23/07/2019 - 07:32

Nỗi buồn tiểu đêm! 

Nhiều quý ông khổ sở vì tình trạng đi tiểu đêm nhiều lần, gây mất ngủ và thường xuất hiện sau tuổi 50, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.

Bác sĩ Đàm Văn Cương đang tư vấn cho người bệnh có rối loạn đi tiểu.

Bệnh viện (BV) Trường Đại học Y dược Cần Thơ vừa tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí bệnh rối loạn đi tiểu cho gần 150 quý ông từ 50 tuổi trở lên. Bác Trần Văn Th. (62 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều), một bệnh nhân tham gia chương trình, cho biết, gần đây bác thường xuyên đi tiểu nhiều lần cả ngày và đêm. Khổ nhất là ban đêm, vừa mới tiểu xong, nằm một chút chuẩn bị vô giấc ngủ thì lại cảm thấy mắc tiểu. Tình trạng kéo dài khiến bác ngủ không đủ giấc, ban ngày đầu óc mơ màng, cơ thể mệt mỏi rã rời vì thiếu ngủ. 

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ – bác sĩ Đàm Văn Cương – Phó Giám đốc BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ, rối loạn đường tiểu là hội chứng có ở cả nam và nữ. Đối với nam giới, bệnh chủ yếu do u phì đại lành tính tiền liệt tuyến (u xơ tiền liệt tuyến), là sự tăng kích thước của tiền liệt tuyến ở nam giới tuổi trung niên. Khi đó, tuyến tiền liệt chèn ép niệu đạo và bàng quang, gây khó khăn cho việc tiểu tiện với các biểu hiện như tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu ngập ngừng, cảm giác tiểu không hết. Nếu u xơ chèn ép vào đường tiểu thì có biểu hiện tắc nghẽn: bí đái, đi tiểu không hết, vẫn còn nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, phải gắng sức rặn, tia nước tiểu yếu hoặc tiểu nhỏ giọt, đi tiểu rất lâu. Người bị u xơ tiền liệt tuyến (TLT) còn bị hội chứng kích thích, thường tiểu gấp, có nhu cầu đi tiểu nhiều lần trong cả ngày và đêm…

Bệnh lý rối loạn đường tiểu dưới do nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân do bướu lành TLT, còn nguyên nhân do bướu ác TLT và nhiều nguyên nhân khác... Bác sĩ thường dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân kết hợp cho thực hiện đo niệu dòng đồ, siêu âm và một số phương pháp hiện đại khác, như MRI, CT để chẩn đoán bệnh. Khi xác định được bệnh do bướu lành TLT, bác sĩ xác định mức độ bệnh sẽ chọn điều trị nội khoa trước, dùng các nhóm thuốc ức chế alpha để giãn cơ cổ bọng đái và nhóm thuốc ức chế 5 alpha réductase có tác dụng làm nhỏ bướu và ức chế phát triển các mô xơ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không nên tự ý, cần có chỉ định của bác sĩ.

Nếu việc điều trị nội khoa không cải thiện, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp ngoại khoa phù hợp để điều trị cho người bệnh. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là cắt đốt nội soi bướu tiền liệt tuyến. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, ít ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ngoài ra, còn có phương pháp cắt mô bướu bằng laser, nhưng phương pháp này chi phí cao, chưa triển khai nhiều. Phương pháp khác là cắt bướu bằng dao lưỡng cực. Những phương pháp khác như xẻ cổ bọng đái cho bệnh nhân già yếu hoặc đặt stent để nong cổ bọng đái. Bệnh nhân khác cũng có thể tiếp cận phương pháp Hifu siêu âm hội tụ cao để diệt mô bướu cải thiện. Đây là những phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả điều trị khả quan cho người bệnh và được thực hiện nhiều năm nay tại BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ.

Theo Phó Giáo sư Đàm Văn Cương, bướu tiền liệt tuyến phát triển theo tuổi thọ bệnh nhân, tuổi càng lớn tỷ lệ bệnh càng cao. Giai đoạn đầu bệnh không quá nguy hiểm, chỉ là các biểu hiện liên quan đến đường tiểu. Các triệu chứng này có thể xảy ra từ từ khiến người bệnh quen dần và không nghĩ đó là bệnh. Nếu không được điều trị sớm, mức độ tắc nghẽn của vùng cổ bàng quang ngày càng nhiều, nước tiểu đọng trong bàng quang gây nhiễm trùng đường tiểu, thận ứ nước, suy thận. Ngoài ra, nếu tình trạng bệnh kéo dài cần phẫu thuật, lại kết hợp một số bệnh khác như tim mạch, hô hấp, tiểu đường,… sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tính mạng người bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, khi gặp phải triệu chứng rối loạn đi tiểu thì nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị hiệu quả. Nếu rối loạn nhẹ, người bệnh chỉ cần điều chỉnh lối sống, tránh các chất kích thích (cà phê, rượu, chất cay...). Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ được uống thuốc để điều chỉnh, còn quá nặng, hoặc uống thuốc không kết quả... thì buộc phải dùng phương pháp ngoại khoa như cắt bỏ mô bướu tiền liệt tuyến.

Bài, ảnh: HẢI TIẾN

Chia sẻ bài viết