20/10/2019 - 12:50

Nụ cười 

Truyện ngắn: Phong Linh

 

Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp Oanh trong buổi phỏng vấn chọn thành viên mới, em mặc một chiếc áo thun màu xanh, chân váy dài màu đen. Em luôn mỉm cười khi chúng tôi đặt câu hỏi, nhưng nụ cười bẽn lẽn, thoảng trông còn có phần buồn bã. Cảm thấy phía sau nụ cười ấy đầy tâm tư giấu kín, nhưng những bức ảnh do em chụp lại vô cùng rạng rỡ. Khi chuyền tay nhau những bức ảnh ấy, chúng tôi đều hài lòng. Chụp được những bức ảnh này, em đã hoàn toàn đủ điều kiện để vào câu lạc bộ.

Khi tôi hỏi, vì sao em gia nhập với chúng tôi, em nhìn vào những bức ảnh của em đặt trên bàn, nói rằng “Em muốn nhìn thấy thật nhiều nụ cười”.

Câu lạc bộ của chúng tôi được thành lập ban đầu chỉ có mấy đứa thích chụp ảnh, muốn làm điều gì đó có ích một chút cho người khác. Suy nghĩ, lựa chọn mãi chúng tôi ra mắt Câu lạc bộ Nụ Cười, với những buổi cuối tuần chụp hình cho các bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện trong thành phố.

Khi đưa ra đề xuất với lãnh đạo bệnh viện cũng như các bệnh nhân, không ngờ chúng tôi nhận được sự ủng hộ và khích lệ. Hàng nghìn những bức ảnh, ghi lại những nụ cười tự nhiên nhất của biết bao người bệnh đang chiến đấu với cái chết, khiến chúng tôi xúc động đến mức mỗi khi xem lại, đều cảm thấy cay mắt, nghẹn ngào.

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng, có ngày câu lạc bộ lại có thể mở rộng, gắn kết, đem đến nhiều niềm vui cho người khác đến mức như thế. Những ngày sống tưởng chừng chỉ rong chơi, chụp ảnh có nhiều khi cảm giác chỉ là điều phù phiếm, lại đem đến những khoảnh khắc hạnh phúc không ngờ.

Oanh rất nhanh đã trở thành thành viên tích cực của câu lạc bộ. Em tham gia mọi buổi chụp tại các bệnh viện. Em luôn có cách nói chuyện khiến những người già cười rất tươi và trẻ con thì quấn lấy. Đặc biệt là những bức ảnh của em, chân thực đến kỳ lạ. Đôi khi ngắm những bức ảnh, tôi bất giác như nhìn thấy sự cử động của những khuôn mặt đang cười. “Em thật sự có tài và có duyên với máy ảnh”, chúng tôi đều nói với em như thế. Có khi mọi người còn đùa “Thôi đừng học kinh tế nữa, đi chụp ảnh đi, sau này cũng khối tiền”. Em lại chỉ cười. Có lần bất giác em mới nói “Bố mẹ thích em học kinh tế”. Khi chúng tôi hỏi “Còn em muốn học gì?”, thì em lại cười “Giờ thì em cũng thích kinh tế” rồi lảng sang chuyện khác.

Tôi nhìn thấy em cười nhiều hơn, nhưng nụ cười ấy vẫn thiếu điều gì đó.

Sau mỗi buổi chụp, cả đội thường đi ăn uống, nhưng chẳng bao giờ em tham gia với lý do là bố mẹ không muốn em về quá trễ. Cho đến một lần tôi nói nhỏ với em “Câu lạc bộ của chúng ta cũng như người nhà, chỉ trò chuyện sẻ chia cuộc sống thôi, mọi người không phải tụ tập nhậu nhẹt gì đâu”. Em nhoẻn miệng cười “Em chỉ sợ thân quý quá, đến khi phải đi lại đau lòng”.

Tôi lặng yên.

Câu lạc bộ của chúng tôi hoạt động ba năm nay, biết bao người đã đến, đã đi. Biết bao kỷ niệm và nỗi lưu luyến đã từng cùng nhau. Dù hoạt động hay không ở câu lạc bộ nữa, có nhiều bạn trong số chúng tôi vẫn duy trì mối liên kết với nhau, nhưng tôi cũng chưa từng nghe ai nói điều giống em. Chúng tôi luôn xem những ngày bên nhau, càng sâu đậm càng chân tình. “Còn trẻ, còn nhiều thời gian, sao lại sợ kết nối, sợ mở lòng thân thiết hở em”, khi tôi hỏi, em lại cười “Em không có nhiều thời gian”, rồi chạy vút đi.

Tôi đứng lại giữa vỉa hè, dưới tán cây xà cừ to trước câu lạc bộ, bần thần không hiểu chuyện gì. Sau đó tôi nghĩ, đó là những suy nghĩ chưa ổn định của những người trẻ còn rộng dài thanh xuân như em. Lúc trẻ lại thường hay suy nghĩ cái chết ập đến lúc nào, nên không hề sợ chết. Lại có những người luôn chuẩn bị cho một cái chết, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bảo “Tôi đã thấy thiên thu”. Hồi bằng tuổi em, tôi vẫn đinh ninh mình chỉ sống đến 40 tuổi thôi, vì qua tuổi ấy, thấy mình già nua quá, chẳng thiết sống nữa. Đến giờ, khi quăng hẳn mình vào dòng đời rộn ràng này, tôi gần như đã quên hẳn ý nghĩ ấy. Nghĩ lại chỉ thấy bầu trời tuổi trẻ nhiều dại khờ, nhiều nỗi buồn vu vơ và cả cực đoan. Ấy nhưng, nói chuyện với em, nỗi buồn tưởng chừng vu vơ thời trẻ ấy lại ập về, bủa vây những suy nghĩ trong tôi.

Thật lạ là sau lần nói chuyện ngắn với tôi, Oanh lại trở nên vui vẻ lạ thường, có buổi tụ tập nào em cũng tham gia nhiệt tình. Tôi chưa bao giờ thấy Oanh khóc, cho đến buổi sáng hôm ấy, khi chúng tôi đang ở bệnh viện K thì bé My nguy kịch và phải đưa vào phòng cấp cứu.

Bé My là một trong những bệnh nhân nhỏ tuổi mà Oanh vô cùng thân thiết. Nhớ hôm ngày hội vẽ hoa hướng dương, ủng hộ bệnh nhân ung thư, Oanh đã cùng My vẽ rất nhiều tranh hoa hướng dương, mỗi bức tranh đều viết những điều ước rất đẹp. Những bức tranh đều được bé My cất giữ rất cẩn thận. “Từ hồi vào đây chưa bao giờ em thấy vui như thế”, bé My đã nói với Oanh, mỗi lần nhìn thấy Oanh vác máy ảnh bước vào phòng bệnh của em.

Bé My được chuyển vào phòng đặc biệt hai ngày thì mất. Hôm ấy tôi thay mặt Nụ Cười đem hoa đến viếng em, đã thấy Oanh ngồi ở đó, vẻ mặt thất thần, lặng im. Em nhìn chăm chăm vào bức ảnh đang cười rạng rỡ của bé My, đó cũng chính là bức ảnh mà em đã chụp mấy tháng trước. Nhìn bức ảnh rạng rỡ ấy, không thể nào nghĩ đó là nụ cười của một bệnh nhân.

Hôm ấy, mãi sau em mới nói với tôi vài câu:

“Hóa ra nhìn một nụ cười, lại thấy nhói lòng đến như vậy. Em trai em lúc mất cũng tầm tuổi như My. Có nhiều lúc em có cảm giác như My chính là đứa em mà em luôn mong nhớ, yêu thương bấy lâu nay”.

Tôi lặng thinh.

“Em đã bất cẩn không để ý khi hai chị em đi học về, và một cái xe tải đã lao đến chỗ em trai em. Đến giờ em vẫn nghĩ nó chỉ là một cơn ác mộng”.

Nói rồi em khóc, những giọt nước mắt như kìm nén rất lâu rồi, mới rơi xuống, ào ào. Tôi chỉ biết lặng im. Tôi không thể cất nổi một lời nào hợp lý để an ủi em. Tôi lặng yên ngồi bên cạnh nhìn em khóc, cho đến khi em ngẩng lên nhìn bầu trời.

“Em đã đi học chụp ảnh vì em trai em. Em tiếc rằng chưa từng một lần được ghi lại nụ cười của em ấy. Chưa từng một lần. Bây giờ mỗi lần nhìn thấy bức ảnh của nó, em lại buồn”.

Em lại quay sang mỉm cười với tôi, dù đôi mắt ngấn lệ.

“Bởi vì như thế, nên khi biết các anh tuyển tình nguyện viên, em thấy hạnh phúc lắm. Những ngày ở đây, cùng mọi người thật hạnh phúc”.

Hôm ấy chúng tôi đi xe bus cùng nhau. Tôi tiễn em về tận nhà. Nhìn ngôi nhà ba tầng khóa kín cửa, trông buồn bã lạ lùng. Dường như nhận ra được cảm giác của tôi, em khẽ nở nụ cười buồn buồn “Chỉ còn mình em ở nhà”.

Em dừng lại một lúc rồi nói tiếp:

“Cha mẹ em đã đi định cư bên Mỹ cả rồi. Đáng lẽ em cũng phải đi từ năm ngoái, nhưng em đã xin cha mẹ học đại học cho xong ở Việt Nam. Em muốn ở nơi em trai em đã sống đoạn đời của nó, thêm một thời gian nữa”.

“Đó là lý do em sợ thân thiết với mọi người sao?”, tôi hỏi.

“Dạ”.

“May quá, anh lại cứ sợ em nghĩ đến chuyện gì đó như là...”.

“Tự tử phải không ạ?”.

Em bật cười. “Không đâu, em còn nhiều việc muốn làm. Học xong, em sẽ đi khắp nơi, chụp thật nhiều những bức ảnh cho những người mắc bệnh khác nữa. Em muốn lưu giữ lại thật nhiều, thật nhiều nụ cười. Em hy vọng mình sau này dù đi đâu cũng có thể làm được những điều như anh chị đã làm khi lập nên Nụ Cười. Hôm nay nhìn bức ảnh rạng rỡ của bé My, em thật sự rất hạnh phúc. Cha mẹ của bé, họ sẽ nhỡ mãi nụ cười ấy. Có lẽ sẽ khiến họ bớt đau lòng”.

Tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Đã có lúc vì công việc mệt mỏi, vì những mâu thuẫn nhỏ giữa các thành viên trong câu lạc bộ, vì thiếu kinh phí... chúng tôi đã tranh cãi về việc dừng hoạt động. Đã có nhiều khi bị cuốn vào những cuộc chạy đua trong đời sống cá nhân, với những áp lực về thành đạt, hạnh phúc, tôi đã muốn dừng lại Nụ Cười. Nhưng vào giây phút hôm nay, khi nhìn thấy bức ảnh bé My và Oanh đã chụp, khi nghe những lời em nói, tôi biết rằng chặng đường này sẽ còn dài, dài thêm nữa. Hành trình này mới là hành trình khiến tôi và những người đang đồng hành cùng tôi, trở nên hạnh phúc.

Tôi đi bộ trên con đường dài trở về nhà, khi thành phố dần lên đèn, giữa những âm thành ồn ã của còi xe, tôi lại nghe trong mình văng vẳng tiếng cười của biết bao nhiêu người, khiến buổi chiều dường như lấp lánh trước mắt tôi.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nụ cười