12/12/2020 - 10:22

"Nobel Xanh" cho nữ tộc trưởng bảo vệ rừng 

Nemonte Nenquimo, nữ tộc trưởng bộ tộc Waorani, vừa giành được Giải thưởng Môi trường Goldman danh giá hay còn được gọi là "Nobel Xanh" vì hoạt động bảo vệ môi trường, giải cứu các khu rừng nhiệt đới của Ecuador trước các dự án khai thác dầu của chính phủ.

Nenquimo cùng các cư dân bộ tộc Waorani đã giành chiến thắng trong vụ kiện Chính phủ Ecuador xung quanh kế hoạch bán rừng nhiệt đới, theo đó tòa án đưa ra phán quyết bảo vệ 200.000 héc-ta lãnh thổ của bộ tộc Waorani ở Amazon khỏi sự tàn phá của các công ty khai thác dầu mỏ.

Nenquimo cùng với cư dân bộ tộc Waorani. Ảnh: BBC

Nenquimo cùng với cư dân bộ tộc Waorani. Ảnh: BBC

Với dân cư khoảng 5.000 người, bộ tộc Waorani sinh sống bằng săn bắt và hái lượm trong khu rừng nhiệt đới nguyên sơ bao phủ Vườn quốc gia Yasuni, nơi được cho có nhiều loài vật sinh sống hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Kể từ những năm 1960, hoạt động khai thác dầu, gỗ cũng như xây dựng đường sá đã tác động nghiêm trọng đến các khu rừng nhiệt đới của Ecuador, cộng đồng thổ dân và văn hóa của họ. Các công ty dầu mỏ xả chất thải xuống các dòng sông địa phương, khiến cho đất đai bị ô nhiễm, dẫn đến bệnh tật và sẩy thai.

Năm 2018, Chính phủ Ecuador thông báo đấu giá quyền khai thác dầu trên vùng đất thuộc chủ quyền của các bộ tộc, vi phạm trực tiếp lợi ích của họ. Nenquimo khi đó đã đứng ra đồng sáng lập Liên minh Ceibo để chống lại kế hoạch của chính phủ. Theo đó, người phụ nữ 33 tuổi này kêu gọi sự chung tay của bộ tộc Waorani, tổ chức nhiều cuộc họp và phát động một chiến dịch trực tuyến nhằm gửi đến các nhà đầu tư thông điệp "Rừng nhiệt đới của chúng tôi không phải để bán". Chiến dịch này đã nhận được gần 400.000 chữ ký phản đối từ khắp nơi trên thế giới.

Nenquimo cùng lúc giúp bộ tộc tránh khỏi sự cám dỗ của các công ty khai thác dầu mỏ, khi cho lắp đặt hệ thống hứng nước mưa cũng như hệ thống năng lượng Mặt trời; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ca cao và sô-cô-la hữu cơ do phụ nữ làm chủ; đào tạo thanh niên bộ tộc Waorani trở thành những nhà làm phim, quay bằng máy bay không người lái hình ảnh các khu rừng nhiệt đới. Ðặc biệt, Nenquimo thay mặt bộ tộc Waorani đứng ra kiện Chính phủ Ecuador. Tháng 4-2019, tòa án Ecuador đã ra phán quyết có lợi cho Waorani.

Không những vậy, Nenquimo còn khéo léo trở thành cầu nối giữa thế giới thổ dân và xã hội phương Tây, gắn kết người già với thanh niên, đồng thời hợp nhất các bộ tộc từng bị chia rẽ và tiếp tục đấu tranh vì quyền các cộng đồng thổ dân. Phát biểu với Hãng tin BBC, Nenquimo cho biết cư dân Waorani luôn là những chiến binh, bảo vệ lãnh thổ cũng như nền văn hóa của mình trong hàng thế kỷ qua. "Hàng trăm năm qua, ông bà chúng tôi liên tục đấu tranh, bởi không có lãnh thổ thì không có sự sống. Rừng là nhà của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy bị đe dọa khi chính phủ và chủ nghĩa tư bản không lắng nghe. Họ chỉ biết cướp phá, đốt rừng, làm ô nhiễm nguồn nước của chúng tôi. Chúng tôi sống gắn kết với thiên nhiên. Cuộc đấu tranh của chúng tôi không chỉ dành cho bộ tộc Waorani" - Nenquimo bày tỏ.

Nenquimo đã thích môi trường tự nhiên ngay từ nhỏ. Người mẹ có đứa con gái 4 tuổi này có lẽ được truyền cảm hứng từ ông nội, vốn cũng là tộc trưởng luôn đấu tranh bảo vệ vùng đất của mình trước sự xâm nhập từ bên ngoài. Với những hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên và quyền của thổ dân, Nenquimo còn được BBC bình chọn trong danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng và ảnh hưởng trên thế giới năm 2020. Tạp chí TIME cũng chọn Nenquimo là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết