09/08/2019 - 18:58

Nội ơi, con biết lỗi!

Trời nắng chang chang, đường phố đông đúc xe cộ ngược xuôi. Thắm vừa gấp gáp, vừa âu lo nhìn 10 tấm vé số, nhủ thầm, bữa nay ai mở hàng mà bán ì ạch từ sáng đến giờ hổng trôi. Mọi ngày, giờ này Thắm đã hết vé, về phụ giúp nội việc nhà cửa, bếp núc. Lau vội giọt mồ hôi trên má, Thắm gắng vòng qua vài tuyến đường khu vực chợ, nài nỉ “mối ruột” mấy chú bốc vác rau cải, hàng hóa mua ủng hộ. Thắm ghé quán bà Tư mua ly cà phê mang đi cực ngon, món khoái khẩu của nội, rồi tạt qua đại lý vé số của ông Tỷ trả tiền. Ông Tỷ khen Thắm bán giỏi, còn cho chị em Thắm 20 quyển tập. Thắm nhớ, lúc mới nghỉ hè, Thắm đến xin lấy vé số bán, kiếm tiền dành mua đồng phục, học phẩm và đóng học phí đầu năm cho Thắm và út Thành, ông Tỷ trợn mắt răn đe: “Nhắm bán được hông? Bà nội bây biết, la… tắt bếp”. Trưa nào, thấy Thắm ngang qua, ông Tỷ cũng nhắc chừng trả vé, đừng để trễ quá, sẵn dúi cho Thắm lúc chai nước, trái táo, khi bọc kẹo, mấy củ khoai, trái bắp, dặn về chia út Thành. Mới đây, ông Tỷ lựa lời nói nội biết chuyện Thắm bán vé số, nội nói chỉ bán hết hè và nhắc chị em Thắm cố gắng chăm ngoan, học giỏi để ông Tỷ vui. 

Gia cảnh khó khăn, bươn chải xuôi ngược nhưng mãi túng thiếu, cha mẹ Thắm quyết định đi làm ăn xa, gởi chị em Thắm cho ông bà nội gần 70 tuổi nghèo khó để có thể ổn định học hành. Ông nội tranh thủ chạy từng cuốc xe ôm chở người quen, bà con trong xóm đi công việc, chợ búa, còn bà nội cực khổ với mâm bánh cam, bánh còng, chắt chiu, tiết kiệm từng đồng lẻ, chăm lo chị em Thắm đến trường. Tuy bận rộn mưu sinh nhưng ông bà nội luôn dành thởi gian han hỏi, chuyện trò, dạy dỗ chị em Thắm điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế…

  Mãi suy nghĩ, đến ngã tư chuẩn bị qua đường về nhà, Thắm bất chợt nhìn thấy dưới mũi dép mòn lẳng chiếc lắc vàng lóng lánh nằm dưới rãnh lòng đường, như “níu” bước chân. Nhìn trước ngó sau không thấy ai vẻ tìm kiếm vật đánh rơi, Thắm cúi nhặt rồi đi như chạy về nhà. Thắm hí hửng đưa nội xem chiếc lắc vàng giá trị, nội nghiêm sắc mặt: “Nhặt được của rơi con vui vậy sao, có nghĩ đến người mất của không? Con mau đi trình bày sự việc và trao món đồ này để các chú công an tìm người trả lại chớ…”. Từ tấm bé đến giờ 13 tuổi, Thắm chưa từng thấy nội nổi giận như thế, kể cả những lần chị em Thắm phạm lỗi. Nước mắt chực trào, Thắm lí nhí biện minh luôn nhớ lời nội răn dạy, nhặt của rơi phải trả lại người mất nhưng do sự việc quá bất ngờ. Vả lại, thời khắc đó Thắm chỉ kịp nghĩ, nếu nội bán món đồ giá trị này, sẽ có điều kiện xoay trở trong nhà, có vốn liếng buôn bán, nhẹ gánh lo chị em Thắm... Nội không nói không rằng, cắp nón, quầy quả kéo tay Thắm đi…

   Chú công an phường làm xong các thủ tục cần thiết, quay sang cười thân thiện với nội, không quên xoa đầu khen Thắm ngoan, nhặt của rơi biết trả lại. Suốt đường về nhà, nội lặng thinh không nói câu nào. Thắm lo lắng, sụt sùi: “Nội ơi, đừng giận, con biết lỗi rồi. Con không như vậy nữa”. Nội âu yếm ôm Thắm vào lòng: “Con biết lỗi và không tái phạm được rồi. Nghèo cho sạch, rách cho thơm nghen Thắm!”.

M.T

Chia sẻ bài viết