 |
Để tiết giảm chi phí nhiên liệu, nhiều người sử dụng than để thay thế khi giá ga tăng cao. |
Từ ngày 1-7-2008, giá ga tăng thêm 7.000 đồng/bình 12kg. Vậy là sau 2 lần tăng giá vào tháng 6 và lần tăng giá này, giá ga đã “đội” thêm khoảng 22.000 - 24.000 đồng/bình 12kg so với cuối tháng 5. Giá ga tăng cao làm các doanh nghiệp kinh doanh ga rơi vào tình cảnh khó khăn khi sản lượng tiêu thụ giảm, bởi không ít người đã bỏ ga chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu khác.
Hơn 1 năm nay, việc điều chỉnh giá ga vào mỗi kỳ đầu tháng đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Điều đáng quan tâm ở đây là sự điều chỉnh này thường đưa giá ga liên tục lập kỷ lục mới. Giá ga trong nước không còn được bảo trợ và bị tác động trực tiếp của giá nguyên liệu thế giới.
Sau khi giảm giá nhẹ từ 2.000 - 4.000 đồng/bình trong tháng 4-2008, trong vòng 3 tháng nay (tháng 5, 6, 7) giá ga liên tiếp tăng 4 lần và người tiêu dùng phải trả thêm trên 30.000 đồng/bình. Giá ga bán lẻ đến tay người tiêu dùng hiện nay đang được áp dụng: các loại bình 12kg của Gia Đình gas, Saigon Petro, Vinagas, Total gaz... từ 272.000 - 275.000 đồng/bình, Petro Vietnam gas 280.000 đồng/bình 12kg, Elf gaz 300.000 - 315.000 đồng/bình 12,5kg, Petrolimex 310.000 -315.000 đồng/bình 13kg.
Giải thích vấn đề này, các công ty kinh doanh ga cho rằng nguyên nhân chính khiến giá ga bán lẻ trong nước tăng là do giá ga thế giới tăng. Nhưng theo các công ty kinh doanh ga, với mức tăng 20USD/tấn như hiện nay, giá ga bán lẻ chỉ tăng khoảng 4.500 đồng/bình 12kg, do phí vận chuyển tăng khiến các công ty kinh doanh phải điều chỉnh giá ga bán lẻ trong nước tăng cao. Theo tính toán của các công ty kinh doanh ga, với giá CP (giá trao đổi trên thị trường ga thế giới) hiện tại là 927,5 USD/tấn chỉ tính riêng giá vận chuyển thì giá ga đã đạt trên 1.100 USD/tấn.
Lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu ga từ 4% xuống còn 2% và ở mức 0% vào ngày 20-11-2007 với mong muốn kìm giá ga trong nước gần như không mang lại hiệu quả. Bởi theo các công ty kinh doanh ga, mặc dù thuế suất nhập khẩu bằng 0% nhưng vẫn không thể “theo kịp” so với mức giá tăng của giá ga thế giới cùng với các loại chi phí khác.
Giá ga tăng liên tục đã trở thành gánh nặng không nhỏ cho người tiêu dùng. Vì thế, việc chuyển hướng sử dụng nguồn nguyên liệu khác như than, điện đang được nhiều người áp dụng. Tại các vùng nông thôn, ngoại thành, việc người dân quay lại sử dụng các loại nhiên liệu thay thế như củi, than đang dần trở thành phổ biến. Còn tại thành thị, ngoài nhu cầu và do điều kiện sống thì việc sử dụng ga đôi khi trở thành bắt buộc. Chị Hoàng Thị Thanh Nhàn, sinh sống tại một nhà trọ đường 3-2, phường Xuân Khánh, cho biết: “Gia đình ở quê lên thành phố làm ăn sinh sống với bao chật vật khó khăn. Mức tăng của lương đã không thể theo kịp với việc tăng giá nhà trọ, giá lương thực. Giá ga tăng liên tục như hiện nay càng gây khó khăn cho gia đình ở trọ. Vì vậy, các loại đồ ăn phải đun nấu lâu cũng dần giảm bớt”.
Việc tiết giảm dùng ga không chỉ trong các gia đình mà đang được thực hiện tại nhiều quán ăn, quán cà phê... Một quán cơm bình dân đường 3-2, phường Xuân Khánh cho rằng, trong danh sách các mặt hàng cần phải tiết kiệm để giảm bớt chi phí thì ga là mặt hàng đứng đầu. Từ nhiều tháng nay, quán cơm này bỏ hẳn dùng ga làm chất đốt mà thay vào đó là than tổ ong hay than đước, nhờ vậy mà giá cơm không bị đội lên quá nhanh.
Việc tăng giá ga không chỉ người tiêu dùng phải gánh chịu mà ngay cả các công ty kinh doanh ga cũng gặp không ít khó khăn trước tình hình doanh thu giảm. Nhiều công ty cho biết trong những tháng gần đây sản lượng tiêu thụ ga đã giảm 10-20%. Tương tự, tại nhiều đại lý phân phối, đặc biệt có phân phối về các vùng nông thôn, cũng cho rằng lượng ga bán ra giảm đi rất nhiều.
Là một trong những đại lý phân phối lớn trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Lý Lâm Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH TM Huy Hoàng, cho biết: “Sản lượng ga tiêu thụ đã giảm khoảng 1/3 so với năm trước. Hệ lụy kéo theo không chỉ là việc giảm bớt đồng lời từ sản lượng mà doanh nghiệp còn phải chịu lỗ thêm tiền nhân công, rồi còn phải chịu thêm mức tăng của lãi suất ngân hàng”.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM