07/03/2008 - 10:42

Nông dân Vĩnh Thạnh với những mô hình kinh tế mới

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp… nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh đã thành công trong việc xây dựng những mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu cho gia đình và góp sức làm giàu cho quê hương...

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng, điện thoại di động của ông Lê Văn Ẩn (ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh) lại reo vang. Ông Ẩn cười, báo tin: “Người ta đặt mua tôm. Nhờ mình nuôi tôm nghịch vụ nên lúc nào có người đặt mua cũng có hàng, giá bán cũng cao hơn so với nuôi đúng mùa”.

 Ông Lê Văn Ẩn (bên trái), ở ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, nuôi tôm càng xanh trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.  
Là một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi tôm ở Vĩnh Thạnh, ông Ẩn kể lại: Trước đây, gia đình ông có 2 ha diện tích đất độc canh cây lúa, do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên chi phí nhiều mà năng suất thấp, chất lượng lúa không tốt, bán giá rẻ. Được tham gia các lớp tập huấn IPM do Hội Nông dân tổ chức, ông Ẩn đã mạnh dạn áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng lúa. Không bằng lòng với kết quả đạt được, ông Ẩn luôn trăn trở, tìm kiếm những mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn. Ông Ẩn nói: “Làm ruộng quanh năm mà lợi nhuận không cao, khi mùa nước lũ về, tôi mua tôm giống mà bà con chất chà bắt được thả thử trên ruộng lúa thấy có hiệu quả. Nhưng lúc đó tôm giống rất khó tìm nên không nuôi được liên tục. Nhờ mấy anh ở Chi cục Thủy sản thành phố hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn nên tôi mạnh dạn nuôi thử nghiệm trên 1 ha”. Vụ tôm đầu tiên, ông Ẩn thu hoạch bán lời khoảng 40 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, vào mùa lũ, ông bắt đầu mở rộng nuôi hết 1,5 ha diện tích đất, không sản xuất lúa hè thu mà chỉ trồng vụ lúa đông xuân xen với tôm càng xanh.

Khi mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của ông Ẩn thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con nông dân cũng triển khai thực hiện. Do nhiều người nuôi trong cùng một vụ nên khi thu hoạch đồng loạt, dẫn đến tôm rớt giá làm cho nhiều hộ dân phải lao đao. Từ thực tế đó, ông Ẩn nảy sinh ý nghĩ nuôi tôm trái vụ để tránh tình trạng rớt giá. Ông tâm sự: “Trong quá trình nuôi, mình không đợi thu hoạch cùng một lúc mà thường xuyên tuyển chọn những con đạt chất lượng bán dần. Những lúc giá cao, dù người ta mua ít mình cũng bán, vừa được giá vừa giảm bớt mật độ tôm trên diện tích nên tôm mau lớn”. Sau một năm nuôi 2 vụ tôm thì năm sau ông Ẩn lại xen 1 vụ tôm 1 vụ lúa, nhằm cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh từ tôm. Nhờ thường xuyên liên hệ và được các cán bộ ở Chi Cục Thủy sản thành phố hướng dẫn kỹ thuật, cộng với sự siêng năng, cần cù, chịu khó, liên tiếp nhiều năm liền các vụ tôm của ông đều thành công. Trung bình mỗi năm gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng.

Ông Lý Thanh Việt (bên trái), ở ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, với mô hình trồng rau màu đạt kết quả khả quan. 

Không chỉ thu lợi từ mô hình tôm – lúa mà với 0,5 ha đất còn lại, ông Ẩn đã đào ao nuôi cá tra và mỗi năm thu lợi từ 20 đến 30 triệu đồng. Ông Ẩn bộc bạch: “Trong thời buổi kinh tế thị trường, mình phải biết tranh thủ thời cơ, đi trước một bước, đừng đợi khi người ta làm đại trà rồi mới làm theo thì nhiều rủi ro sẽ xảy ra, nhất là tình trạng rớt giá. Muốn làm ăn có hiệu quả phải áp dụng khoa học kỹ thuật, xác định thị trường, mới đảm bảo thành công”.

Cùng có suy nghĩ như ông Ẩn, ông Lý Thanh Việt ở ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi 1,7 ha trồng lúa sang trồng rau thơm và khoai lang. Ông Việt cho biết: “Trước đây, do không biết về khoa học kỹ thuật nên trồng lúa không đạt hiệu quả kinh tế cao. Khi tham gia vào Hội Nông dân, được tham quan học tập các mô hình làm ăn hiệu quả cộng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, khuyến nông xã, tôi đã chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, với mong muốn tăng thêm thu nhập gia đình”.

Ông Việt kể lại: Khi ông bàn với gia đình chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, mọi người trong gia đình đều lo lắng, không biết có làm được không? Với quyết tâm làm giàu cộng với học tập kinh nghiệm của những lần tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả do Hội Nông dân tổ chức, ông bắt đầu đào đất trồng thử nghiệm vài liếp rau thơm. Thấy rau xanh tốt, phù hợp với đất đang canh tác nên ông Việt mạnh dạn đầu tư trồng rau trên 1,5 công đất của mình. Mỗi vụ rau thu hoạch từ 2 đến 3 đợt, sau khi trừ chi phí gia đình ông còn lãi hơn 24 triệu đồng. Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc gia đình đang cắt, bó, cân rau để bạn hàng đến lấy. Ông Việt phấn khởi nói: “Làm lúa chi phí rất tốn kém nhưng lại bấp bênh vì giá cả không ổn định, bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều khi còn bị dịch hại tấn công làm giảm năng suất... Trồng rau bán quanh năm, lời gấp đôi khi trồng lúa”. Ông Việt chia sẻ kinh nghiệm trồng rau của mình: “Trên cùng một diện tích đất phải chia ra làm nhiều lần gối đầu lên nhau. Vì rau trồng rất mau ăn, nếu xuống giống cùng một lúc dễ bị dội chợ, nhất là những lúc rau xuống giá dễ bị lỗ”. Với cách làm luân phiên ấy mà lúc nào gia đình ông Việt cũng có nguồn rau thơm cung cấp cho các mối ở các chợ lân cận trong huyện và Long Xuyên (An Giang).

Ông Nguyễn Công Thoại, ấp F1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh,
thành công với mô hình chăn nuôi heo. 

Thấy trồng màu có hiệu quả, năm rồi ông Việt tiếp tục trồng thử khoai lang trên bờ bao quanh ruộng. Ông nói: “Sở dĩ tôi chọn khoai lang là do dễ trồng, phù hợp với đất phèn. Sau khi trồng thử, thu hoạch thấy năng suất cao nên tôi quyết định chuyển khoai lang xuống ruộng lúa”. Vụ rồi ông đã đào đất lên liếp chuyển 15,5 công đất trồng lúa sang trồng khoai lang, sau khi trừ chi phí giống, nhân công, phân, thuốc... lời khoảng 87 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Việt thì việc sản xuất rau màu không thể trồng liên tiếp nên phải xen trồng lúa để cải tạo đất. Ông dự định trong vụ hè thu tới sẽ trồng rau thơm trên phần nửa diện tích trồng khoai lang hiện có, phần còn lại sẽ chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Ông Lê Văn Đúng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Mô hình chuyển đổi từ thuần nông cây lúa sang 1 lúa – 1 màu đang được bà con trong xã và những vùng lân cận áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp nhiều hộ nông dân làm ăn ngày càng khấm khá, vươn lên làm giàu”.

Rời Vĩnh Trinh, chúng tôi đến xã Thạnh An, là một xã ngoại thành của TP Cần Thơ với những cánh đồng lúa vàng óng đang chờ thu hoạch. Bên cạnh việc trồng lúa, mấy năm nay, bà con nông dân ở địa phương đã chuyển sang các mô hình chăn nuôi heo, nuôi cá đăng quần trong mùa lũ, nuôi cá ao tận dụng thức ăn từ chuồng trại, nuôi bò... cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi heo, lúa chất lượng cao của ông Nguyễn Công Thoại ở ấp F1. Hướng dẫn chúng tôi tham quan chuồng heo của gia đình, ông Thoại cho biết việc trồng lúa và chăn nuôi với quy trình khép kín không gây ô nhiễm môi trường của mình là một quyết định đúng đắn. Ông nói: “Lúc đầu, gia đình chỉ nuôi vài con để ăn thức ăn thừa. Sau nhiều lần tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả, học tập từ bạn bè, tham dự các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, tôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại, sản xuất con giống cung cấp cho bà con xung quanh”.

Để đạt được kết quả như hôm nay, ông Thoại đã mài mò nghiên cứu, thử nghiệm việc áp dụng thức ăn cho heo sao cho hợp lý, vừa đảm bảo đàn heo khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Lúc đầu, ông mua máy về tự xay cám ở nhà để cám luôn mới, kích thích heo ăn nhiều hơn. Nhưng với cách ấy nuôi vẫn bị lỗ do chi phí đầu tư nhiều. Không cam chịu, ông tự tìm hiểu bằng cách sàn lọc phân heo thấy tấm chưa tiêu hóa hết. Sau khi nghiên cứu thấy trong cám to có một phần mài tấm, thế là ông quyết định không trộn thêm tấm mà chỉ trộn cám to với cám nhuyễn là đủ. Sau khi thử nghiệm giữa hai bầy heo cho hai cách ăn khác nhau cho thấy bầy heo được ăn với cách trộn mới vẫn lớn nhanh không thua gì với cách ăn cũ, ít bị bệnh, giảm chi phí... Theo thói quen, giá heo càng cao thì bà con thường hay thúc cho heo ăn nhiều để mau lớn. Theo ông Thoại, đó là một sai lầm lớn, vì sự hấp thu quá mức sẽ dễ dẫn đến mắc nhiều bệnh, đôi khi còn bị nhiễm độc. Nhờ nắm vững kỹ thuật, mô hình nuôi heo của ông Thoại đã mang lại hiệu quả cao, chuồng heo của gia đình ông dần dần được mở rộng có lúc lên đến 200 con heo lớn, nhỏ. Để đảm bảo giữ vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, ông lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, phân heo bằng túi biogas. Ông Thoại cho biết: “Với cách xử lý bằng túi biogas, gia đình tôi có ga sử dụng nấu ăn trong nhà, vừa tiết kiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, gia đình sử dụng ga không hết nên dẫn ống cho gia đình ông Mùi cạnh bên cùng xài”.

Mỗi năm, với 1,3 ha trồng lúa chất lượng cao cộng với nuôi heo đã tăng thêm thu nhập cho gia đình ông Thoại hơn 100 triệu đồng. Chưa bằng lòng với những gì hiện có, ông Thoại cho biết đang dự định đào ao nuôi rắn, cá thác lác còm và nuôi trùn quế làm thức ăn cho cá. Với những kinh ngghiệm, kỹ thuật được học, tự nghiên cứu ông Thoại tự tin sẽ tiếp tục thành công với những mô hình mới.

***

Không chỉ có ông Ẩn, ông Việt, ông Thoại tôi đã gặp ở Vĩnh Thạnh còn rất nhiều nông dân đang có nhiều dự định mới, quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết