09/08/2010 - 21:03

VỤ TÔM SÚ 2010 TẠI ĐBSCL

Nông dân và doanh nghiệp đều lo âu

Tăng cường lượng oxy và kiểm tra chặt chẽ môi trường ao nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh cho tôm được khuyến cáo hiện nay.
Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Diện tích vụ tôm sú chính vụ 2010 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, nhà máy chế biến tôm xuất khẩu thiếu nguyên liệu do diện tích nuôi và sản lượng sụt giảm so với năm 2009. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình thiếu tôm nguyên liệu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Trong khi đó, người nuôi tôm ở ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro từ dịch bệnh trên con tôm.

* Nỗi lo dịch bệnh

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2010, các tỉnh ĐBSCL sẽ thả nuôi 550.600 ha tôm sú, giảm gần 16.000 ha so với năm 2009, do hệ thống tiêu thoát nước thải chưa đáp ứng nhu cầu và chưa ngăn chặn được dịch bệnh. Ngay từ đầu vụ tôm sú 2010, nắng hạn kéo dài và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại rất nhiều diện tích nuôi tôm sú ở vùng ĐBSCL.

Tại tỉnh Kiên Giang đã thiệt hại trên 10.000 ha tôm nuôi trên nền đất lúa ở các huyện thuộc vùng U Minh Thượng, do xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng, nhiều nông dân phải thu hoạch sớm để bù vào chi phí bỏ ra đầu vụ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Kiên Giang đã thả giống 81.163 ha tôm sú, tập trung phần lớn ở 4 huyện vùng U Minh Thượng; sản lượng thu hoạch ước đạt 19.939 tấn. Trong đó, tôm công nghiệp 940 ha (gồm 590 ha thẻ chân trắng, sản lượng 5.432 tấn), diện tích nuôi theo mô hình tôm – lúa 64.539 ha, quảng canh cải tiến 15.684 ha. Huyện An Minh có diện tích thả nuôi tôm lớn nhất, với 36.000 ha, trong đó hơn 31.000 ha tôm nuôi trên đất lúa. Theo phản ánh từ các hộ dân nuôi tôm, giá tôm đang ở mức cao, tình hình dịch bệnh cũng khó đoán, nên khi ao tôm có vấn đề, nhiều hộ nuôi tiến hành thu hoạch ngay.

Tỉnh Sóc Trăng, khi lịch thả giống bắt đầu (20-2) đến cuối tháng 6, vụ tôm 2010 vẫn phát triển rất khả quan. Diện tích thu hoạch trong giai đoạn này ở Sóc Trăng không chỉ đạt năng suất cao mà mức giá cũng rất cao, tạo tâm lý phấn khởi cho người nuôi. Ông Lê Phát Minh, nông dân ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú I (huyện Mỹ Xuyên), cho biết: “Vụ tôm này, chỉ sau 4 tháng thả nuôi, tôi đã thu hoạch được tôm cỡ 28 con/kg bán với giá 180.000 đồng/kg. Năm nay, hầu hết đều thu hoạch có lãi cao nhờ trúng mùa lại trúng giá”. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong số khoảng 10.000 ha thu hoạch đầu tiên, thì Mỹ Xuyên có 80,6% hộ dân nuôi tôm có lãi, Cù Lao Dung số hộ có lãi chiếm 93% và Vĩnh Châu 91,9% với mức lãi từ 20-200 triệu đồng. Không chỉ trúng mùa, giá tôm sú đầu vụ ở mức kỷ lục khi tôm loại 30 con/kg giá 150.000-160.000 đồng/kg, loại 20-25 con/kg có giá đến 180.000-190.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg giá 130.000 đồng/kg... Nhưng kể từ đầu tháng 7-2010 đến nay, tình trạng tôm chết đột ngột ở Sóc Trăng diễn ra nhanh, diện tích thiệt hại cũng tăng một cách nhanh chóng. Không chỉ là mô hình nuôi quảng canh cải tiến, lần này đến lượt các diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp với kỹ thuật nuôi tiên tiến cũng bị thiệt hại nặng. Theo Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, diện tích thiệt hại chủ yếu ở ao tôm 80 ngày tuổi trở lại. Còn tôm trên 3 tháng tuổi vẫn đang phát triển bình thường.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Lúc đầu chỉ có một vài ao thiệt hại, nhưng sau đó tốc độ thiệt hại tăng dần lên. Đến nay đã trên 5.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Vĩnh Châu, Trần Đề. Các kết quả xét nghiệm mẫu đều chưa xác định được tác nhân gây bệnh”. Theo ông Khởi, diện tích thiệt hại tới đây có thể lên đến 18-20% diện tích nuôi chứ không dừng lại mức trên 11% như hiện nay. Theo các chuyên gia của Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, tác nhân gây bệnh tôm chết hiện nay có thể do ký sinh trùng và vi khuẩn tấn công phá vỡ gan tôm. Còn theo người nuôi tôm khu vực Trần Đề, dịch bệnh tôm sú có thể lây lan từ nguồn nước xả trực tiếp ra môi trường của những ao nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại. Các ngành chức năng đã khuyến cáo giải pháp phòng trị bệnh trên tôm sú hiện nay không sử dụng các hóa chất kích thích, mà cần tăng cường các chế phẩm sinh học nhằm tăng tính đề kháng cho tôm. Đồng thời, khuyến cáo chỉ nên trị bệnh bằng thuốc diệt khuẩn từ thực vật (thuốc trị gan). Riêng đối với những ao chuẩn bị nuôi hoặc nuôi lại cần hết sức thận trọng vì từ nay đến cuối năm, việc nuôi tôm sẽ rất khó khăn, phải chuẩn bị đủ các điều kiện như: đưa bùn ra ngoài ao (khi cải tạo đáy ao), mua giống tốt có kiểm tra không có mầm bệnh (vi bào tử trùng) và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo...

* Khó khăn nguồn nguyên liệu

Hiện nay, giá tôm thương phẩm tại các chợ ĐBSCL, loại 20 con/kg giá 180.000 đồng/kg; 30 con/kg 140.000 đồng/kg và tôm sô 114.000 đồng/kg. Thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng tôm trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 717 triệu USD (chiếm trên 35% giá trị toàn ngành), tăng 22% so với cùng kỳ. Sau sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico cùng với việc nhiều nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan mất mùa khiến giá tôm xuất khẩu đang ở mức cao, nhưng các nhà chế biến của Việt Nam lại thiếu nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường thế giới. Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng dưới 50% công suất chế biến. Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tình hình thiếu nguyên liệu sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện nay, giá tôm cỡ nhỏ rớt giá nhanh do Trung Quốc và một số nước trong khu vực bước vào thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Nhưng tôm sú cỡ lớn vẫn ổn định ở mức cao và lượng tôm nguyên liệu Công ty mua vào chế biến mỗi ngày đã tăng hơn so với những tháng đầu vụ”. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu với mức cao, nhưng nguồn hàng không đủ cho chế biến.

Mặc dù tại một số tỉnh nuôi tôm trong vùng, sản lượng tôm đến thời điểm này cao hơn cùng kỳ. Tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, sản lượng nuôi trồng và khai thác tôm đạt 73.722 tấn, tăng 13,8% so cùng kỳ và đạt 63,6% kế hoạch. Còn tỉnh Kiên Giang sản lượng vẫn tăng 5,5% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng tôm chân trắng vượt gần gấp đôi (175,4%). Các nhà máy chế biến tôm đông lạnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ đầu năm đến nay đạt 19.462 tấn, tăng gần 38% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu trên 60,5 triệu USD, tăng 27,8%. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Ngọc Phượng, cho biết: “Mặc dù sản lượng tôm nuôi có tăng hơn so cùng kỳ, diện tích nuôi tôm - lúa, nuôi quảng canh cải tiến đạt khá so kế hoạch. Nhưng từ nay đến cuối năm, diện tích nuôi tôm sú công nghiệp khó đạt kế hoạch, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu sản lượng tôm nuôi. Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh”. Theo kế hoạch, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang năm 2010 đạt 123.895 tấn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp các địa phương vùng nuôi tôm ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre... hiện dịch bệnh trên tôm sú xuất hiện không đáng kể, nhưng cũng khó dự báo chính xác thời gian tới ra sao. Bởi nguy cơ dịch bệnh đang đe dọa ở một số vùng nuôi thả tôm dưới 3 tháng. Nhiều địa phương đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, cũng tác động đến giá tôm sú và môi trường nuôi. Từ thực tế này cho thấy, sự cân đối cung- cầu còn nhiều yếu kém, công tác quy hoạch hiện bộc lộ nhiều bất cập, do vậy cần lộ trình rõ ràng từ sản xuất đến tiêu thụ, mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

XUÂN TRƯỜNG- LÊ SEN

Tăng cường lượng oxy và kiểm tra chặt chẽ môi trường ao nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh cho tôm đư

Chia sẻ bài viết