07/08/2011 - 10:57

Nói thơ Bạc Liêu - tiếng quê hương

Đã lâu rồi tôi mới có dịp về Bạc Liêu. Một buổi chiều rảo bước bên bờ sông Bạc Liêu, chợt nghe một giọng nói thơ Bạc Liêu mộc mạc, chân chất mà đầy hào sảng phát ra từ một chiếc xuồng câu:

“...Đời nay chiến sĩ hiên ngang
Đánh Tây giỏi quá nghĩ càng thêm thương...”

Lòng chợt bồi hồi nhớ lại điệu nói thơ mà bà nội đã ru anh em tôi thuở nhỏ. Điệu nói thơ Bạc Liêu là tiếng nói quê hương, thổ lộ biết bao tình cảm, nỗi niềm của người dân.

Một nét quê hương Bạc Liêu. Ảnh: D. KHÔI
 

Nếu so với các loại hình dân ca khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì nói thơ Bạc Liêu được đánh giá là “sinh sau đẻ muộn”. Tuy vậy, nói thơ Bạc Liêu nhờ nét vui tươi, hóm hỉnh nhưng không kém phần sâu sắc, ý vị trong giai điệu và ca từ mà đã trở thành một làn điệu dân ca được người dân của cả vùng châu thổ Cửu Long ngâm nga, diễn xướng.

Theo một số tài liệu, điệu nói thơ Bạc Liêu do nghệ nhân Thái Đắc Hàng sáng tác vào năm 1948 tại ấp Bàu Tròn, xã Tân Hưng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu (cũ, nay thuộc tỉnh Cà Mau). Ông Thái Đắc Hàng sinh năm 1918, tại làng An Xuyên, tổng Quản Long (nay thuộc TP Cà Mau) là con út trong một gia đình nông dân nên thường được gọi là Út Hàng. Ngay từ nhỏ, ông Út Hàng đã đam mê cổ nhạc, nhất là ca vọng cổ. Ông Út Hàng “tầm sư học đạo” khắp nơi với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, trong đó có nhạc sư Sáu Xiếu. Nhờ vậy mà ông trở thành thầy đờn nổi tiếng với cây đờn ghi-ta phím lõm và đờn kìm. Năm 1945, ông Út Hàng tham gia cách mạng, tham gia công tác thông tin, tuyên truyền ở tỉnh nhà. Thời điểm này, nhiều người không hát cải lương và vọng cổ vì cho rằng các thể loại này có giai điệu buồn bã, sầu thảm nên không phù hợp cho nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta. Nhiều văn nghệ sĩ ở Bạc Liêu đã cố gắng sáng tạo một số giai điệu, thể loại nhạc mới để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tình cờ, ông Út Hàng đọc được bài thơ lục bát “Mười thương” của nhà thơ Phi Bằng, lấy làm thích thú. Thế là ông lấy bài thơ này làm lời, ôm cây đờn măng-đô-lin mài mò chế tác ra điệu nói thơ Bạc Liêu. Ngay từ lúc mới ra đời, điệu nói thơ này đã được nhiều chiến sĩ, đồng bào yêu thích và vang vọng giữa những cánh rừng vùng Đất Mũi. Năm 1970, điệu nói thơ Bạc Liêu đã được nhạc sĩ Anatoli Bưtxơkôp người Kazakhstan (thời thuộc Liên Xô cũ) chọn làm nhạc cho vở kịch nói về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam Việt Nam.

Thật ra, nói thơ Bạc Liệu được nghệ nhân Thái Đắc Hàng phát triển từ những điệu nói thơ đã có từ trước ở Nam bộ là nói thơ Vân Tiên và nói thơ Sáu Trọng. Điểm giống căn bản của những điệu nói thơ này là các phím nhạc mở đầu ở từng tiểu đoạn và cách vuốt đuôi, đưa hơi ở cuối câu. Nét riêng của nói thơ Bạc Liêu là chỉ sử dụng điệu thức Oán là chính, với tiết tấu có phần nhanh nhẹn hơn. Theo nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận trong cuốn “Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, cuộc đời và sự nghiệp”: “Thực ra thì đây chính là sự kết hợp rất hài hòa giữa điệu nói thơ Vân Tiên và điệu vọng cổ”. Nói thơ Bạc Liêu thường được đệm bằng đờn kìm, ghi-ta phím lõm hay măng-đô-lin. Cấu trúc mỗi bài được xây dựng bằng nhiều tiểu khúc, mỗi tiểu khúc thường là đôi câu thơ 8 chữ và 6 chữ. Cuối mỗi tiểu khúc có tiếng đưa hơi “ứ, ừ” hay “ớ, ờ” nếu cuối câu sáu không dấu (thanh ngang). Còn nếu cuối câu sáu có dấu thì không cần đưa hơi.

Sự ngọt ngào, truyền cảm của làn điệu nói thơ Bạc Liêu có sức sống mãnh liệt trong thời chiến và là vũ khí quan trọng trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Nói thơ Bạc Liêu được ví von như “liều thuốc bổ” nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước của bao người dân xứ Bạc Liêu. Thời chiến, ở vùng đất này có hẳn một nhóm chiến sĩ chuyên nói thơ Bạc Liêu cổ vũ tinh thần chiến sĩ với những tên tuổi như cô Năm Nhân (bà Phan Thu Huê), cô Nguyễn Ngọc Ảnh, chú Tăng Trường Tấn... Bởi ngoài giai điệu sôi sục, réo rắt mà thâm trầm, phần lời của điệu nói thơ Bạc Liêu cũng rất ý nghĩa, mang tính cổ súy, giáo dục cao.

Lời đầu tiên cho làn điệu này là bài thơ “Mười thương” (còn có tên gọi khác là “Lấy chồng chiến sĩ”) của nhà thơ Phi Bằng. Nội dung bài thơ này ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ. Đó là tâm trạng của một cô gái không chịu lấy chồng mà chờ người chiến sĩ cô thương thắng giặc trở về với bao niềm thương nỗi nhớ:

“Một thương chiến sĩ xa đường

Hai thương chiến sĩ can trường

hơn Tây

Ba thương lặn lội bùn lầy

Bốn thương súng nóp cả ngày

nặng vai

Năm thương cực khổ chẳng nài

Sáu thương lễ phép mặt mày

hân hoan...”

Theo một số vị cao niên ở Bạc Liêu, những năm cuối kháng Pháp và suốt cuộc chống Mỹ, đi đâu trên đất Bạc Liêu người ta cũng nghe rôm rả điệu nói thơ Bạc Liêu với những âm đệm “ứ ừ” nghe rất vui tai, thú vị. Cùng với sự lan tỏa và sức hút của điệu nói thơ Bạc Liêu, hàng loạt lời mới được viết nên theo làn điệu này. Phần lớn lời lẽ có nội dung cổ súy cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc và ca ngợi sự kiên trung, vững chí, bền gan của người dân Nam bộ, như: “Tẩy chay giấy bạc xanh xăng”, “Cứu trợ đồng bào Thủ Dầu Một - Biên Hòa”, “Thương anh Vệ quốc quân”, “Động vi binh, tịnh vi dân”, “Khuyên chồng ra mặt trận”, “Quê hương Bạc Liêu”, “Đám cưới”, “Nam kỳ khởi nghĩa”, “Cổ động thanh niên tòng quân”... Những bài thơ lục bát có bố cục chặt chẽ, sử dụng biện pháp tu từ, điển cố, điển tích khá đắt và nhất là lời thơ mộc mạc, gần gũi với những hình ảnh quen thuộc của người dân phương Nam nên tạo cho người nói, người nghe sự thích thú. Sau này, còn xuất hiện nhiều lời mới với nội dung ca ngợi tình đất tình người miền đất phương Nam nói chung, xứ sở Bạc Liêu nói riêng. Nhưng có lẽ, bài “Vè con gái hư”, đã bồi đắp cho điệu nói thơ Bạc Liêu một sức sống trường tồn. Với lời lẽ bông đùa, vui tươi và có phần chanh chua, “Vè con gái hư” được đánh giá là một trong những phần lời hay và thành công nhất của điệu nói thơ Bạc Liêu. Đó là câu chuyện về một cô gái mà “tứ đức”: công, dung, ngôn, hạnh đều không có nhưng quy tụ tất cả thói xấu trên đời. Hãy nghe điệu nói thơ Bạc Liêu “kể tội”:

“Nấu cơm bữa thiếu bữa dư

Bữa sống bữa khét, bữa như

cháo bồi

Đụng đâu cũng lết cũng ngồi

Tay bôi (mà) vạt áo như nùi

giẻ lau

Quần thì ống thấp ống cao

Miệng ăn (cái mà) cơm hớt,

tào lao tối ngày

Ngồi lê đôi mách biệt tài...”

