Sau khi "vượt cạn mồ côi một mình", được ôm đứa con bé nhỏ vào lòng, ngắm nhìn con miệt mài bú mẹ là niềm hạnh phúc của những người mẹ. Hầu hết người mẹ nào cũng muốn truyền hết tình mẫu tử thiêng liêng qua dòng sữa ngọt ngào, để con từng giây phút lớn lên, cứng cáp trong vòng tay yêu thương...
Vừa ngắm con gái nhỏ 3 ngày tuổi bú mẹ say sưa, chị Trần Nguyễn Thảo Nguyên (28 tuổi, ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vừa chia sẻ niềm vui với chúng tôi: "Bé nặng 3,6kg, là con thứ hai của tôi. Khi vừa sinh xong, các bác sĩ đã cho bé nằm cạnh tôi. Thấy con, tôi cảm thấy tan biến hết mọi đau đớn, mệt nhọc. Ngay khi đó, tôi cho con bú liền những giọt sữa đầu tiên giàu chất dinh dưỡng". Người thân của chị Nguyên cũng cho chị ăn các món ăn bồi bổ, lợi sữa và uống nhiều nước để mau tiết sữa. Nhờ vậy, chỉ trong buổi chiều cùng ngày sau khi sinh em bé, chị đã tiết ra nhiều sữa, đáp ứng được nhu cầu của bé. Chị Nguyên chia sẻ thêm: "Trước đây, con gái đầu lòng của tôi cũng được bú mẹ hoàn toàn đến 2 tuổi. Hết thời gian hậu sản, đi làm trở lại, tôi vẫn duy trì cho con bú, bằng cách vắt sữa để ở nhà cho người thân giúp bé bú. Nhờ bú sữa mẹ, bé khỏe mạnh, ít bệnh và ngày càng lanh lợi, ngoan ngoãn. Những lúc cho con bú, tôi cảm nhận được sự quấn quít của con, nên tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn".
Theo bác sĩ Phạm Thị Linh, Trưởng Khoa Hậu sản, BV Phụ sản TP Cần Thơ, sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ từ khi mới chào đời. Sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng với nồng độ cần thiết cho trẻ, giúp trẻ tiêu hóa tốt. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ được nuôi bằng sữa mẹ phát triển tốt hơn, giúp trẻ ít tăng cân quá mức cần thiết, giảm nguy cơ béo phì sau này. Đối với trẻ sinh thiếu tháng, bé nào được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn, thông minh hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Trong khi đó, tất cả các loại sữa bột đều có thể gây dị ứng cho trẻ đủ tháng, nhẹ cân, sinh thường hoặc sinh mổ. Nuôi con bằng sữa mẹ còn đem lại lợi ích cho mẹ, giúp mẹ mau hồi phục vóc dáng, tử cung dễ co lại đúng kích thước và giảm chảy máu sau sanh. Cho con bú sữa mẹ còn có tác dụng trì hoãn thời điểm rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt (tuy nhiên, người mẹ cũng cần trao đổi với bác sĩ về cách ngừa thai). Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương khi đến thời kỳ mãn kinh.
 |
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. |
Có thể thấy, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc do không phải tốn tiền mua sữa, không tốn thời gian pha sữa cho con. Người mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào trẻ đói, thỏa mãn được nhu cầu của trẻ. Thời gian cho con bú chính là lúc mẹ và con được nghỉ ngơi, giải trí. Hơn nữa, sự tiếp xúc giữa 2 cơ thể khi người mẹ ẵm con cho bú, giúp trẻ tự tin, có cảm giác an toàn, ấm áp hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ còn đem lại lợi ích cho xã hội. Kinh phí cho y tế của một đất nước mà trẻ được bú mẹ hoàn toàn thấp hơn những nước mà trẻ không được bú mẹ hoàn toàn vì phải tốn chi phí cho bệnh tật, thuốc men và BV. Bên cạnh đó, việc cho con bú sữa mẹ cũng góp phần bảo vệ môi trường sống vì như thế sẽ có ít chai sữa và các vật dụng liên quan đến việc cho con bú ngoài thải ra môi trường hơn.
Hiện nay BV Phụ sản TP Cần Thơ áp dụng chương trình "Da kề da" cho tất cả sản phụ sau sinh. Theo đó, sau khi mẹ sinh thường cũng như sinh mổ, mẹ và bé được nằm bên nhau trên bàn sinh cũng như bàn mổ. Sau đó trẻ được bú mẹ tại thời điểm đó, được bú những giọt sữa non giàu hàm lượng dinh dưỡng, có tác dụng như thuốc kháng sinh, được coi như một loại vắc xin tự nhiên tuyệt đối an toàn. Sau khi trẻ bú với phản xạ nút vú thì lượng sữa sẽ được tiết ra một cách liên tục nhiều nhất là sau sinh 2 ngày, cùng lúc sản phụ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thì nguồn sữa sẽ được duy trì. Sản phụ không cần làm gì trên bầu vú vừa không có tác dụng vừa mất vệ sinh đôi khi gây nhiễm trùng cho mẹ và bé.
Một số bà mẹ vừa đi làm, vừa nuôi con nhỏ, nên đôi khi áp lực công việc ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Bác sĩ Phạm Thị Linh khuyến cáo: "Các bà mẹ nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, không cho trẻ bú được thì nên vắt sữa ra bỏ hoặc bảo quản đúng cách để trẻ sử dụng". Vệ sinh dụng cụ vắt sữa là khâu rất quan trọng, nước phải đủ sôi đảm bảo diệt chết vi khuẩn. Sau khi vắt nên để sữa vào tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày. Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng mở cửa tủ). Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác. Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½- 1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài. Tuy nhiên, không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể. Trẻ được khuyến cáo bú mẹ hoàn toàn kéo dài trên 24 tháng, càng lâu càng tốt.
Trường hợp trẻ không được bú sữa mẹ: Khi mẹ bị áp xe vú, khi mẹ mang thai 4 5 tháng hay mẹ mắc các bệnh kinh niên như lao phổi (đặc biệt trong thời gian bộc phát), suy tim nặng, thiếu máu nặng, AIDS
Bài, ảnh: THU SƯƠNG