Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH
Mặc dù đang vào mùa khô hạn, thế nhưng người dân ở một số vùng ven biển ÐBSCL vẫn canh cánh nỗi lo sạt lở làm mất nhà, mất đất, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt…
Sạt lở bờ biển ở xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) phức tạp, đe dọa tính mạng nhiều hộ dân.
Mất nhà, mất đất… vì lở
Tháng 4-2023, chúng tôi tìm đến “làng chạy lở” nằm ven biển thuộc 2 ấp Ðông Thành và Hồ Thùng (xã Ðông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chứng kiến hàng trăm hộ dân mất ăn mất ngủ vì nạn sạt lở ngày càng phức tạp. Bà Nguyễn Thị Hường, nhiều năm sinh sống tại xứ này, cho biết: “Ðây là khu vực đất giồng cát ven biển, nên người dân chuyên sản xuất rau màu các loại như bắp, dưa hấu, cải, đậu, củ hành tím… Hễ xong vụ rau màu thì đàn ông và thanh niên có sức khỏe nhảy xuống ghe ra biển đánh bắt hải sản để mưu sinh. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua đã mấy đời như vậy. Thế nhưng những năm gần đây không hiểu vì sao tình trạng sạt lở bờ biển cứ ập đến khu vực này liên tục làm mất nhà, mất đất, khiến mọi sinh hoạt bình thường bị đảo lộn”.
Chỉ chúng tôi về hướng mấy chiếc ghe đánh cá đang neo đậu ngoài biển xa, ông Nguyễn Văn Tộc (ngụ ấp Ðông Thành, xã Ðông Hải) thở dài: “Từ bờ biển hiện tại trở ra ngoài khơi xa khoảng hơn 300m là nơi ngày trước gia đình tôi canh tác 2,5 công đất giồng để trồng rau màu hằng năm. Tuy nhiên, khoảng chục năm nay xuất hiện nạn sạt lở làm cho đất sản xuất cứ mất dần; đặc biệt là 4 năm gần đây sạt lở vô cùng dữ dội mà người dân và cả chính quyền địa phương chỉ biết tháo chạy chứ không thể ứng phó. Biển cứ lấn đến đâu, dân xứ này chạy lùi dần và đến nay gia đình tôi mất hết đất đai canh tác, giờ phải đi ra biển đánh cá hoặc đi làm thuê kiếm sống”.
Dọc theo bờ biển xã Ðông Hải có nhiều căn nhà trống huơ trống hoắc, vách và cửa bị đổ sập vì bị sóng biển làm hư hỏng buộc người dân phải tháo chạy. Ông Nguyễn Văn Ðoàn thở dài: “Ðợt triều cường kết hợp sạt lở vào tháng 1-2023 làm cho nhiều căn nhà bị trôi ra biển hoặc bị nước biển tràn vào làm hư hỏng nặng. Gia đình tôi cũng phải dời nhà tháo chạy vì nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng”. Cùng cảnh ngộ trên, ông Danh Văn Mở, than: “Ðợt sạt lở vừa rồi làm căn nhà của gia đình sụp xuống biển, từ đó đến nay cả nhà phải đi ở đậu bởi không còn đất để di dời. Trước đó, gia đình cũng bị sạt lở cuốn trôi toàn bộ 13 công đất giồng cát; giờ đây cuộc sống vô cùng khó khăn do mất tất cả…”. Không chỉ đất đai, nhà cửa bị mất, mà cả mồ mả chôn cất lâu năm ở khu vực này cũng phải cuốn ra biển, nếu gia đình nào chưa kịp di dời...
Không riêng gì Trà Vinh, mà tình trạng sạt lở bờ biển ở khu vực ÐBSCL thời gian qua diễn biến phức tạp. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Ðông (đoạn thuộc xã Vĩnh Trạch Ðông, TP Bạc Liêu). Vị trí sạt lở có chiều dài là 46m, nguyên nhân do rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Tại Cà Mau, mới đây khi kiểm tra tuyến đê biển Tây từ Tiểu Dừa đến Giồng Cát phát hiện 3 đoạn nứt mặt đê dài hơn 190m. Nguyên nhân có thể do thời tiết khô, mực nước thấp gây áp lực lên thân đê…
Di dời dân đến nơi an toàn
Theo khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, toàn vùng ÐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 744km, thì hiện nay có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Các nhà chuyên môn lưu ý, bờ biển ÐBSCL đang chịu nhiều áp lực trước sự thay đổi của tự nhiên và hoạt động của con người. Tình trạng sạt lở ngày càng tăng, bởi nguồn phù sa từ thượng nguồn suy giảm làm ảnh hưởng đến quá trình bồi lắng của đồng bằng; hệ sinh thái ven bờ biển và rừng ngập mặn ven biển đang bị mất dần, cùng với đó là hiện tượng nước biển dâng và sụp lún, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nhiều. Sạt lở bờ biển gia tăng đã làm mất đi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; mất nhà cửa, tài sản, sinh kế của người dân… tác động không nhỏ đến đời sống và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ven biển.
Những năm qua, nhiều địa phương ven biển ÐBSCL nỗ lực phòng chống sạt lở bằng nhiều giải pháp như kè kiên cố khu vực xung yếu, nơi quan trọng; kè bê tông ly tâm để tạo bãi bồi trồng lại rừng; các loại kè chắn sóng… Mặc dù tốn kém nhiều kinh phí, nhưng đến nay việc ngăn sạt lở vẫn rất gian nan.
Gia cố đê biển Tây ở Cà Mau đề phòng chống sạt lở.
Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở NN&PTNT thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo ở khu vực sạt lở ven biển để ngăn người, phương tiện vào khu vực sạt lở; theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà dân; thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở… Trao đổi với phóng viên, ông Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Ðông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cho hay: “Trước tình hình sạt lở ngày càng trầm trọng, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh có cuộc họp với các ngành chức năng và chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục, bảo vệ an toàn đời sống người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng vừa công bố tình huống sạt lở khẩn cấp ở khu vực này. Phía UBND xã cũng vừa thống kê thực tế cho thấy toàn khu vực có 166 hộ với 498 nhân khẩu bị ảnh hưởng sạt lở bờ biển. Trong đó, 56 hộ với 203 nhân khẩu có nhà ở cặp bờ biển, mất an toàn cao bởi nguy cơ đổ sụp xuống biển bất cứ lúc nào, cần di dời khẩn cấp. Ngoài ra có khoảng 55ha đất nguy cơ bị sạt lở rất cao, nếu ngành chức năng không sớm có giải pháp cấp bách để khắc phục”.
Về nguyên nhân, ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, thông tin: “Do khu vực biển này thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là vào mùa gió chướng. Vì vậy, vài năm gần đây đã có khoảng 3km chiều dài ven biển bị nước biển xâm thực làm mất hơn 210ha đất sản xuất rau màu và đất rừng phòng hộ. Mới nhất là đợt triều cường hồi tháng 1-2023, kết hợp với sóng lớn làm nước biển dâng cao tràn vào đất liền, gây thiệt hại nhiều nhà dân và sản xuất nông nghiệp”. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở khu vực biển Ðông Hải cho hay, đến nay ngành chức năng chưa công bố chính thức nguyên nhân gây sạt lở ngày càng phức tạp, song theo quan sát của bà con sống lâu năm thì những tác động của biến đổi khí hậu là khá rõ. Ngoài ra, khoảng 4 năm nay khi các đơn vị chuyên môn triển khai thi công kè bê tông ly tâm dài hơn 1,1km tại xã Ðông Hải, do chưa hoàn thiện nên dòng chảy từ biển có thể thay đổi, đưa nước biển xoáy mạnh vào bờ nhiều hơn trước.
Theo ông Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Ðông Hải, trước mắt xã đang phối hợp với các ngành chức năng huyện Duyên Hải và tỉnh Trà Vinh, khẩn trương đầu tư xây dựng khu tái định cư nhằm di dời khẩn cấp cho 56 hộ đang rất nguy hiểm đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Vị trí đất đã có và các đơn vị đang triển khai thực hiện cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt. Song song đó, lập phương án di dời 110 hộ khác có nhà cặp ven biển, nguy cơ mất an toàn, cần phải di dời theo lộ trình trong thời gian tới. Kiến nghị cấp trên xem xét đầu tư khẩn cấp tuyến bờ bao khu vực 2 ấp Ðông Thành và Hồ Thùng với chiều dài khoảng 3km, để ngăn triều cường, ngăn nước biển tràn vào nhằm bảo vệ hơn 300ha đất sản xuất của trên 400 hộ dân có nguy cơ bị thiệt hại. Ngoài ra, ngành chuyên môn cần sớm hoàn thiện dự án kè bê tông ly tâm kết hợp trồng rừng tạo bãi bồi ven biển trên địa bàn xã; sớm nghiên cứu dòng chảy từ biển vào khu vực này có thay đổi không nhằm đưa ra những giải pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu sạt lở…