Và còn cái tật hậu đậu, lười biếng, không ngăn nắp khiến mọi người phải lắc đầu. Tác giả phê phán:

“Người gì chẳng biết nghĩ suy

Gái gì chẳng chút nhu mì

nết na

Rổ sàng phơi nắng phơi mưa

Đụng đâu (mà) liệng đó, thúng nia bung vành

Nồi ơ chẳng biết lủng lành...”

Nói thơ Bạc Liêu không chỉ tồn tại và được diễn xướng trong môi trường dân gian truyền khẩu mà được lồng ghép vào trong các loại hình nghệ thuật khác. Có thể nói, nói thơ Bạc Liêu là một trong số ít loại hình dân ca được sử dụng nguyên bản hay “vay mượn” nhiều nhất. Nhiều người vẫn không thể cầm được nước mắt với hình ảnh hai chị em Nghi Xuân, Tấn Lực bị dì ghẻ hành hạ phải trốn đi trong phim “Phạm Công Cúc Hoa”. Trong đoạn hai chị em đi xin ăn, nghệ sĩ Bích Phượng, ái nữ của NSND Út Trà Ôn, đã có một đoạn nói thơ Bạc Liêu nghe buồn thương vô cùng:

“Kẻ thương người ghét, kẻ thời

đuổi xô

Xót xa thân trẻ bơ vơ

Như đờn (mà) lạc nhịp, như gà

hết kêu

Nỗi niềm tử biệt sinh ly

Âm dương cách trở, mẹ thời

xa con...”

Trong một số phim khác nói về đất và người Nam bộ cũng sử dụng làn điệu này như: “Đất Phương Nam”, “Máu thắm đồng Nọc Nạng”... Sau ngày hòa bình, nhạc sĩ Phan Nhân đã mượn âm điệu của điệu nói thơ Bạc Liêu để sáng tác ca khúc rất nổi tiếng “Trên quê hương Minh Hải”. Tiếp đó, nhiều ca khúc hay được phát triển từ điệu thức của nói thơ Bạc Liêu ra đời như: “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (Lư Nhất Vũ), “Chở pháo sang sông” (Cao Phương - Hoàng Hiệp), “Trở lại Bạc Liêu” (Vũ Đức Sao Biển), “Bông điên điển” (Hà Phương)... Tất cả đều có một sức sống riêng, độc đáo nhưng mang hơi thơ của điệu nói thơ Bạc Liêu đầy tình cảm, vấn vương.

* * *

Ra đời chỉ hơn 60 năm nhưng nói thơ Bạc Liêu đã trở thành tiếng nói ân tình, tiếng lòng của người dân xứ Bạc Liêu. Nói thơ Bạc Liêu mang hơi thở của phù sa sông rạch, của một thời chiến đấu oai hùng, phảng phất một tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Giờ, những khi rảnh rỗi, nhiều người dân xứ sở này vẫn đem cây đờn măng-đô-lin, đờn kìm hay ghi-ta phím lõm ra, tay nâng phím nhạc mà cất lên những điệu nói thơ.

Tiếng nói thơ của ông lão đánh cá đã vẳng xa sau những vạt dừa nước bạt ngàn mà lòng tôi còn lưu luyến mãi. Tự hào vì quê hương Bạc Liêu có điệu nói thơ phóng khoáng, dễ dãi mà nghĩa tình như con người nơi đây vậy!

Đặng Duy Khôi

---------------------
Tài liệu tham khảo:

1. “Tác Giả Cổ Nhạc Bạc Liêu - Cuộc đời và sự nghiệp” - Trần Phước Thuận - NXB Văn hóa - Thông tin, 2007.

2. “Dân ca Kiên Giang” - Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang - Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kiên Giang xuất bản năm 1985.


Chia sẻ bài viết