Nói thơ là một loại hình diễn xướng, nằm trong kho tàng âm nhạc dân gian Nam bộ. Trên cơ sở các truyện thơ, người bình dân thêm vào đó giai điệu, cách ngân nga, đưa hơi, tiếng đệm đặc trưng của Nam bộ để trở thành những điệu nói thơ riêng. Các truyện thơ được người bình dân biến tấu thành điệu nói thơ trữ tình, nền nã là nhờ ngôn từ bình dân, dễ thổ lộ theo kiểu "nghĩ sao nói vậy". Việc các điệu nói thơ Nam bộ ra đời đầu thế kỷ XX còn ghi nhận bước tiến trong quá trình sáng tạo văn hóa của dân gian: không còn theo lối mòn hoặc mượn tích của Trung Quốc như trước, mà lấy cảm hứng từ cuộc sống thường ngày.
* Ngân mãi điệu nói thơ
Nổi tiếng nhất phải kể đến điệu nói thơ Lục Vân Tiên- từ truyện thơ cùng tên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, hàng loạt điệu nói thơ khác ra đời ở Nam bộ như nói thơ Sáu Trọng, nói thơ Hai Miêng, nói thơ Thầy Thông Chánh, cùng nhiều truyện thơ Nôm, thơ quốc ngữ: Lâm Sanh- Xuân Nương, Mười Chức, Ông Trương- Tiên Bửu, Phạm Công- Cúc Hoa
Ra đời muộn hơn cả là điệu nói thơ Bạc Liêu do nghệ nhân Thái Đắc Hàng sáng tác vào năm 1948.
Theo nhà nghiên cứu dân ca Nam bộ Lư Nhất Vũ trong cuốn "Tìm hiểu dân ca Nam bộ", hình thức nói thơ Nam bộ có lẽ xuất xứ từ lối thơ trong hát sắc bùa lối hô bài chòi (hô thai), nói thơ quân phường của những người hành khất thuở xưa ở miền Trung Bộ trở ra Bắc Bộ, du nhập vào miền Nam từ những lưu dân miền Trung trong quá trình Nam tiến. Chi tiết này được xác thực một phần qua câu ca dao xưa: "Kẻ cò người hén độc huyền. Nói thơ Sáu Trọng kiếm tiền cho xong". Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng ghi nhận, khơi nguồn nói thơ là truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu- "nguồn cung cấp văn bổn cho phong trào nói thơ ở Nam bộ". Từ những truyện thơ, người Nam bộ thưởng thức không bằng cách đọc, ngâm và cũng không phải hát mà là nói! Đó là cách thưởng ngoạn thơ ca trong tâm thế đặt tâm trí của người nói vào những vần thơ. Nói thơ là nói tiếng lòng của mình. Đa phần các điệu nói thơ thường từ những truyện thơ theo thể lục bát, có làn điệu u buồn, nhiều suy tư. "Các lối nói thơ sau này đã nghe thấy có sự kết hợp giữa hai điệu thức: Nam Ai và Oán, sắc thái của chúng thật não nùng, thật "ai oán" làm sao!"- nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lý giải.
Một số truyện thơ ra đời vào đầu thế kỷ XX được người Nam bộ đặc biệt yêu thích là thơ Thầy Thông Chánh, thơ Sáu Trọng và thơ Cậu Hai Miêng. Nhận xét về những truyện thơ này, "Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh" ghi nhận: "Nếu thơ Thầy Thông Chánh và thơ Sáu Trọng- Hai Đẩu được coi là truyện thơ "làm rung rinh chế độ thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX" thì các truyện thơ Sáu Nhỏ, Năm Tỵ, Hai Miêng là những cuộc nổi loạn của những con người "dọc ngang nào biết trên đầu có ai"!". Khi ra đời, những điệu nói thơ này được người dân đón nhận nồng nhiệt và đều bị chính quyền thực dân cấm vì đề cao những người nghĩa khí, dám chống lại những tên quan Pháp. Thậm chí, ai cho in ấn, phát tán truyện thơ còn bị bỏ tù. Nhưng, cấm làm sao được tiếng lòng khí khái, cương trực của người Nam bộ! Điệu nói thơ vẫn cứ vang xa, ngân nga trong cuộc sống thường nhật.
* Những điệu nói thơ nổi tiếng
Nổi bật nhất phải kể đến điệu nói thơ Thầy Thông Chánh với những câu mở đầu:
"Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà xem chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ đời
Có thầy Thông Chánh thiệt người lớn gan"
|
Các nghệ nhân Long An trình diễn nói thơ Vân Tiên. Ảnh: DUY KHÔI |
Tác giả dân gian đã thận trọng khi đặt tiền đề cho câu chuyện sắp kể chỉ là dựa trên bản tin của tờ nhựt trình Gia Định báo do học giả Trương Vĩnh Ký phụ trách. Truyện thơ là vụ án của thầy thông ngôn Nguyễn Văn Chánh (còn gọi Nguyễn Trung Chánh), bị tòa đại hình Mỹ Tho kết án tử hình vì giết một tên quan Pháp. Nguyên nhân là do tên quan Jaboin, một viên Biện lý tùng sự tại tòa án Trà Vinh, tư tình với vợ Thông Chánh. Thầy Thông Chánh vì không muốn làm lớn chuyện nên xin chuyển về làm ở Sài Gòn nhưng
Jaboin vẫn không buông tha. Ve vãn mẹ không thành, Jaboin quay sang ve vãn con gái là cô Ba Thiệu! Sau, thầy Thông Chánh xin đổi qua Nam Vang rồi về Trà Vinh nhưng vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của tên quan râu xanh. Thầy đâm đơn kiện nhưng bị xử thua. Quẫn trí, thầy Thông Chánh tính đường liều, bắn chết tên Jaboin cùng một số tên quan Pháp:
"Trúng nhằm ông Chánh Vĩnh Long
Trúng ngay bắp vế điệu về nhà thương
Các quan, thiên hạ chạy tuôn
Đua nhau mà chạy ra đường ngẩn ngơ
Trúng nhằm ông Đốc Cần Thơ
Bây giờ lại trúng Chánh Tòa Bạc Liêu
"
Điều lạ là dù hành xử trong cơn phẫn uất nhưng:
"Khá khen cây súng dị kỳ
An Nam không trúng, trúng nhằm
người Tây"
Rõ ràng, truyện thơ Thầy Thông Chánh lan rộng bởi không chỉ đơn thuần là vụ án giết người do ghen tuông thông thường mà quan trọng hơn, thể hiện sự phản kháng, không cam chịu của người Nam bộ trước bè lũ cướp nước. Đó cũng chính là lý do truyện thơ Thầy Thông Chánh bị người Pháp cấm lưu hành.
|
Bìa tập “Sáu Trọng thơ” bổn in lần thứ 6, tại nhà in Bảo Tồn, 176 đường Boulevard de la Somme- Sài Gòn, do Lê Minh Quốc sưu tầm. Ảnh: DUY KHÔI |
Truyện thơ Sáu Trọng cũng nổi danh cùng thời có cốt truyện tương tự như truyện Thầy Thông Chánh. Cái khác là cô vợ Hai Đẩu của Sáu Trọng là một ả đàn bà lẳng lơ, trắc nết, hết tư tình với Tám Lịch, em kết nghĩa của chồng, rồi đến tên Ký lục Be-bo. Ấy vậy mà ả còn mắng nhiếc chồng không tiếc lời, thuê du côn giết chết Sáu Trọng. Sáu Trọng sau khi chém người vợ bạc tình đã đầu thú và bị xử tử trong sự tiếc thương của mọi người:
"Anh hùng sống ở thác về
Nên hư cũng tiếng theo lề lối xưa
Người than, kẻ khóc như mưa
Phút đâu giờ tới chiêng đưa mấy hồi"
Nhân vật Sáu Trọng được dư luận thời ấy coi là bậc anh hùng. Hành động hỏi tội vợ và tên ký lục Be-bo được xem là "tức nước vỡ bờ", "giọt nước tràn ly" trước sự hà khắc, tha hóa của chế độ thực dân. Cũng vì vậy mà thực dân Pháp đã cấm lưu hành truyện thơ này. Nhưng "nghìn năm bia miệng
", dân gian vẫn truyền miệng và xem Sáu Trọng như người hùng, trở thành một điệu nói thơ lúc rỗi rảnh, trà dư tửu hậu. Nói như cố nhà văn Sơn Nam thì truyện thơ Sáu Trọng "đã trở thành một loại ca dao, xứng đáng nêu trong bảng liệt kê văn chương bình dân, xứng đáng được ghi trong chương trình Việt văn". Trong cuốn "Nói về miền Nam", nhà văn Sơn Nam không tiếc lời ca ngợi bổn thơ này: "Đó là hào khí Nam kỳ lục tỉnh. Đó là cách nói văn hoa của Nam kỳ lục tỉnh. Tiếng độc huyền và thơ Sáu Trọng là dân nhạc, dân ca miền Nam".
Trong các truyện thơ được dân gian dùng để nói thơ, thơ Hai Miêng là một trường hợp khá hy hữu. Hai Miêng chính là con trai của tên "mãi quốc cầu vinh" Huỳnh Công Tấn- người bao vây đồn Tân Hòa, bắn Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định khiến ông tuẫn tiết. Cậu Hai Miêng là một tay chơi khét tiếng đất Sài Gòn và cả ở Angieri (lúc Hai Miêng đi du học):
"Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời".
Một tay chơi "chọc trời khuấy nước", lại là con của Việt gian phản quốc, tại sao cậu Hai Miêng lại được ngợi ca hết lời? Đó là bởi tính tình hào hiệp, nghĩa khí của Hai Miêng:
"Thương người thất thế lỡ đường
Thương người trung chánh, ghét phường
tà gian
Cậu Hai tuy thật dọc ngang
Nhưng mà chánh trực vẹn toàn không sai"
Trường hợp của Hai Miêng được coi như "cây đắng sanh trái ngọt". Sau khi du học về, Hai Miêng được cử làm việc dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc lúc đó được điều ra miền Trung đánh phá phong trào yêu nước của anh hùng Mai Xuân Thưởng. Thấy tên Lộc tàn ác, sát hại hàng loạt thường dân, Hai Miêng từ quan chức, trở về làm thường dân, tránh đi theo con đường bất nghĩa của cha. Nhiều ý kiến cho rằng, truyện thơ Hai Miêng ngoài tán dương nghĩa khí đúng với tính cách của người Nam bộ còn lên án sự thối nát, u nhọt của xã hội thời Pháp thuộc: cờ bạc, hút chích
- những "sản phẩm" của chính quyền thực dân. Mới đây, nhà nghiên cứu Hồ Tường còn công bố trên báo chí thông tin khá thú vị: đình Nhơn Hòa (hay đình Cầu Muối) ở TP Hồ Chí Minh trang trọng thờ "đại ca giang hồ" Huỳnh Công Miêng. Chi tiết này cho thấy Hai Miêng được người dân tôn thành bậc hảo hán, trượng nghĩa.
*
* *
Hiện nay, ngoài nói thơ Vân Tiên và nói thơ Bạc Liêu vẫn được lưu truyền, những điệu nói thơ còn lại hầu như rất ít người biết đến. Đôi dòng tìm hiểu về nói thơ Nam bộ cũng là nỗi mong ngóng nghe lại tiếng thơ, tiếng nhạc và cả tiếng lòng của người Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX.
Đăng Huỳnh
..................................
Tài liệu tham khảo:
- Tìm hiểu dân ca Nam bộ. Lư Nhất Vũ, Lê Giang, NXB TP Hồ Chí Minh, 1983;
- Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng, NXB Trẻ, 1998;
- Nói về miền Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ, 2007.