Sở hữu trang trại nuôi chim chào mào đột biến được xem là đầu tiên và quy mô lớn bậc nhất miền Tây, chàng trai Trần Hữu Vinh (30 tuổi, ngụ xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có doanh thu mỗi năm hơn 3 tỉ đồng.
Anh Vinh một người trẻ tiên phong nuôi chim chào mào đột biến quy mô lớn ở miền Tây.
Trại nuôi chim chào mào đột biến của anh Vinh được đầu tư bài bản, theo đánh giá của giới chơi chim cảnh, đây là một trong những trại đầu tiên và quy mô thuộc hàng lớn nhất miền Tây với diện tích hơn 1.500m2. Dẫn chúng tôi tham quan trại nuôi chim, anh không ngừng nói về vẻ đẹp của chim chào mào đột biến từ màu lông, tiếng hót… với niềm say mê bất tận. Các giống chim trong trang trại đều thuộc loại quý hiếm, có giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi con, khiến giới chơi chim kiểng mê mẩn.
Anh Vinh vốn là cử nhân ngành xây dựng, có công việc ổn định, với mức lương khá cao khi làm kỹ sư công trình xây ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc, tìm hiểu về phong trào chơi chim cảnh, nhận thấy việc nuôi chim không chỉ thỏa mãn đam mê, còn có thể đưa lại thu nhập cao nên anh quyết định gác bằng đại học, trở về quê khởi nghiệp, lập trại chim từ năm 2019. "Nuôi chim chào mào đột biến lợi cả đôi đường từ thỏa đam mê đến phát triển kinh tế, tự làm chủ nên tôi quyết định nghỉ việc rời phố thị về quê khởi nghiệp với nghề này. Nhận thấy thị trường chơi chim cảnh rất chuộng từ màu lông, tiếng hót, đây là loài rất quý hiếm, ngoài tự nhiên rất khó tìm thấy", anh Vinh kể.
Với số vốn hơn 600 triệu đồng tích góp được sau thời gian dành dụm, anh Vinh mua 20 con chim giống về nuôi, nhân đàn. Giống chim anh chọn là chào mào đột biến, chủ yếu chim có lông màu trắng hoặc vàng nhạt, đẹp mắt, có giá trị cao. Sau 3 năm săn lùng và lai tạo, nhờ chịu khó tự học hỏi kinh nghiệm anh đã đi sưu tầm và nhân giống. Hiện anh sở hữu hàng trăm chú chim chào mào đột biến quý hiếm thuộc nhiều loài khác nhau như chào mào bạch tạng, xám trắng, xám nhạt, chào mào Indo, Indo lai bạch tạng… Tất cả đều thuộc hàng cực quý hiếm. Tổng giá trị trại chim chào mào đột biến của anh được định giá hơn 7 tỉ đồng.
Nhiều loại chim chào mào đột biến được anh Vinh sưu tầm, nhân giống.
Theo anh Vinh, giới chơi chim kiểng say đắm chim chào mào đột biến vì có hình thể đẹp, màu lông lạ, giọng hót hay. Để đánh giá chim chào mào chủ yếu dựa vào sắc đột biến, dáng bộ, đấu hót… nhưng quan trọng nhất nằm ở sắc lông. Bởi màu lông càng đẹp, càng lạ, hiếm giá trị chim càng cao. Về chuồng trại nuôi chim, anh Vinh chia thành 2 dạng chuồng nuôi bằng lưới thép và gạch để nuôi chim trưởng thành và sinh sản. "Chuồng làm từ lưới thép dùng nuôi chim trưởng thành hoặc nuôi mật độ nhiều. Chuồng được đặt ở nơi thoáng mát, đủ sáng, trong chuồng đặt khay thức ăn, chậu nước cho chim tắm và những sào ngang dọc cho chim đậu. Loại chuồng gạch, xây thành các ô diện tích 3m2 cao 4m dùng để nuôi chim sinh sản, bố trí cả tổ chim làm sẵn và có camera theo dõi quá trình sinh sản", anh Vinh cho biết.
Hiện trại anh Vinh có gần 120 cặp chim chào mào đột biến bố mẹ đang sinh sản. Chim chào mào đột biến nuôi từ 8-10 tháng bắt đầu sinh sản. Mỗi năm, cặp chim đẻ từ 5-10 lứa, mỗi lứa đẻ từ 2-3 trứng. Anh Vinh tiết lộ khâu quan trọng nhất trong nuôi chim chào mào đột biến là phải theo dõi chim sinh sản để chăm sóc con non. Chim chỉ ăn sâu, cám nhưng do đều là loại thức ăn chất lượng cao nên giá cũng rất cao. Mỗi năm anh Vinh phải chi khoảng nửa tỉ đồng tiền chi phí cho chim ăn. Hiện giá chim chào mào đột biến tại trại dao động từ 15-200 triệu đồng/con. Từ việc bán chim giống, chim con, anh Vinh có doanh thu trên 3 tỉ đồng/năm. Sắp tới anh Vinh tiếp tục mở rộng quy mô, liên kết mở các trại nhỏ khắp cả nước để cung cấp chim chào mào đột biến chất lượng.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH