04/10/2010 - 20:48

THỰC HIỆN MỨC THU HỌC PHÍ MỚI

Nỗi lo ở các trường vùng ven

Vật giá tăng cao, các mức thu cũ sẽ khó đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ. Trong ảnh: Giờ ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai.

Thực hiện Nghị quyết số 08/2010/NQ- HĐND ngày 25-6-2010, ngành giáo dục TP Cần Thơ bắt đầu thực hiện mức thu học phí mới từ năm học 2010-2011. So với mức học phí cũ, mức học phí mới ở các cấp học đều tăng. Nếu tính theo thời giá hiện nay, mức học phí mới không cao nhưng với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn ở một số địa phương vùng ven, thì đây quả là gánh nặng đối với không ít phụ huynh học sinh…

Tăng học phí: phù hợp với xu hướng chung...

Đến hết tháng 9-2010, Trường Mầm non thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, đã hoàn thành các khoản thu đầu năm học. Ngoài ra, trường cũng đã vận động hơn 220 triệu đồng từ phụ huynh để hỗ trợ giáo viên và sửa chữa trường lớp. Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, cũng đã thu được các khoản tiền đầu năm học của trên 50% học sinh. Phần lớn, các trường trên địa bàn quận Ninh Kiều cũng gần như hoàn thành các khoản thu đầu năm. Tại Trường THPT Châu Văn Liêm, hơn 90% học sinh đã nộp các khoản phí. Đây cũng là tỷ lệ mà Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều đạt được tính đến thời điểm hiện nay. Các khoản thu đầu năm học ở Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, cũng đã đạt hơn 70%, số học sinh còn lại đang chờ được xem xét thực hiện các chính sách miễn, giảm phù hợp...

So với mức thu cũ đã được áp dụng từ những năm 1990, mức học phí mới tăng đều ở các bậc học. Mức tăng cụ thể tùy thuộc vào địa bàn dân cư và loại hình trường trọng điểm hay trường bình thường... Chẳng hạn, trường mầm non trọng điểm tại các quận có mức thu học phí là 130.000 đồng/ tháng; trong khi đó, trường mầm non trọng điểm tại các huyện là 65.000 đồng/ tháng. Trường mầm non bình thường ở các huyện thu mỗi tháng 30.000 đồng, còn ở quận mức thu là 65.000 đồng/ tháng. Đây là mức chênh lệch phù hợp với điều kiện kinh tế của từng khu vực. Ông Nguyễn Văn Bình, nhà ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: “Vợ chồng tôi đều đi làm, mức thu nhập khá, có 1 con trai đang học mẫu giáo 5 tuổi, nên đầu năm học chúng tôi đóng các khoản thu ngay mà không gặp nhiều khó khăn. Theo tôi, mức học phí này cũng phù hợp so với thời giá hiện nay”.

Khó cho vùng ven...

Khác với khu vực trung tâm quận, huyện, đối với nhiều học sinh khu vực vùng ven còn khó khăn, gia đình lại không thuộc vào diện chính sách, ưu tiên thì các khoản thu đầu năm học quả là gánh nặng. Cô Đinh Thị Tuyết Nga, Trường Mẫu giáo Trường Xuân A, huyện Thới Lai, cho biết: “Mấy năm trước, trường chỉ thu được khoảng 60% các khoản phí với mức thu 30.000 đồng/ năm học. Mức thu mới là 300.000 đồng (270.000 đồng học phí và 30.000 đồng hội phí), tăng gấp 10 lần so với trước. Đó là chưa tính đến các khoản: tiền đồng phục, tập, cặp da... Vì vậy, từ đầu năm đến nay, trường chỉ thu được học phí của 48 cháu, nhưng rất ít phụ huynh đóng một lần cho cả năm học mà hầu như chỉ đóng vài tháng, một học kỳ”.

Không có tiền đóng học phí, phụ huynh phải cho con nghỉ học. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của Trường Mẫu giáo Trường Xuân A chỉ đạt khoảng 80% trong khi để thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, ngành giáo dục thành phố yêu cầu phải vận động trên 95% trẻ 5 tuổi ra lớp. Theo cô Nga, số trẻ 5 tuổi mà trường cần tiếp tục vận động ra lớp là 20 cháu. Cô Nga kể: “Nhiều phụ huynh đề nghị được miễn, giảm học phí thì mới cho con học. Thế nhưng, học phí do thành phố qui định, các đối tượng miễn giảm rõ ràng, trường đâu thể quyết định được. Vì vậy, trường cũng đã đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, đồng ý cho phụ huynh nợ tiền học phí hoặc chỉ thu 1/3 hay ½ tổng các khoản thu để tạo điều kiện cho học sinh ra lớp”.

Trường THCS Thới Thuận, quận Thốt Nốt cũng rơi vào trường hợp tương tự. Ông Cao Hồng Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Thuận, cho biết: “Mỗi năm trường chỉ thu được các khoản phí của 30-40% tổng số học sinh trong trường. Năm nay, học phí tăng khoảng gấp đôi so với năm học trước nên càng khó thu hơn. Tính đến hết tháng 9-2010, chưa đến 10% tổng số học sinh của trường đã nộp đủ các khoản thu”. Trường THPT Tân Lộc, quận Thốt Nốt cũng không khá hơn vì từ đầu năm đến nay, chỉ thu được các khoản phí của chưa đến 10% tổng số học sinh. Thầy Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lộc, cho biết: “Nếu xiết các khoản thu thì học sinh nghỉ học”. Tại Trường THPT Trung An, tình hình cũng không khá hơn dù trường đã tạo điều kiện cho học sinh bằng cách đóng các khoản thu đầu năm thành nhiều lần...

***

Cần phải khẳng định rằng khung học phí mới ban hành theo Nghị quyết số 08/2010/NQ- HĐND ngày 25-6-2010 của HĐND TP Cần Thơ không phải là quá cao đến mức phụ huynh học sinh không thể chi trả. Mức học phí mới cũng tạo điều kiện tăng nguồn kinh phí hoạt động cho các trường khi suốt 10 năm qua, lương cơ bản đã tăng nhiều lần, chỉ số tiêu dùng tăng liên tục nhưng mức học phí vẫn không hề thay đổi. Bên cạnh đó, những học sinh nghèo, học sinh gia đình chính sách cũng được hưởng chế độ miễn giảm. Ngành giáo dục cũng đã phối hợp vận động hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, rất cần những giải pháp linh hoạt để hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng học sinh cũng như các trường vùng ven, đặc biệt là trường mầm non.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết