15/01/2008 - 22:47

Nước sạch cho người dân ngoại thành: Ai lo?

Tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều kinh rạch khô cạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sử dụng của người dân. Những năm gần đây, nước sạch cho người dân ngoại thành luôn là một trong những vấn đề bức xúc mà nhiều bà con cử tri nêu ra tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư của các ngành chức năng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Phường cũng thiếu nước sạch!

Chúng tôi cùng anh Hồ Lý Trung, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi của phường Long Tuyền, đến rạch Ngã Bát, ở khu vực Bình Thường B. Rạch Ngã Bát dù được nạo vét chưa đầy 4 năm, nhưng vào mùa này nước cạn kiệt, đổi màu đục ngầu. Tất nhiên, việc sử dụng nước sạch của bà con hai bên con rạch này cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Lâm Việt Hùng, một người dân cố cựu ở đây, cho biết: “Trước đây, rạch Ngã Bát trong trẻo quanh năm, việc sử dụng nước sạch của bà con không có vấn đề gì đáng lo ngại. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều ao nuôi cá trê vàng lai khiến nước đổi màu, lòng rạch thì cạn dần. Trong khi đó, do ở đây chưa có nước máy hay nước từ các trạm cung cấp nước nên mỗi khi nước lớn, người dân vẫn phải múc nước, lóng phèn sử dụng”.

Dù nhà cách đường ống dẫn nước của Công ty Cấp nước TP Cần Thơ chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng nhiều người dân phường An Khánh (quận Ninh Kiều) hàng ngày phải đi chở nước về xài. Ảnh: THANH NHỊ

Nguồn nước sông bị ô nhiễm, một số người dân trong rạch tự thuê tư nhân khoan giếng nước bơm tay để sử dụng. Nhưng do độ phèn ở đây cao, nhiều hộ khoan gần cả trăm mét nhưng chất lượng nước cũng không đảm bảo để sử dụng. Ông Nguyễn Văn Út, một người dân ở tổ 7, khu vực Bình Thường B, nói: “Tiếng là dân đô thị như ai, mà người dân ở đây quá thiệt thòi về nước sạch. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay vẫn “khát” nước sạch”. Ông Nguyễn Văn Đức, nhân viên quản lý trạm cấp nước tổ 6, khu vực Bình Thường B, cho biết: “Trạm nước mà tôi quản lý, ban đầu chỉ đầu tư đường ống khoảng cho 60 hộ dân trong tổ sử dụng. Hiện nay, do nguồn nước sông bị ô nhiễm nên hàng trăm hộ khác cũng mong muốn vô nước để sử dụng nhưng mạng lưới cấp nước của trạm này không thể đáp ứng”. Còn anh Hồ Lý Trung khẳng định: “Trên địa bàn phường vẫn còn nhiều khu vực mà người dân “khát nước” sạch như ở rạch Ngã Bát”.

Sử dụng nước sạch kiểu này chưa chắc đã sạch! Ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Theo thống kê, toàn phường Long Tuyền có 8 trạm cấp nước mini, 320 giếng bơm tay. Riêng nước máy, toàn phường chỉ có được một tuyến duy nhất cặp theo Hương lộ 28 về đến trung tâm phường. Tuy nhiên, do đường ống nhỏ, lại dẫn nước từ phường Bình Thủy vào, nên áp lực nước rất yếu. Trong khi đó, rất nhiều giếng nước bơm tay do UNICEF tài trợ những năm trước, nay không còn sử dụng được do hư hỏng, hoặc do nhiễm phèn,... Do đó, đến nay toàn phường chỉ có 75% hộ sử dụng nước sạch, kể cả các hộ sử dụng nước sạch bằng cách tự lắng lọc qua các thiết bị tự có. Đã gần 4 năm trở thành phường, nhưng người dân Long Tuyền gần như chưa được hưởng lợi từ những chương trình nước sạch của thành phố, thậm chí còn kém hơn trước khi trở thành phường. Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND phường Long Tuyền, nói: “Nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con trong phường là cấp thiết, trong khi đó từ khi trở thành phường đến nay đã gần 4 năm, công tác đầu tư hệ thống cấp nước trên địa bàn chưa được mở rộng”.

Phường Long Hòa gần với trung tâm quận hơn nên toàn phường có trên 9.000 m đường ống cấp nước do Xí nghiệp Cấp nước Bình Thủy quản lý, 8 trạm cấp nước mini và 700 giếng bơm tay do UNICEF tài trợ. Tuy vậy, toàn phường cũng chỉ có khoảng 60% hộ dân sử dụng nước sạch theo chuẩn của ngành y tế. Bà Lê Minh Xuyến, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND phường Long Hòa, cho biết: “Nếu tính cả các hộ sử dụng nước sạch thông qua các hình thức lắng lọc thì toàn phường có 96% hộ dân sử dụng nước đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, với tình trạng nguồn nước kinh rạch ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay thì nhu cầu sử dụng nguồn nước máy của người dân là rất lớn. Chúng tôi nhiều lần đề nghị nhưng, ngành chức năng vẫn chưa đáp ứng”. Do thiếu nguồn cung cấp nước nên nhiều trạm cung cấp nước ở Long Hòa trở nên quá tải, từ đó chất lượng nước không đảm bảo. Nhiều trạm quy mô thiết kế chỉ 150 đến 200 hộ, nhưng hiện tại có tới 300, 400 hộ sử dụng.

Hơn 200 hộ dân ở rạch Bông Giang dưới, thuộc ấp Phụng Thạnh 1, xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt, gần cả chục năm nay thiếu nước sạch sử dụng do con rạch trước nhà bị ô nhiễm nạng, vì gần bãi rác. Chị Nguyễn Thị Thu, một người dân nơi đây, cho biết: “Sáu, bảy năm nay người dân ở rạch này chịu cảnh thiếu nước sạch để xài do nguồn nước của rạch Bông Giang dưới bị ô nhiễm quá nặng. Những người có tiền thì khoan cây nước, còn những hộ nghèo như gia đình tôi phải xin nhờ nước của bà con để nấu ăn, còn tắm giặt thì đợi nước lớn, múc nước lóng phèn. Phải chi Nhà nước đầu tư một trạm cấp nước nho nhỏ ở đây thì khỏe biết bao nhiêu”. Những người dân ở đây chỉ là một phần trong số 50% số hộ chưa có nước sạch sử dụng ở xã Trung Kiên. Ông Tô Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND xã, cho biết: Toàn xã có 7 trạm cấp nước mini ở 7 cụm dân cư, phục vụ được gần 50% số hộ dân của xã có nước sạch sử dụng. Dân thiếu nước sạch sử dụng, xã đã đề nghị Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) TP Cần Thơ đầu tư thêm 7 trạm cấp nước sạch nữa. Nay mai Thốt Nốt lên quận, dân cư đông đúc hơn, không biết tình hình cung cấp nước sạch còn sẽ nan giải như thế nào!

Nước sạch cho người dân: bài toán khó!

Năm 2007, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố) tiến hành khảo sát ở 10 phường, xã, gồm: các phường Thới Long, Thới An, Châu Văn Liêm, Phước Thới (quận Ô Môn); Phú Thứ, Ba Láng (quận Cái Răng); các xã Giai Xuân, Nhơn Ái (huyện Phong Điền); Thới Đông, Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) về tình hình sử dụng nước sạch. Kết quả khảo sát cho thấy, ở các xã phường này chỉ có 59,8% hộ dân sử dụng nước sạch; trong đó chủ yếu là sử dụng nước từ các trạm cung cấp nước tập trung và giếng bơm tay của hộ gia đình. Hơn 40% hộ dân vẫn còn sử dụng nước qua lắng lọc tự nhiên. Báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội nhận định: “Việc phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng và cung cấp nước sạch còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân sử dụng. Do đó, còn nhiều nơi người dân vẫn sử dụng biện pháp lắng lọc thô sơ. Trong khi đó, nguồn nước sinh hoạt hiện nay của người dân đang bị ô nhiễm do chất thải trong sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản... ngày càng nhiều”.

Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, môi trường nước ngày càng xuống cấp, nhưng đầu tư cho nước sạch vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND phường Long Tuyền, cho biết: “Nguồn nước sông, rạch thường xuyên bị ô nhiễm do nuôi cá, thuốc trừ sâu,... do đó nhu cầu có nước máy sử dụng của người dân là rất lớn. Chúng tôi đã đề nghị Trung tâm NSH & VSMTNT thành phố đầu tư thêm 8 trạm cấp nước mini để đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân. Tuy nhiên, Trung tâm trả lời hiện nay Long Tuyền đã trở thành đô thị rồi, trung tâm không đầu tư nữa, chỉ có thể mở rộng một số trạm cung cấp nước hiện có”.

Trên thực tế không chỉ có phường Long Tuyền, phường Long Hòa,... mà rất nhiều nơi trên địa bàn thành phố nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân rất lớn, nhưng chưa được đáp ứng. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, nước sạch, vệ sinh môi trường là một trong những vấn đề được bà con quan tâm nhiều nhất. Bà Nguyễn Thanh Giang, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố, đề nghị: “Trung tâm NSH & VSMTNT thành phố cần xây dựng các trạm cung cấp nước tập trung ở các khu vực tập trung đông dân cư , khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm; xem xét hỗ trợ cây nước bơm tay cho hộ nghèo, hộ chính sách. Đối với Công ty TNHH Cấp Thoát nước thành phố cần nghiên cứu, đầu tư các nhà máy nước ở những trung tâm xã, phường, thị trấn để tạo điều kiện cho nhân dân có nước sạch sử dụng”.

Cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng là vấn đề lớn ở một đô thị. Theo Quyết định số: 207/2006/QĐ-TTg, ngày 07 tháng 9 năm 2006, của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân thành phố từ 200.000 - 250.000 m3/ngày; nhu cầu nước cấp cho công nghiệp từ 80.000 - 90.000 m3/ngày. Để đáp ứng nhu cầu trên, thành phố sẽ phải nâng công suất các nhà máy nước: Cần Thơ II đạt mức 60.000 m3/ ngày; Trà Nóc lên 60.000 m3/ngày; Thốt Nốt lên 20.000 m3/ngày. Đồng thời, xây dựng thêm các Nhà máy nước Hưng Phú (60.000 m3/ngày); Hưng Thạnh (40.000 m3/ngày); Thuận Hưng (40.000 m3/ngày)... Trong khi hệ thống nước máy của thành phố chưa được đầu tư thì Trung tâm NSH & VSMTNT lại đang gặp vướng mắc về vốn. Ông Nguyễn Anh Thùy, Giám đốc Trung tâm NSH & VSMTNT, cho biết: “Hiện nay Trung tâm đang quản lý 422 trạm cấp nước rải đều trên toàn thành phố, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động cung cấp nước sạch của Trung tâm được bố trí rất hạn hẹp, nên trong thời gian tới Trung tâm không thực hiện đầu tư xây dựng mới các trạm cấp nước, mà chỉ tập trung nâng cấp, mở rộng các mạng lưới nước hiện có”.

Do quá trình phát triển kinh tế chưa gắn với môi trường nên hiện nay, nhiều tuyến kinh, rạch trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nặng nề, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân càng cao. Vì vậy, song song với việc phát triển kinh tế, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước để phục vụ người dân, đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội bền vững là một yêu cầu vô cùng bức thiết.

T. QUANG - T. DÂN

Chia sẻ bài viết