14/04/2019 - 15:18

Bia Thoại Sơn

Nơi ghi dấu công lao của tiền nhân thời mở đất 

HUỲNH HÀ

Bia Thoại Sơn đã in dấu trên sử sách từ hai thế kỷ qua, do cụ Thoại Ngọc Hầu dựng năm 1822. Đây là 1 trong 3 di tích lịch sử loại bi ký nổi tiếng ở Việt Nam thời phong kiến còn lưu lại đến ngày nay. Hai bia kia là Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa và Vĩnh Tế Sơn ở Châu Đốc. Bia Vĩnh Lăng do đức Lê Lợi dựng sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi (1418-1428), còn bia Vĩnh Tế Sơn cũng do cụ Thoại Ngọc Hầu dựng năm 1828, bốn năm sau khi công trình đào kinh Vĩnh Tế hoàn tất(1).

Nhà thờ Thoại Ngọc Hầu.

Vào đầu thế kỷ XIX, mặc dù vùng đất Nam bộ đã được khai phá khá lớn, làng xóm và chợ búa không ngừng mọc lên... nhưng vẫn còn nhiều vùng rừng hoang cỏ rậm và ngay cả những nơi đã có dân cư lập nghiệp nhưng giao thông vẫn chưa thuận tiện. Để phát triển đất này, phải phá đá, xẻ rừng, khơi thông dòng nước, đào kinh dẫn thủy nhập điền, mở đường giao thương. Đó là lý do mà cụ Thoại Ngọc Hầu đào kinh Thoại Hà. Vùng núi Sập trong khoảng thời gian này còn hoang vu, đất đai khai khẩn chưa được là bao, người sống thưa thớt, các lạch nước tuy sẵn có nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng cỏ cây giăng lấp. Trước đây con sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi sự đi lại của ghe tàu từ Long Xuyên và các nơi khác trong vùng ĐBSCL sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại phải dùng đường biển vòng xuống Cà Mau(2).

Theo Địa chí An Giang, tập 2, vào năm 1817, khi cụ Nguyễn Văn Thoại về trấn thủ Vĩnh Thanh, ông chủ trương đào con kinh Đông Xuyên- Rạch Giá, đầu kinh là Ba Bần ngày nay. Vua Gia Long chấp thuận và mùa xuân năm 1818, việc đào kinh được khởi công. Sưu dân lúc bấy giờ tổng cộng khoảng 1.500 người, được triều đình đài thọ lương thực và thực phẩm. Kinh đào theo lạch nước cũ nên thuận lợi dễ dàng, qua một tháng đã hoàn thành công trình. Con kinh có bề rộng 20 tầm, chiều dài tới Rạch Giá 12.400 tầm (31.744 mét). Kinh Đông Xuyên- Rạch Giá là một trong những kinh đào sớm nhất ở miền Nam, đóng vai trò quan trọng của giao thông vận tải đường sông, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân huyện Thoại Sơn từ trước đến nay.

Công trình đào kinh hoàn tất, cụ Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ và báo cáo về triều, Vua Gia Long khen ngợi, lấy tên người mà đặt cho tên sông là Thoại Hà (tức sông Thoại), lại thấy trên bờ phía đông của Thoại Hà có một trái núi tục gọi là núi Sập, liền cho cải tên là Thoại Sơn. Văn bia Thoại Sơn đã nói rõ sự vui mừng của cụ Thoại Ngọc Hầu khi được nhà vua ghi nhận: “Nào ngờ việc đào kinh lại được vua soi xét, đem tên của lão thần mà đặt cho tên núi. Như thế là núi này tức lão thần mà lão thần tức là núi này; lâu xa vòi vọi, cùng trời đất chẳng tiêu mòn”.

Trong nỗi vui mừng đó, cụ Thoại Ngọc Hầu đã tính đến việc dựng một miếu thần bên chân núi và lập một bia đá ghi tên núi, thuật lại nguồn gốc tên núi này. Tuy nhiên, vì việc nước bộn bề, phải đến ba năm sau, cụ  mới có dịp hoàn thành sở nguyện(3). Năm Minh Mạng thứ ba (1822), cụ Thoại Ngọc Hầu long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành chùa Thoại Sơn, thần miếu tại triền núi Sập. Đầu bia đá chạm to hai chữ THOẠI SƠN, chiều cao 3m, ngang 1,2m, bề dày 2m, mặt bia chạm đúng 629 chữ. Động lực tinh thần này đã khiến ông phấn khởi tiếp tục đào kinh Vĩnh Tế sau này và đắp lộ Châu Đốc vào tới núi Sam năm 1826.

Thoại Sơn từ sau ngày đào kinh, đã trở thành một danh lam thắng tích. Khách thương hồ qua lại “chuyện trò lý thú, bàn việc núi được ban tên”. Từng đoàn du khách đến viếng sơn lâm, lễ Phật trên đầu non, xem bia trong thần miếu, những thi nhân, những nhà hiếu cổ cũng ước ao có dịp quá bước về đây để dõi vết người xưa. (...) Ngày nay, du khách sang chơi miền núi Sập, xem qua di tích người xưa: con kinh còn kia, từ miếu còn kia, mà bàn tay người xưa đâu thấy! Khách sẽ không khỏi bâng khuâng mơ về chuyện cũ mà mặc cho lòng rung nhịp cảm hoài...,(4) nhớ về công tích của tiền nhân mà thêm lòng bội phục và biết ơn.

Đến hôm nay, con kinh này vẫn còn có giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, nông nghiệp và kinh cũng đã làm thay đổi bộ mặt thôn xóm ở hai bên bờ. Tất cả thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nhiều mặt của triều Nguyễn. Trong “Nam Kỳ phong tục diễn ca” (1909) của Nguyễn Liên Phong, có đoạn thơ nói về con kinh này như sau:

Đời Gia Long thập thất niên,
Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai.
Đào kinh Lạc Dục rất dài,
Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông.
Rồi vừa một tháng nhơn công,
Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ”(5).

Bia Thoại Sơn hiện vẫn còn ở y vị trí ban đầu, nét chữ Hán trên mặt bia vẫn còn sắc và đẹp. Năm 1828, sau khi cụ Thoại Ngọc Hầu mất, nhân dân vùng Thoại Sơn dựng một ngôi đình để tưởng nhớ công lao của ông và tấm bia Thoại Sơn do ông dựng đã được Bộ Văn hóa ra quyết định số 993/VH.QĐ công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia(6).

Đọc lại nội dung bia Thoại Sơn qua bản dịch của học giả Nguyễn Văn Hầu để thấy được công lao khó nhọc của tiền nhân trong buổi đầu mở đất để thêm lòng tự hào và yêu quê hương, đất nước mình hơn:

“Kể từ trời đất mở mang, thì núi này lâu đời đã có, nhưng núi được đặt tên, thực bắt đầu từ nay. Huống chi tên núi được vua đặc biệt ban cho, cây cỏ đều tươi, khói mây đổi sắc; đem so với non núi tầm thường thì nó có chỗ khác nhau xa!

Núi này xưa tục quen gọi là núi Sập. Song le, cây hoang vẫn còn rậm rạp, luống làm hang ổ cho hươu nai, nơi thắng tích này bị vùi chôn không biết đã bao năm vậy!

Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính được vua trao cho ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818), vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên.

Ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kinh dài một vạn hai ngàn bốn trăm mười tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành một con sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi. Mà núi ở gần bờ kinh, cao ước hơn mười trượng, chu vi được hai ngàn bốn trăm bảy mươi tám tầm, sắc biếc dờn dờn, dựng cao sừng sững, sống động như rồng thần giỡn nước, phượng đẹp lượn trên sông, cảnh anh tú ấy, há không phải tay thợ tạo chung đúc mà nên sao? Lâu nay trời đất giấu kín, chân người ít tới nơi, nay nhân cớ đào kinh xong mà núi, kinh đồng được ghi lên họa đồ dâng trình ngự lãm, ấy cũng là ngày kì ngộ của núi non vậy!

Lại vâng theo lời dụ của vua, lấy danh tước Thoại Ngọc của lão thần, vì đã coi sóc việc này, mà đặt tên là núi Thoại để nêu lên cho tên kinh Đông Xuyên, lão thần do tên núi này mà được đội mang một vinh dự ngoài phần mong mỏi.

Trộm nghĩ lão thần vốn người Quảng Nam, thuở nhỏ lánh mình vào Nam, được vào nhung vụ, theo hầu sang Vọng Các, may được ân tri ngộ, bôn tẩu trên miền thượng đạo, qua lại Xiêm, Lào, Cao Miên, được trấn giữ Lạng Sơn, Định Tường khi hai nơi này khuyết chức. Lại kính cẩn nhận vua ban ấn bảo hộ nước Phiên, rồi có lệnh giữ trấn Vĩnh Thanh, co tay mà tính trong khoảng trên vài mươi năm, gặp gỡ hai triều. Ôn nhớ việc qua thì đã hai lần theo ấn Bảo hộ, trải nhiều năm giữ thành Châu Đốc, đào kinh Vĩnh Tế, dẹp nạn khuấy rối của Cao Miên. Dù chức vụ của bề tôi thô hèn, trải có chút công, nhưng nếu vẫn khư khư theo công danh mà thân thế không như ông Khấu giư được khóa then, như ông Vũ, làm yên sông núi, thì e những ngày sống dư sau khi về hưu, cũng đồng như cỏ cây tàn tạ vậy.

Nào ngờ việc đào kinh lại được vua soi xét, đem tên của lão thần mà đặt cho tên núi. Như thế là núi này tức lão thần mà lão thần tức là núi này; lâu xa vòi vọi, cùng trời đất chẳng tiêu mòn.

Rày về sau, phàm khách thuận dòng mà qua ngang chân núi, chắc không ai không chỉ trỏ chuyện trò lý thú, ngưỡng mộ nhớ nhung đến công đức cần mẫn của vua kinh lý cõi bờ và sau nữa, bàn tới duyên cớ vì đâu mà núi được ban tên. Vinh thay cho tên ấy! Vinh thay cho núi ấy! Bởi lẽ chẳng những vinh riêng cho núi, mà lão thần rất đỗi vinh ngộ lạ thường.

Kính dựng một miễu thờ thần nơi chân núi, chạm đá làm bia, ghi to hai chữ Thoại Sơn, cùng kể rõ nguyên lai tên núi, ngõ hầu lưu lại đời đời không mất(7).

-----------------------

(1) Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang (2007), Địa chí An Giang, tập 2, tr.314.

(2) Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Sđd, tr.312-313.

(3) Trần Hoàng Vũ (2017), Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.216-217.

(4) Nguyễn Văn Hầu, Sđd, tr.173-175.

(5) Theo Từ điển Bách khoa mở Wikipedia, ngày truy cập: 16/3/2019.

(6) Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Sđd , tr.313-314.

(7) Nguyễn Văn Hầu, Sđd, tr.382-385.

Chia sẻ bài viết