23/02/2019 - 08:31

Nỗi đau bạo lực gia đình 

Cuối tháng 1-2019, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Kim Thiện (53 tuổi, ngụ huyện Thới Lai) về tội giết người với mức án chung thân. Nạn nhân là bà T.N., người vợ từng đồng cam cộng khổ suốt mấy chục năm dài với bị cáo. Không người thân, bạn bè đến dự, bị cáo Thiện cứ ôm mặt khóc nói “nhớ con thương vợ”, xin được gặp con. Nhưng tất cả đã muộn màng. Vợ chết, các con bị cáo không còn muốn nhìn người cha đã nhẫn tâm sát hại mẹ của mình. Có lẽ sự ân hận, giày vò trong quãng đời còn lại mới chính là hình phạt đau đớn nhất đối với bị cáo.

Hãy để gia đình là nơi lan tỏa yêu thương, cùng nhau nhân lên những điều tốt đẹp bằng những bữa cơm thân mật, chuyện trò chia sẻ vui buồn.

Hiếm có vụ trọng án nào xử nhanh như phiên tòa này. Bị cáo Thiện không kiềm chế được cảm xúc, khóc liên tục, thành khẩn nhận tội. Trước đây, vụ án từng được đưa ra xét xử nhưng hoãn do luật sư yêu cầu giám định tâm thần đối với bị cáo. Kết quả, bị cáo Thiện bị tổn thương thính lực nặng; trước, trong và sau khi gây án bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần… Xâu chuỗi các tình tiết cho thấy mấu chốt vấn đề do bị cáo ghen tuông vô lối, nghi ngờ, suy diễn không căn cứ, nhiều lần đánh đập vợ gây thương tích. Vợ chịu không nổi đòi ly hôn thì bị cáo Thiện cho rằng muốn dứt áo ra đi để sống với nhân tình, trong khi xóm giềng đều biết bà N. hằng ngày chí thú làm ăn, vất vả đưa đò nuôi con khôn lớn.

Suốt thời gian dài chứng kiến bà N. bị hành hạ, con cái đã từng khuyên nếu sống không nổi thì ly hôn. Nào dè, khi bà gần được giải thoát khỏi cuộc sống bạo hành trong phiên tòa ly hôn sắp diễn ra thì lại chết tức tưởi dưới bàn tay tàn độc của chồng. Các con của bị cáo Thiện dù giận cha nhưng cũng làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, xin không tham dự phiên tòa. Lúc nghe HĐXX công bố chi tiết này, bị cáo lại khóc. Hạnh phúc, tình thâm gia đình phút chốc tiêu tan vì sự cố chấp, mê muội, côn đồ của bị cáo.

Hiện nay, bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức: bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục... và gần như cặp đôi nào cũng đã từng đối mặt với các cấp độ khác nhau; thường là cha mẹ đánh đập con cái, vợ chồng nhục mạ nhau, anh em gây hấn… Tình trạng này nếu không giải quyết rốt ráo, để kéo dài sẽ gây tâm lý căng thẳng, bất an cho các thành viên trong nhà, tác động xấu đến môi trường giáo dục con cái, còn gây mất an ninh trật tự. Những vụ án mạng, cố ý gây thương tích liên quan bạo lực gia đình mà tòa án các cấp xét xử trong thời gian qua là những bài học đau xót, cảnh báo sự xuống cấp đạo đức xã hội. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là người trong cuộc đã để những mâu thuẫn tồn tại âm ỉ không được hóa giải suốt thời gian dài, đến khi "giọt nước tràn ly", không có kỹ năng xử lý, đã bộc phát, gây hậu quả nghiêm trọng.

Do bạo lực gia đình là vấn đề tế nhị nên đa số người trong cuộc giấu, đến khi vỡ lở thì chuyện đã rồi. Hơn 4 năm trôi qua, chị N.Q. (36 tuổi, TP Cần Thơ) vẫn không quên được vết thương lòng. Ngày chị phát hiện chồng có nhân tình cũng là lúc cuộc đời chị bước sang trang khác, bị đọa đày thể xác lẫn tinh thần. Chồng dọa nếu tiết lộ cho gia đình hai bên, sẽ cắt chu cấp; còn ly hôn, chị sẽ không được quyền nuôi con. Không chỉ thế, những lúc chị chịu không nổi hờn ghen, lời qua tiếng lại là bị chồng bạo hành, đánh đập. Chồng bắt chị phải chu đáo cơm nước, giao tiếp lễ lạt như không có chuyện gì xảy ra. Không chỉ thế, ban đêm, chị còn bị bắt đứng khoanh tay nghe… chửi đến khi nào chồng gục xuống bàn trong cơn say, không nói nổi nữa. Thương con, chị Q. cắn răng chịu đựng. Rồi đến ngày chị kiệt quệ, phải nhập viện. Lúc này, người thân mới thấy những vết bầm đen mới cũ đan xen chồng đánh ở đùi non, lưng… mà chị cố tình che giấu. Không muốn con bị tổn thương thêm, chị Q. thỏa thuận với chồng không trình báo việc bạo hành với công an; bù lại, ly hôn, mẹ con được ở bên nhau. Chị Q. tâm sự: "Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi vẫn còn bị ám ảnh, mất ngủ. Thương nhất là con trai tôi vẫn chưa quên ký ức đau buồn, ít chịu gặp cha". Con chị nay học lớp 3, rất ngoan, vẫn thường thủ thỉ sẽ nuôi mẹ suốt đời, không để mẹ bị đánh nữa.

Câu chuyện chị Q. cũng tạm gọi là có… hậu vì nếu kéo dài không biết hậu quả sẽ ra sao. Có những trường hợp bạo lực gia đình gây tổn thương dai dẳng không chỉ ở nạn nhân mà cả gia đình trong ký ức đau buồn. Nhiều đứa con khi nhỏ thường xuyên chứng kiến cảnh người thân nồi da xáo thịt, xúc phạm nhau có xu hướng hành xử như thế với chồng/vợ, con cái của mình sau này. Cũng có không ít trường hợp khép kín cửa lòng, ảnh hưởng hạnh phúc riêng tư…

Đã có biết bao mỹ từ nói về giá trị thiêng liêng của gia đình. Dù ai có đi đâu, làm gì, khi mỏi mệt vẫn mong muốn quay về để được người thân chăm sóc, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn… Cuộc sống hiện đại nhiều xáo trộn, nhiều cách sống, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Nếu chưa như ý, hãy nỗ lực vun vén trong điều kiện cho phép, cùng nhau nhân lên những điều tốt đẹp để gia đình thật sự là tổ ấm yêu thương. Đừng vì những phút giây không biết kiềm chế mà gây thảm kịch, đày đọa nhau rồi phải ân hận suốt đời.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết