Thời điểm này, người dân TP Cần Thơ đang tích cực chăm sóc các loại hoa kiểng để chuẩn bị phục Tết Nguyên đán 2024. Trước tình hình kinh tế khó khăn, đa phần nông dân đều giảm sản lượng và chủ động lựa chọn sản xuất các loại hoa kiểng có mức giá cả vừa phải gắn với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để dễ tiêu thụ, giảm rủi ro.
Tích cực chăm sóc hoa
Hoa kiểng phục vụ thị trường Tết 2024 đang được trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Trong đó, tập trung nhiều là tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy và Làng hoa Tân Long A thuộc xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Hoa còn được trồng nhiều tại phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), phường An Bình (quận Ninh Kiều) và nhiều phường tại quận Thốt Nốt như Trung Kiên, Thuận Hưng, Trung Nhứt...
Cúc mâm xôi Hàn Quốc được trồng tại HTX Hoa kiểng Tân Long A ở huyện Phong Điền.
Hoa kiểng cho Tết năm nay có giảm về chủng loại và số lượng so với năm trước do nông dân giảm sản xuất bởi sợ đầu ra bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế nhưng nhìn chung các chủng loại hoa kiểng vẫn khá đa dạng, với nhiều loại hoa, kiểng lá, kiểng trái và cả các loại kiểng bonsai. Trong đó, các loại hoa được nông dân tập trung trồng nhiều là các loại cúc, vạn thọ, hoa cát tường, hoa mào gà, các loại hoa chậu treo, ớt kiểng, tắc kiểng, bông giấy... Duy trì trồng nhiều loại giống hoa đã có từ các năm trước, năm nay nông dân cũng phát triển trồng thêm một số giống hoa mới. Đáng chú ý, nông dân tại Hợp tác xã (HTX) hoa kiểng Bình An thuộc Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ ở quận Bình Thủy và HTX Hoa kiểng Tân Long A ở huyện Phong Điền đã phát triển trồng thêm giống hoa mới là cúc Hàn Quốc. Đây là loại cúc cho hoa rất đẹp, với nhiều màu sắc bắt mắt như tím, đỏ, hồng, vàng... Anh Lê Khắc Qui, Giám đốc HTX Hoa kiểng Tân Long A ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: "Cùng với cúc mâm xôi Hàn Quốc với nhiều màu sắc đẹp, năm nay HTX tiếp tục duy trì sản xuất nhiều chủng loại hoa và các loại cúc vốn đã có từ các năm trước như cúc mâm xôi truyền thống, cúc Đài Loan, cúc Nhật, cúc Pico, vạn thọ, cát tường, hồng nhung, dạ yến thảo... Thời điểm này, nhiều loại cây đã ra nụ và trổ hoa nên nhà vườn trồng hoa phải theo dõi sát để chăm sóc, tuyển lựa nụ và chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh". Cũng theo anh Qui, HTX Hoa kiểng Tân Long A hiện có 38 xã viên, với diện tích canh tác hơn 4,7ha và hiện đã xuống giống hơn 62.000 chậu hoa kiểng các loại để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết, giảm khoảng 50% so với Tết năm trước. Năm nay, do các chi phí đầu vào tăng nên giá thành sản xuất một số loại hoa kiểng đã tăng khoảng 20%, do vậy nông dân rất mong tới đây giá bán sản phẩm đầu ra cũng được cải thiện, nhất là khi năm nay sản lượng hoa kiểng giảm. Còn theo HTX hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, năm nay sản lượng sản xuất hoa kiểng tại HTX cũng giảm khoảng 50% so với Tết năm trước, xuống chỉ còn ở mức khoảng 40.000 chậu các loại. Tuy vậy, HTX đã có hàng chục chủng loại hoa và kiểng để phục vụ thị trường Tết, trong đó HTX có trồng hơn 700 chậu cúc Hàn Quốc.
Nỗ lực kéo giảm chi phí và rủi ro
Năm nay, việc sản xuất hoa kiểng của nông dân có phần gặp khó do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, cùng giá nhân công và giá nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao. Song, với việc tập trung lựa chọn sản xuất các loại hoa kiểng ở phân khúc cấp trung và bình dân, với mức giá vừa phải gắn với các nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, người trồng hoa kiểng kỳ vọng tăng cường được khả năng tiêu thụ hàng và giảm được các rủi ro. Bên cạnh đó, người trồng hoa kiểng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm kéo giảm giá thành sản xuất, nhất là tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh và chủ động sản xuất theo kiểu lấy "công nhà làm lời", hạn chế thuê mướn nhân công để tiết kiệm tối đa chi phí.
Ông Phan Ngọc Tư ở khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: "sợ sức tiêu thụ yếu tôi chỉ sản xuất khoảng 5.000 chậu hoa các loại, trong khi Tết năm trước là hơn 10.000 chậu. Vụ hoa Tết này, tôi tập trung sản xuất các loại hoa dễ trồng và có chi phí sản xuất không quá cao nhằm giảm chi phí đầu tư và cũng hạn chế rủi ro về đầu ra. Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng hoa đạt hiệu quả, tôi cũng chủ động sử dụng lao động sẵn có trong gia đình để chăm sóc hoa và hạn chế việc thuê mướn thêm nhân công". Theo ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX hoa kiểng Bình An, quận Bình Thủy, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 các loại hoa cúc đại đóa, cúc pha lê và cúc mâm xôi vàng dạng chậu lớn có giá từ 250.000-300.000 đồng/cặp bán khá chậm và bị ế nên năm nay nhiều hộ dân giảm sản xuất. Thay vào đó, người trồng hoa kiểng tập trung sản xuất các loại hoa kiểng chậu nhỏ, với giá bán không quá cao nhằm dễ tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh làm ăn khó khăn, nhiều người có xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu. Mặt khác, người trồng hoa kiểng cũng quan tâm tìm hiểu xu hướng tiêu dùng để chọn trồng thêm những giống hoa mới phù hợp, cũng như nghiên cứu sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như, sản xuất các loại kiểng từ cây rau màu và cây thảo dược như kiểng từ cây bắp, bắp cải, cây hẹ, cây dành dành, rau bạc hà...
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Để góp phần giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ hoa kiểng Tết, ngành Nông nghiệp thành phố đã quan tâm tập huấn kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trong điều kiện kinh tế chung có khó khăn, ngành Nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất các giống, loại hoa kiểng có chi phí sản xuất tương đối thấp và dễ chăm sóc. Đồng thời, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tạo ra sản phẩm hoa kiểng đẹp, có sức cạnh tranh cao trên thị trường".
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến nay, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng được hơn 1 triệu chậu hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2024, thấp hơn 205.105 chậu so với cùng kỳ năm trước. Nông dân cũng đã xuống giống hơn 2,6 héc-ta hoa các loại được trồng trên nền đất.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG