong Điền kiểm tra thuế tại một doanh nghiệp trên địa bàn. 

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 8.221 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 17.210 hộ sản xuất kinh doanh do ngành thuế quản lý. Năm 2020, dự toán thu ngân sách nhà nước đối với nguồn thu CTN - NQD là 2.435 tỉ đồng, tăng khoảng 20% so dự toán năm 2019, chiếm gần 22% tổng dự toán thu ngân sách Bộ Tài chính giao. Trong đó, thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 2.211 tỉ đồng, giảm 56 tỉ đồng so thực hiện năm 2019 (do năm 2019 thu vãng lai 276,5 tỉ đồng, năm 2020 không phát sinh nguồn thu này); thu từ hộ kinh doanh là 224 tỉ đồng, tăng 31 tỉ đồng so thực hiện năm 2019.

Năm 2019, nguồn CTN - NQD có chuyển biến tích cực khi đến cuối tháng 10, ngành thuế thành phố đạt 105,8% dự toán Bộ Tài chính giao. Đến cuối năm 2019 thu đạt 123% dự toán Bộ Tài chính và tăng trên 17,6% so cùng kỳ. Tiếp nối kết quả trên, trong tháng 1 vừa qua, ngành thuế thành phố thực hiện thu thuế CTN- NQD được 266 tỉ đồng, đạt 10,9% dự toán Bộ Tài chính và HĐND TP giao. Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời cũng khẳng định công tác quản lý thu thuế ngoài quốc doanh của ngành thuế thành phố ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, theo nhận định của ngành thuế thành phố, công tác quản lý thu đối với nguồn thu CTN - NQD gặp không ít khó khăn. Cụ thể, một số doanh nghiệp xây dựng, lương thực, thủy sản khác gặp khó khăn trong việc bán hàng, xuất khẩu, còn hàng tồn kho nhiều dẫn đến không phát sinh số thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình hình biến động doanh nghiệp ngưng nghỉ, không phát sinh doanh thu, doanh nghiệp báo cáo lỗ, dịch, bệnh... ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách; sự phân chia thị trường cũng dẫn đến số thuế nộp tại Cục Thuế thành phố giảm…

Đối với nguồn thu từ hộ sản xuất kinh doanh cá thể, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ninh Kiều, cho biết: Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn quận có khoảng 8.952 hộ kinh doanh cá thể đang quản lý, trong khi số lượng cán bộ quản lý thuế tại phường ít, bình quân 1 cán bộ quản lý 236 hộ. Do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, nhiều hộ không chấp hành quy định về kê khai, tính, nộp thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp ra kinh doanh mới nhưng không đăng ký kê khai thuế; trốn tránh không lên làm việc khi được cơ quan thuế mời… gây thất thu ngân sách.

Tăng cường quản lý

Nguồn thu CTN-NQD là nguồn thu trọng điểm, đánh giá sự tăng trưởng, phát triển của địa phương và đảm bảo tình hình cân đối thu chi cho ngân sách địa phương. Vì vậy, khi nguồn thu này tăng trưởng tốt thì “sức khỏe” về tài chính của địa phương đó tốt, tức là doanh nghiệp làm ăn có lãi và nộp vào ngân sách nhà nước và ngược lại. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, ngành thuế thành phố tăng cường hơn nữa, áp dụng tất cả các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán được giao.

Ông Nguyễn Công Bình cho biết thêm: Chi cục xác định công tác kê khai và kế toán thuế là nội dung quan trọng trong quản lý thuế cần tăng cường. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào để xác định, theo dõi và phục vụ công tác thu ngân sách chặt chẽ, đúng đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan rà soát, nắm chính xác số hộ thực tế kinh doanh trên địa bàn và quy mô kinh doanh, đưa hết các hộ đang kinh doanh vào quản lý…

Để chống thất thu ngân sách, theo ông Huỳnh Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thủy, Chi cục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, chống thất thu. Trong đó tập trung kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, doanh nghiệp báo lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá… Bên cạnh đó, tập trung quyết liệt quản lý và cưỡng chế nợ thuế đúng quy định; phân tích nợ đọng để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả đối với từng khoản nợ.

Đề cập đến giải pháp thu thuế CTN-NQD, ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Trên cơ sở dự toán được giao, Cục Thuế yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế kịp thời trước ngày 20 hằng tháng, nếu để qua ngày 21 sẽ tăng phát sinh nợ mới. Mặt khác, tăng cường quản lý rủi ro theo lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao: hoàn thuế giá trị gia tăng, quản lý hóa đơn, thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn… góp phần tăng thu cho ngân sách. Thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ người nộp thuế, phân loại giám sát chặt các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế… Để nuôi dưỡng nguồn thu, cùng với công tác tuyên truyền, hỗ trợ, ngành thuế đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, giúp người nộp thuế tự giác thực hiện chính sách thuế. Mặt khác, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khách quan cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất và hoàn thành tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước... 

Bài, ảnh: T. TRINH

 

 

Chia sẻ bài viết