08/09/2018 - 23:47

Nỗi lo làm mẹ ở tuổi vị thành niên 

Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, hơn 1.000 trường hợp trẻ vị thành niên sinh con tại đây. Qua số liệu này, các bác sĩ chuyên khoa đã cảnh báo về những nguy cơ gặp phải cả về thể chất lẫn tinh thần của những người mẹ trẻ và những trẻ sơ sinh chào đời trong hoàn cảnh này.

Mang thai ở tuổi vị thành niên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển tinh thần. Ảnh minh họa: Trẻ khỏe mạnh chào đời tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Ảnh: CTV.
Mang thai ở tuổi vị thành niên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển tinh thần. Ảnh minh họa: Trẻ khỏe mạnh chào đời tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Ảnh: CTV.

Cụ thể, năm 2017, có trên 700 trường hợp nhập viện sinh, trong đó, khoảng 1/3 trường hợp có chỉ định mổ lấy thai, nguyên nhân do chuyển dạ đình trệ vì bất tương xứng giữa thai và khung chậu của người mẹ. Trong 8 tháng năm 2018, BV tiếp nhận hơn 300 trường hợp mang thai vị thành niên.

Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng khoa Sanh BV Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết, mang thai ở tuổi vị thành niên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng thai phụ. Hầu hết các trường hợp đều mang thai ngoài ý muốn, do vậy, các bé gái thường đối mặt với các nguy cơ sức khỏe do những biến chứng của nạo phá thai. Và có những biến chứng âm thầm, kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, như hở eo tử cung, dính buồng tử cung, tắc ống dẫn trứng, bệnh nhân có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung ở những lần mang thai sau, thậm chí vô sinh...

Ghi nhận từ thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm, cho biết thêm, trong quá trình sinh con, người mẹ trẻ thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, do các cơn đau của cuộc sinh vượt sức chịu đựng. Thêm nữa, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên dẫn đến sự đình trệ trong quá trình chuyển dạ, buộc các em gái phải mổ lấy thai. Bên cạnh đó, các em dễ gặp các tình trạng nguy hiểm trong lúc sinh, gây đờ tử cung, chảy máu diện nhau bám, tình trạng nhau cài răng lược, đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Người mẹ trẻ có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản cao; những cơn đau đẻ chưa từng có cũng khiến tâm lý của các sản phụ vị thành niên trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang, trầm cảm... Chứng trầm cảm sau sinh dao động từ 7-37%. Tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm sau sinh gia tăng cao trong 3 tháng đầu sau sinh.

Theo ghi nhận từ góc độ xã hội, những người mẹ vị thành niên chưa đủ điều kiện, kiến thức, kỹ năng xã hội để nuôi dạy một đứa trẻ. Trẻ vị thành niên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để chuẩn bị tốt cho quá trình mang thai và sinh con. Do đó, dễ gặp biến cố trong thời kỳ mang thai, trong lúc sinh cũng như trong quá trình làm mẹ. Tâm lý không ổn định có thể dẫn đến nhiều suy nghĩ tiêu cực trong các mối quan hệ xã hội ví dụ như tâm lý đổ lỗi, gây hấn, cáu gắt… Từ đó làm gia tăng xu hướng trầm cảm hoặc thậm chí là bạo lực. Sự ràng buộc về con cái khiến người mẹ vị thành niên bị ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai, cũng như vấn đề kinh tế sau này.

Các bác sĩ sản khoa cũng như các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, trong trường hợp trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn, thì vai trò hỗ trợ của những người thân xung quanh trẻ rất quan trọng. Nhiều trường hợp bị chỉ trích nặng nề sẽ làm trẻ tổn thương, có thể dẫn đến tự kỷ, đôi khi dẫn đến mắc bệnh tâm thần. Một số trẻ vị thành niên sau khi trải qua nạo hút thai dẫn đến ám ảnh kéo dài, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này. Các bậc phụ huynh và nhà trường cũng cần tư vấn, hướng dẫn trẻ đầy đủ kiến thức, thái độ, kỹ năng trước vấn đề quan hệ tuổi học đường. Trong đó, có tư vấn các biện pháp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn bao gồm bao cao su tránh thai, viên uống tránh thai và thuốc tránh thai khẩn cấp, biện pháp tránh thai tự nhiên. Các em quan tâm về vấn đề này, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo được tư vấn riêng tư, bảo mật thông tin.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết